| Hotline: 0983.970.780

Tỉnh Hải Dương 'giải vây' phà Tuần Mây

Thứ Năm 09/04/2020 , 10:56 (GMT+7)

Việc tự ý cho đóng cửa toàn bộ các bến đò nhỏ dọc sông Kinh Môn (một nhánh sông Kinh Thầy) đã khiến phà Tuần Mây (Hải Dương) gần như tê liệt.

Hình ảnh hàng nghìn người chen lấn tại phà Tuần Mây, sáng 7/4. Ảnh: Dân trí. 

Hình ảnh hàng nghìn người chen lấn tại phà Tuần Mây, sáng 7/4. Ảnh: Dân trí. 

Hàng nghìn người chen chúc qua phà đi làm mỗi ngày, khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19 tăng cao. Sự việc buộc tỉnh Hải Dương phải vào cuộc giải vây.

Địa phương máy móc!?

Từ ngày 1/4, trước tình hình dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16 với mục đích giãn cách xã hội.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa…

Nắm bắt “nhanh” Chỉ thị 16, ngay lập tức, UBND thị xã Kinh Môn đã ra quyết định dừng hoạt động của 4 đò ngang sang huyện Kim Thành gồm: Đò Quýt, Thượng Quận, Thăng Long và An Phụ.

Từ thời điểm này, mỗi ngày có khoảng 3.000 người đổ dồn về bến phà Tuần Mây để đi làm. Đặc biệt, cao điểm đầu buổi sáng và cuối buổi chiều, số khách trên mỗi chuyến phà thường tăng đột ngột. Trên bờ, hàng trăm hành khách chen lấn chờ được xuống phà. Lớp lớp người, ô tô, xe máy… và không ai mặc áo phao khi qua sông.

Chị Phạm Thị Thêu, công nhân may cho biết, bao năm qua đi đò Thượng Quận, chưa bao giờ gặp cảnh ùn ứ, chen lấn. Nhưng mấy hôm nay phải đi phà Tuần Mây, do quá tải, ai cũng sợ muộn giờ làm nên chen lấn hỗn loạn. Công nhân mà đi làm muộn sẽ bị trừ tiền công, trong khi lương đã thấp nên không ai muốn.

Trước tình trạng trên, Sở Giao thông vận tải Hải Dương đã yêu cầu Cty TNHH Đức Phúc (đơn vị quản lý, khai thác bến phà Tuần Mây) kiểm soát các phương tiện. Theo đó, chỉ được chở tối đa 50% lượng khách/chuyến để phòng lây nhiễm Covid-19. Nhưng trên thực tế, do nhu cầu đi lại, lượng khách qua phà mỗi ngày một đông hơn, ùn ứ nghiêm trọng.

Người dân qua phà hầu hết không mặc áo phao, mất an toàn giao thông đường thủy. Ảnh: TH. 

Người dân qua phà hầu hết không mặc áo phao, mất an toàn giao thông đường thủy. Ảnh: TH. 

Sở này khẳng định, quyết định của thị xã Kinh Môn về việc dừng hoạt động của các đò ngang nối sang huyện Kim Thành là chưa thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh Hải Dương.

Đó là, chỉ các đò, phà đi sang tỉnh, thành phố khác mới phải tạm dừng hoạt động để phòng chống Covid-19. Còn lại, các đò, phà đi lại giữa các địa phương trong tỉnh vẫn được hoạt động bình thường để bảo đảm việc đi lại, sản xuất của nhân dân.

Thậm chí, trước đó, thị xã Kinh Môn còn đề nghị dừng cả hoạt động của phà Tuần Mây để phòng chống Covid-19. Không hiểu lãnh đạo thị xã Kinh Môn chưa thực sự nắm rõ Chỉ thị 16 của Chính phủ, chỉ đạo của UBND tỉnh Hải Dương hay cố tình áp dụng một cách máy móc, dẫn tới phản sự rối loạn giao thông không cần thiết!?

Tỉnh “giải vây”

Trước tình trạng kể trên, chiều tối 7/4, UBND tỉnh Hải Dương đã gửi văn bản khẩn tới UBND thị xã Kinh Môn, UBND huyện Kim Thành, Sở Giao thông vận tải và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh yêu cầu khắc phục.

Văn bản khẩn của UBND tỉnh Hải Dương 'giải vây' cho phà Tuần Mây. 

Văn bản khẩn của UBND tỉnh Hải Dương "giải vây" cho phà Tuần Mây. 

Tỉnh Hải Dượng khẳng định, hoạt động vận chuyển hành khách tại bến phà Tuần Mây không bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch Covid-19, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Đồng thời mất an toàn giao thông như chở quá số người theo quy định, lượng người tập trung đầu bến rất đông, xảy ra tình trạng ùn tắc 2 đầu bến phà. Không bảo đảm quy định về cấm tập trung và quy định về khoảng cách tối thiểu để phòng chống dịch Covid-19.

Đối với thị xã Kinh Môn và huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương yêu cầu xem xét mở lại các bến đò dọc sông Kinh Môn để giảm lưu lượng người và phương tiện tại phà Tuần Mây.

Bên cạnh đó, giao Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh chủ trì cùng các đơn vị liên quan làm việc với các doanh nghiệp, bố trí kế hoạch sản xuất phù hợp cho người lao động để tránh tình trạng tập trung đông người vào đầu giờ và cuối ngày làm việc.

Các đơn vị liên quan thực hiện ngày việc phát thẻ, bố trí phương tiện đưa đón lao động qua phà Tuần Mây, bảo đảm an toàn phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chia sẻ với báo chí, Sở Giao thông vận tải Hải Dương khẳng định, việc tạm dừng hay cho hoạt động trở lại của bến đò ngang thuộc thẩm quyền của các UBND thị xã (huyện). Vì vậy, việc đưa số đò này hoạt động trở lại, địa phương phải thực hiện, chứ không cần chờ đến khi UBND tỉnh chỉ đạo hoặc đề nghị của Sở Giao thông vận tải.

Phà Tuần Mây từ sáng 8/4 đã không còn cảnh người dân chen lấn qua sông. Ảnh: TH. 

Phà Tuần Mây từ sáng 8/4 đã không còn cảnh người dân chen lấn qua sông. Ảnh: TH. 

Sau yêu cầu của UBND tỉnh Hải Dương, thị xã Kinh Môn mới vội vã ban hành 2 văn bản. Trong đó, một văn bản khẩn cho phép mở lại các bến đò ngang ở khu Nam An Phụ gồm các xã, phường: An Phụ, Thượng Quận, Lạc Long, Thăng Long để chở công nhân, người lao động, từ ngày 8/4.

Các bến đò này chỉ cho chở công nhân, lao động có biển hiệu do doanh nghiệp cấp và phương tiện chở các mặt hàng thiết yếu. Công an thị xã Kinh Môn và UBND các phường, xã phải lập chốt kiểm soát y tế theo quy định. Thời gian hoạt động của các bến đò ngang: sáng từ 5 – 8 giờ, trưa từ 11 – 14 giờ, chiều từ 16 – 20 giờ.

Từ sáng 8/4, tại bến phà Tuần Mây, cảnh tưởng nghìn người chen lấn sang sông đã không còn. Thiết nghĩ, sự rối loạn giao thông, đẩy nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 tăng cao vừa qua bởi sự nhau nhảu, áp dụng máy móc, cũng sẽ là bài học đắt giá cho nhiều địa phương khác, không chỉ riêng Hải Dương.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất