| Hotline: 0983.970.780

Tinh gọn nhân lực, giảm... nhân tình

Thứ Năm 25/07/2019 , 08:58 (GMT+7)

Chủ trương tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn được coi là vấn đề cấp thiết. Tuy nhiên, việc triển khai lại gặp nhiều bất cập. Thực tế trên đang diễn ra tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên.

Liệu có vắt chanh bỏ vỏ?

Báo NNVN nhận được đơn đề nghị của một số người lao động làm việc tại Trung tâm Thể dục thể thao (Sở VH-TT-DL tỉnh Thái Nguyên). Theo đó, tập thể người lao động nói trên đã được ký hợp đồng cộng tác viên, huấn luyện viên, hợp đồng lao động. Trong đó, có người có thời gian công tác tới 9 năm.

Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2018 đến 31/5/2018, người lao động chỉ nhận được tiền lương mà không được nhận tiền huấn luyện. Thậm chí, từ tháng 6/2018 đến nay, mặc dù cơ quan chủ quan vẫn giao nhiệm vụ nhưng lại không trả lương, không trả tiền huấn luyện theo hợp đồng lao động đã ký cũng như không thanh toán các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định.

Trao đổi với PV NNVN, huấn luyện viên môn cử tạ Trương Thị Huệ nghẹn ngào cho biết, từ năm 2002 – 2007, chị là vận động viên môn cử tạ tại Trung tâm TDTT, đã tập luyện và mang lại nhiều thành tích cao. Từ 2010 - 2015, chị được ký hợp đồng cộng tác viên, huấn luyện vận động viên thi đấu. Tháng 10/2015, Trung tâm TDTT Thái Nguyên đã ký hợp đồng lao động số 46, phân giao nhiệm vụ cho chị tuyển chọn, đào tạo, quản lý và tổ chức cho vận động viên tham gia thi đấu.

Qua gần 20 năm công tác trong ngành, từ lúc là vận động viên, cộng tác viên đến huấn luyện viên, năm nào chị cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn. Huấn luyện viên cử tạ Trương Thị Huệ đã tuyển chọn, cung cấp được hàng chục vận động viên cấp 1 Quốc gia; mang về cho địa phương hàng chục huy chương các loại.

Trớ trêu thay, gần 40 tuổi đầu thì lại nhận được đề nghị cắt hợp đồng. Lúc trẻ khỏe đã cống hiến cho thi đấu, khi tích lũy được kinh nghiệm lại hăng say truyền giảng cho thế hệ kế tiếp. Vậy mà bỗng dưng bị “đẩy” ra ngoài.

Tính riêng năm 2018, Huấn luyện viên Trương Thị Huệ đã tuyển chọn, đào tạo và tổ chức thi đấu với thành tích 1 Huy chương vàng, 2 Huy chương đồng cho tỉnh; phá kỷ lục tại Đại hội TDTT toàn quốc, cung cấp được 1 vận động viên cấp 1 Quốc gia.

Mặc dù, Trung tâm TDTT tỉnh Thái Nguyên vẫn sử dụng và phân giao nhiệm vụ nhưng chị Huệ chỉ được nhận lương từ tháng 1 đến tháng 5/2018. Từ tháng 6/2018 đến nay, chị chưa được nhận lương. Các khoản tiền huấn luyện, tiền bảo hiểm từ đầu năm 2018 cho đến nay, chưa được chi trả.

Theo tìm hiểu của PV NNVN, từ năm 2017 trở về trước, Sở VH-TT-DL tỉnh Thái Nguyên được giao 34 hợp đồng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, làm việc tại 3 đơn vị trực thuộc là Trường Phổ thông năng khiếu TDTT, Trung tâm TDTT và Đoàn nghệ thuật. Từ năm 2018, tỉnh Thái Nguyên không giao hợp đồng hưởng lương nên số người lao động nói trên có nguy cơ mất việc làm.
 

Nan giải

Lãnh đạo Sở VH-TT-DL khẳng định, 34 hợp đồng lao động nói trên là nguồn nhân lực quan trọng, có năng lực, đã cống hiến nhiều năm và đóng góp nhiều thành tích trong sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao của ngành. Nhiều huấn luyện viên đã đào tạo được những vận động viên đạt nhiều thành tích tại các giải thể thao Quốc gia và Quốc tế; có những nghệ sỹ đã đạt được huy chương tại các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc...

Nhận thấy, việc không giao hợp đồng hưởng lương ngân sách cho số lượng hợp đồng lao động nói trên sẽ mang đến nhiều khó khăn vướng mắc, ngay từ cuối năm 2017, Sở đã họp với các ngành chức năng và đề xuất UBND tỉnh ban hành Đề án khoán chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực VH-TT. Tuy nhiên, Đề án trên vẫn chưa được triển khai.

Với tại sao lại vẫn sử dụng lao động khi không có nguồn lương, trong công văn gửi UBND tỉnh về việc tháo gỡ khó khăn với ngành văn hóa, ông Phạm Thái Hanh (nguyên Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Thái Nguyên) cho biết, vì thiếu lao động và chờ đợi việc ban hành Đề án khoán chuyên môn nên các đơn vị trực thuộc Sở vẫn phải sử dụng lao động mà chưa có nguồn chi trả.

Còn việc xét tuyển chỉ tiêu biên chế thời gian qua là do có người nghỉ hưu hay việc luân chuyển công tác nhưng chỉ có thể cho một số trường hợp chứ không thể giải quyết hết được cả 34 hợp đồng lao động nói trên.

Nguyên Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Thái Nguyên cũng quả quyết, về khoản nợ lương, nợ bảo hiểm và các khoản khác chưa được chi trả cho người lao động từ đầu năm 2018 đến nay, Sở sẽ tích cực đề xuất nguồn để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất