| Hotline: 0983.970.780

Tình đất, tình người ở Viện Thổ nhưỡng Nông hóa

Thứ Năm 17/10/2019 , 08:56 (GMT+7)

Hình thành từ việc tách Ban Đất - Phân (thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) năm 1969, trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, dù lúc thăng hay trầm tập thể, lãnh đạo, cán bộ công nhân viên chức của Viện Thổ nhưỡng Nông hóa luôn duy trì sự đoàn kết, ổn định để tiếp tục sứ mệnh gắn bó, say mê với nghề.

09-17-30_vien_truong_nguyen_xun_li
Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa Nguyễn Xuân Lai.

Ngày 9/2/1968, Chính phủ ban hành Nghị định số 24/CP về chủ trương thành lập Viện Thổ nhưỡng Nông hóa. Theo đó, ngày 6/3/1969, Bộ Nông nghiệp ban hành Quyết định số 13NN/QĐ, về việc tách Ban Đất - Phân (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) để thành lập Viện Thổ nhưỡng Nông hóa với chỉ 46 người và 4 phòng nghiên cứu.

Trải qua nửa thế kỷ phát triển, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa đã nhiều lần thay đổi về cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ. Đặc biệt, ngày 9/5/2006, Bộ NN-PTNT ban hành Quyết định số 35 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Thổ nhưỡng Nông hóa. Theo đó, Viện Thổ nhưỡng Nông hoá là đơn vị sự nghiệp khoa học công lập, trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.

Đến nay, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa có 180 cán bộ, viên chức và người lao động. Trong đó có 2 phó giáo sư, 19 tiến sỹ, 55 thạc sỹ, còn lại là các kỹ sư, cử nhân và kỹ thuật viên với 6 bộ môn nghiên cứu, 3 phòng nghiệp vụ và 4 trung tâm trực thuộc đóng ở các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm trên cả nước.

Phải ghi nhận rằng, trong 50 năm qua, các công trình nghiên cứu, đề tài, sản phẩm áp dụng vào thực tiễn của Viện Thổ nhưỡng Nông hóa phong phú, đa dạng, từ điều tra cơ bản về tài nguyên đất, xây dựng bản đồ, những nghiên cứu về đất liên quan đến dinh dưỡng cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, môi trường đất, vi sinh vật nông nghiệp đến các chương trình hợp tác quốc tế, đào tạo. Các nhà khoa học của Viện đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đóng góp đáng kể vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp nước nhà.

Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa Nguyễn Xuân Lai chia sẻ, bên cạnh thời hoàng kim, cũng có giai đoạn Viện gặp khá nhiều khó khăn do sự chuyển hướng thay đổi quá nhanh và mặt trái của cơ chế thị trường. Tuy nhiên, nhờ sự đoàn kết, nhờ tình yêu vô bờ bến với đất và tình người luôn đầy ắp của những nhà khoa học nối tiếp qua các thế hệ, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa đã dần từng bước vượt qua khó khăn và hiện đã bắt kịp xu thế của kinh tế thị trường, song vẫn không đánh mất bản sắc, cái tôi của những người làm khoa học về đất.

50 năm tiên phong là đơn vị hàng đầu cả nước nghiên cứu về đất và phân bón, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa để lại kho kiến thức, đề tài, công trình, kết quả đồ sộ về lĩnh vực thổ nhưỡng, nông hóa và vi sinh vật. Trong đó, điển hình trong lĩnh vực đất khi Viện đã chủ trì thực hiện nhiều công trình điều tra cơ bản, nghiên cứu cấp quốc gia về đất, lập bản đồ đất tỷ lệ 1/500.000 cho miền Bắc Việt Nam, tham gia xây dựng bản đồ đất toàn quốc tỷ lệ 1/1.000.000.

10-51-25_20181101_103736
Viện Thổ nhưỡng Nông hóa đã bắt kịp xu thế phát triển với ba trục nghiên cứu chính là đất - phân bón - vi sinh vật.

Xây dựng bản đồ đất, bản đồ nông hóa và cơ sở dữ liệu về đất ở các tỷ lệ nhỏ, trung bình và lớn, quy mô từ cấp vùng, cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã. Đánh giá đất đai theo phương pháp của FAO cũng đã được áp dụng ở nhiều tỉnh trên cả nước. Đây là cơ sở khoa học cho việc quy hoạch sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh, bố trí cơ cấu cây trồng trong phạm vi toàn quốc.

Viện cũng áp dụng, chuyển đổi thành công, hài hòa giữa các hệ thống phân loại đất theo trường phái của Nga, của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA - Soil Taxonomy) và FAO-UNESCO-WRB. Đây là công trình có ý nghĩa rất quan trọng, làm cho “ngôn ngữ” phân loại đất trở nên thuận lợi trong hội nhập quốc tế.

Trong những năm gần đây, Viện tích cực tham gia xác định cơ sở khoa học và thực tiễn để đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho các loại nông đặc sản. Nhờ đó hàng chục cây trồng bản địa đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể,… góp phần làm tăng uy tín và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, chắp cánh cho thương hiệu sản phẩm thăng hoa trên thị trường trong nước và quốc tế.

Về lĩnh vực phân bón và dinh dưỡng cây trồng, các loại phân bón đã được Viện nghiên cứu, đánh giá hiệu quả sử dụng đối với nhiều cây trồng trong các cơ cấu khác nhau và trên nhiều loại đất ở 7 vùng sinh thái nông nghiệp, đặc biệt là phân đạm, lân, kali, phân hữu cơ,… Kết quả đã chỉ ra những yếu tố hạn chế của đất trong mối quan hệ với cây trồng/hệ thống cây trồng và vùng sinh thái, mùa vụ.

Việc phát hiện sự luân phiên xuất hiện các yếu tố hạn chế đa lượng như đạm, lân, kali, rồi đến trung và vi lượng cũng như đưa ra được các tổ hợp chủng vi sinh vật nông nghiệp thích hợp đã giúp sử dụng đất bền vững và bón phân cân đối, hiệu quả hơn, tái sử dụng phụ phẩm trồng trọt và chăn nuôi tốt hơn.

Các nghiên cứu này đã giúp tăng năng suất cây trồng, cải thiện độ phì nhiêu đất, giảm sử dụng phân vô cơ, hạn chế ô nhiễm môi trường. Điển hình như đề tài Xây dựng sơ đồ sử dụng phân bón có hiệu quả cho một số cơ cấu cây trồng ở các vùng sinh thái giúp tăng năng suất từ 10 - 15% so với cách bón thông thường; Nghiên cứu quản lý dinh dưỡng cho lúa và ngô theo vùng đặc thù giúp năng suất lúa tăng lên 10% ở cả 3 vùng ĐBSCL, ĐBSH và duyên hải Nam Trung Bộ,…

Bên cạnh đất và phân bón, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa coi nghiên cứu và sử dụng vi sinh vật có ích trong cải tạo độ phì nhiêu đất và nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch theo chủ trương, kêu gọi của lãnh đạo Bộ NN-PTNT hiện nay.

09-17-30_tp_the_lnh_do_cn_bo_vien_tho_nhuong_nong_ho
Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa ngày càng trưởng thành và phát triển có chiều sâu, bền vững.
Với những đóng góp đó, Viện đã được Đảng và Nhà nước trao tặng: Huân chương Lao động hạng Ba năm 1981; Huân chương Lao động hạng Nhì năm 1985; Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1999; Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2009 cùng rất nhiều giải thưởng và danh hiệu trong và ngoài nước trao tặng.

Trong thời gian vừa qua, Viện đã thu thập, lưu giữ, bảo quản, khai thác và phát triển một cách hiệu quả nguồn gen vi sinh vật trồng trọt. Hiện Viện đang lưu giữ trên 700 nguồn gen vi sinh vật, bao gồm vi khuẩn, nấm, xạ khuẩn và nấm men.

Đây là nguồn nguyên liệu quan trọng cho việc nghiên cứu phát triển các sản phẩm vi sinh vật sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, nghiên cứu, tạo ra các chế phẩm vi sinh vật xử lý phụ phẩm nông nghiệp, chế phẩm vi sinh vật xử lý ô nhiễm kim loại nặng, chế phẩm vi sinh vật cải tạo đất, chế phẩm vi sinh vật chức năng, góp phần xử lý ô nhiễm môi trường, tăng năng suất cây trồng, tiết kiệm chi phí sản xuất, phát triển nông nghiệp sạch, bền vững.

Viện trưởng Nguyễn Xuân Lai tâm sự, chặng đường 50 năm với nhiều mốc phát triển, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa đã được ghi nhận là một đơn vị nghiên cứu mạnh hàng đầu của ngành trong lĩnh vực đất, phân bón với nhiều nhà khoa học tên tuổi cùng các công trình nghiên cứu tầm quốc gia và quốc tế.

Tiếp nối truyền thống và những thành tựu đã đạt được, tập thể, lãnh đạo, cán bộ viên chức Viện Thổ nhưỡng Nông hóa sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, phát huy các thế mạnh sẵn có, khắc phục những tồn tại để xây dựng Viện ngày càng vững mạnh, xứng đáng là một Viện nghiên cứu chuyên đề hàng đầu của cả nước, góp phần đáng kể vào thực hiện thành công chương trình mục tiêu Quốc gia về tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước.

Nhắc đến viện Thổ nhưỡng Nông hóa không thể không nhắc tới lĩnh vực hợp tác quốc tế. Trong suốt 50 năm qua, Viện đã hợp tác rộng rãi với các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp của các nước như: Anh, Pháp, Đức, Đan Mạch, Bỉ, Hà Lan, Thụy Điển, Úc, Trung Quốc, Lào, Philipines, Pakistan, Sudan… và với các tổ chức quốc tế như: IRRI, IWMI, AusAID, IPNI, DANIDA, AIC, CIDA, EU, ACIAR, CIAT, IRD, ICRICAT, FFTC…

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Mời SunRice tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

ĐỒNG THÁP Tập đoàn SunRice đang khuyến khích nông dân ĐBSCL các biện pháp canh tác lúa bền vững và đặt mục tiêu giảm lượng khí thải carbon bằng 0 trong chuỗi giá trị vào năm 2050.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm