| Hotline: 0983.970.780

Tình hình khiếu nại, tố cáo: 70% số vụ "dính" đến đất

Thứ Ba 28/09/2010 , 10:36 (GMT+7)

Khai mạc sáng qua (27/9), phiên họp thứ 35 UBTV Quốc hội đã thảo luận về báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC). Theo đó, phần lớn đơn thư đều tập trung vào lĩnh vực đất đai.

Khai mạc sáng qua (27/9), phiên họp thứ 35 UBTV Quốc hội đã thảo luận về báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC). Theo đó, phần lớn đơn thư đều tập trung vào lĩnh vực đất đai.

Khiếu nại, tố cáo tiếp tục tăng

Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết, trong thời gian qua tình hình KNTC vẫn tiếp tục tăng 17% so với năm 2009. Các cơ quan nhà nước đã tiếp nhận 157.779 đơn thư KNTC (tăng 29,8%) của 112.063 vụ việc (tăng 17%). Nội dung khiếu nại chủ yếu vẫn tập trung vào lĩnh vực đất đai (69,9%), yêu cầu trả lại nhà đất thuộc diện cải tạo (4,66%)… Về tố cáo, nội dung tập trung vào lĩnh vực hành chính (94%), chủ yếu tố cáo cán bộ, công chức có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật, nhất là trong việc quản lý đất đai, tài chính, ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện chính sách xã hội…

Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết, đã giải quyết được 85,2% số vụ việc KNTC theo thẩm quyền, tăng 1,27% so với năm 2009. Qua giải quyết KNTC đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước 48.187 triệu đồng; 63,35 ha đất; trả lại cho tập thể, công dân 50.982 triệu đồng; 123 ha đất; minh oan cho 251 người; trả lại quyền lợi cho 1.524 người, kiến nghị xử lý hành chính 754 người, chuyển cơ quan điều tra xem xét trách nhiệm hình sự 46 vụ việc với 89 người.

Chính phủ cũng thừa nhận, tỷ lệ công dân KNTC đúng và đúng một phần vẫn còn cao, điều này chứng tỏ trong công tác quản lý nhà nước và việc giải quyết các quyền lợi của công dân của các cấp chính quyền nhất là cơ sở vẫn còn nhiều thiếu sót, bất cập. “Trong giải quyết còn nhiều thiếu sót, kết luận còn chưa đầy đủ, thiếu chính xác; phương pháp giải quyết cứng nhắc, thụ động nên khó thuyết phục để chấm dứt khiếu nại”, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền nói.

Cũng theo nhận định của Tổng Thanh tra Chính phủ, năm 2011 tình hình KNTC vẫn tiếp tục tiềm ẩn những diễn biến phức tạp và phát sinh ở nhiều địa phương.

Năng lực cán bộ là nguyên nhân trực tiếp

Về việc tại sao KNTC của công dân chủ yếu tập trung trong lĩnh vực đất đai, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn cho rằng, chính những chính sách đất đai như thu hồi đất, GPMB, đền bù, giải tòa đất đai, tái định cư chưa thấu đáo. Chỉ khi Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành một cách đầy đủ, hoàn thiện, công bằng thì mới hy vọng giải quyết được tình trạng này.
Đồng tình với báo cáo của ông Truyền, nhưng Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận vẫn đề nghị, Chính phủ cần làm rõ hơn việc tại sao số lượng đơn thư phát sinh trong năm 2010 nhiều hơn năm 2009 và những năm trước?

Theo ông Thuận, ngoài những nguyên nhân đã tồn tại nhiều năm nay chưa được khắc phục do thủ tục hành chính, cách giải quyết chưa thấu đáo, còn có nguyên nhân về phẩm chất, đạo đức cũng như năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ, công chức và trách nhiệm không đầy đủ của người có thẩm quyền. Đây là nguyên nhân trực tiếp làm phát sinh KNTC và cũng là nguyên nhân làm cho tình hình này thêm phức tạp. “Nếu không kịp thời có biện pháp mạnh để khắc phục thì khó có thể có những chuyển biến cơ bản về tình hình KNTC hiện nay”, ông Thuận cảnh báo.

Đồng quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách, Phùng Quốc Hiển đề nghị “cần phân tích thêm nguyên nhân bất cập về vấn đề cán bộ”. Bởi theo ông Hiển, bộ máy chính quyền ngày càng được tăng cường cả về biên chế và chi phí nhưng việc tăng trên không đi đôi với việc giải quyết công việc, trong đó có công tác KNTC. “Công chức hiện nay, đặc biệt là công chức cơ sở không đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý đặt ra. Nhiều cán bộ công chức cấp xã làm sai mà không biết mình làm sai”- ông Hiển thẳng thắn.

Thừa nhận về trình độ của cán bộ cấp cơ sở, tuy nhiên Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng, nếu đổ lỗi hoàn toàn cho cán bộ cơ sở là chưa khách quan vì nhiều vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của cán bộ cơ sở. “Ví như khiếu nại về lĩnh vực đất đai thì việc giải quyết thuộc thẩm quyền của huyện và của tỉnh. Xã không có thẩm quyền”, ông Vượng nói.

Để giải quyết các tồn tại trên, Chính phủ xác định trong thời gian tới công tác giải quyết KNTC là một trong những công tác trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng trong việc chăm lo quyền làm chủ, quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất