| Hotline: 0983.970.780

Tính hiếu kỳ

Thứ Bảy 06/06/2020 , 06:45 (GMT+7)

Hiếu kỳ, theo Từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học Việt Nam định nghĩa như sau: “Có tính hay tò mò, ham thích tìm hiểu những điều mới lạ”.

Người dân hiếu kỳ xem vây bắt Tuấn 'khỉ'. Ảnh: Trần Tiến/TN.

Người dân hiếu kỳ xem vây bắt Tuấn "khỉ". Ảnh: Trần Tiến/TN.

Đây là tính từ có tính chất tích cực, nhưng song song đó cũng có mặt khuyết điểm khi một số người vượt qua ngưỡng giới hạn khiến cho sự việc trở nên tiêu cực. 

Không khó để bắt gặp một số người đang tham gia giao thông thấy tai nạn bèn dừng lại vây kín hiện trường nghe ngóng tình hình. Thấy có đám cháy gọi nhau í ới xúm xít lại xem, bàn tán om sòm và live-stream nhằm thu hút lượt view từ cư dân mạng.

Hay một nhóm học sinh đánh nhau, vây thành vòng tròn đứng xem say sưa như xem phim hành động...

Nếu hiếu kỳ dừng lại ở việc xem xét tình cảnh và sau đó giúp nạn nhân sơ cứu, đưa đi cấp cứu, gọi cơ quan chức năng xử lý, có tính chất hòa giải... thì không gì bàn cãi. Điều đó đáng được hoan nghênh, khuyến khích.

Tuy nhiên, ngược lại, cả nhóm người chỉ biết vây kín làm kẹt xe, cản trở người thi hành công vụ, cổ súy cho cái xấu khi không can ngăn học trò đánh nhau, đồn đoán "thêm dầu vô lửa", gọi người đến xem cùng...

Họ bàng quan trước những tai nạn, rắc rối của xã hội. Khủng khiếp hơn, họ bỏ cả công ăn chuyện làm chỉ để được thỏa mãn sự hiếu kỳ, xem đó là niềm vui.

Như vụ án Lê Quốc Tuấn (Tuấn “Khỉ”) ở TP.HCM là một ví vụ điển hình. Có người đã bỏ bê công việc, lên tận Củ Chi (TP.HCM) thuê phòng trọ để theo dõi công an truy bắt Tuấn “Khỉ”.

Mặc cho công an đang vây ráp, lùng bắt nghi phạm nổ súng làm 4 người chết ở huyện Củ Chi, TP.HCM, người dân vẫn kéo đến nói chuyện, quay phim, chụp ảnh cảnh bất chấp nguy hiểm đang rình rập.

Hiếu kỳ ngoài đời thực đã phức tạp, trong thế giới ảo càng rắc rối hơn. Có những việc được người ta dựng lên chỉ để kích thích tính tò mò của cư dân mạng (nhằm câu like, câu view để bán hàng online) nhưng họ nào hay biết. Cứ lao vào xem mê mẩn vì “độc”, rồi “tăm tia”, bình luận, chửi bới, share hăng hái và rồi sập bẫy.

Từ hiếu kỳ cá nhân dẫn đến những hành động dại dột, thiếu suy nghĩ của tập thể, khiến cho sự việc hỗn loạn.

Theo nhà tâm lý học người Pháp Gustave Le Bon, định nghĩ tâm lý đám đông (trong quyển sách ''Tâm lý học đám đông'') rằng: “Những đám đông luôn bị vô thức tác động, họ xử sự như người nguyên thuỷ, người dã man, không có khả năng suy nghĩ, suy luận, mà chỉ cảm nhận bằng hình ảnh, bằng sự liên kết các ý tưởng, họ không kiên định, thất thường, và đi từ trạng thái nhiệt tình cuồng loạn nhất đến ngây dại ngớ ngẩn nhất…”.

Vì vậy, tính hiếu kỳ ở mỗi cá nhân chúng ta cần phải biết điểm dừng, tránh bị đám đông dẫn dắt tinh thần vào mặt tiêu cực.

(Kiến thức gia đình số 23)

Xem thêm
Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất