| Hotline: 0983.970.780

Tính khả thi khi đưa 200.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp đi xuất khẩu lao động?

Thứ Ba 28/02/2017 , 08:30 (GMT+7)

Thời gian gần đây dư luận đặc biệt quan tâm tới đề án xuất khẩu lao động (XKLĐ) có trình độ với đối tượng được nhắm tới là trên 200.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp do Bộ LĐ-TB&XH khởi xướng.

Vậy, đề án này cụ thể như thế nào và tính khả thi của nó đến đâu?

Được biết, hiện Bộ LĐ-TB&XH đang giao Cục Quản lý Lao động ngoài nước xây dựng đề án "Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài, giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến 2025" trình Chính phủ.

13-13-27_nh-xkld
Lao động Việt Nam đi XKLĐ sang Nhật Bản dưới dạng tu nghiệp
 

Theo đó, Đề án hướng tới đẩy mạnh XKLĐ trình độ cao ở một số ngành nghề như hộ lý, điều dưỡng sang Nhật, Đức; cơ khí, công nghệ thông tin, điện tử sang Hàn Quốc và hướng đến một số thị trường mới như Slovakia, Séc... Đề án được coi là tìm hướng đi cho số lao động có trình độ đại học, cao đẳng đang thất nghiệp, để họ có cơ hội tham gia các chương trình XKLĐ, tìm việc làm.

Trao đổi với chúng tôi về đề án này, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước Tống Hải Nam cho biết, ngay sau khi được Bộ giao xây dựng đề án, đơn vị hiện mới đang trong quá trình nghiên cứu, đánh giá nhu cầu, xây dựng dự thảo nên hiện chưa có con số chính thức cũng như còn quá sớm để nói đề án này mức độ khả thi đến đâu.

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội cho biết, đầu tiên ông cảm thấy buồn hơn vui khi biết tới đề án này. Thứ hai, ông thấy đề án trên còn rất nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu cho kỹ lưỡng.

Theo ông Ngọc, hiện nay chúng ta gọi là thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp, nhưng thực tế bằng cấp của hệ thống giáo dục Việt Nam, đặc biệt là hệ đại học hiện chưa có thông tin nào cho thấy các nước phát triển khác họ kiểm định và công nhận chương trình đào tạo và bằng cấp của ta.

Hơn nữa, hiện giữa Việt Nam và các nước có hai chương trình đào tạo khác nhau, cách tiếp cận khác nhau. Chúng ta đào tạo cho nền kinh tế, chính trị xã hội, giờ đưa lao động sang một nước có nền văn hóa, trình độ công nghệ khác, rõ ràng người lao động phải nỗ lực rất lớn mới có thể hòa nhập.

Là một đơn vị có truyền thống đào tạo, liên kết đưa học viên đi XKLĐ, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội chia sẻ, qua tìm hiểu sơ bộ cho thấy, thị trường Hàn Quốc, Chính phủ nước này có chủ trương thu hút lao động nước ngoài, đặc biệt là lao động Việt Nam có qua đào tạo ở một số nghề như điện, cơ khí, hàn, công nghệ ô tô.

13-13-27_nh-2
Giờ thực hành tại Trường CĐN Cơ điện Hà Nội

 

Thậm chí, Chính phủ Hàn Quốc còn cấp visa tới hạng E7 (cho cả vợ con, người thân sang sinh sống cùng) cho người lao động. Còn với thị trường Đức rất khó có thể áp dụng được vì trình độ giảng viên, phương tiện, máy móc của chúng ta khó có thể đáp ứng.

Cũng cảm thấy lấn cấn trước đề án đưa lao động có trình độ đi XKLĐ, trong đó đặc biệt quan tâm tới con số trên 200.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Cơ giới Ninh Bình Dương Văn Cường và Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Cơ điện và Xây dựng Việt Xô Phạm Thanh Bình khẳng định, đây chỉ là giải pháp tình thế tạm thời trước mắt, không phải gốc rễ của vấn đề.

Theo đó, đa phần cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp hiện nay tập trung ở các ngành xã hội, kinh tế, trong khi các nước phát triển họ lại đang cần lao động ở lĩnh vực kỹ thuật và dịch vụ. Do đó, để đào tạo, chuyển đổi được số lượng rất lớn đội ngũ cử nhân, thạc sĩ hiện đang thất nghiệp đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của nước ngoài không hề đơn giản. Chưa kể, còn phải đáp ứng được cả khả năng ngoại ngữ.

Còn theo NGƯT, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thủy sản Nguyễn Văn Việt, đề án của Bộ LĐ-TB&XH nếu giải quyết được khoảng 30 - 40% số lượng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp hiện nay đã là thành công, bởi đa phần các trường chuyên nghiệp hàn lâm của ta hiện nay đào tạo nặng về lí thuyết, trong khi nước ngoài họ cần lao động tay nghề chuyên nghiệp đến mức thành thạo nên trong số trên 200.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp hiện tại, số lượng không đáp ứng được yêu cầu chiếm tỉ lệ rất lớn.

+ Thống kê đến tháng 9/2016, cả nước có 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, tăng 29.000 so với quý trước đó. Trong đó, nhóm trình độ đại học trở lên thất nghiệp cao nhất với hơn 202.000 người. Tiếp đến là cao đẳng 122.000 người và trung cấp chuyên nghiệp 73.800 người.

+ Theo Cục quản lý Lao động ngoài nước, năm 2016 Việt Nam đưa 126.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, thị trường Đài Loan chiếm 50% với trên 68.000 người; Nhật Bản khoảng 30% với gần 40.000 lao động. Năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH đặt mục tiêu đưa 105.000 lao động đi với các thị trường trọng điểm truyền thống là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.

 

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Ký kết giao ước thi đua ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL

Hội nghị nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh phong trào thi đua vùng ĐBSCL năm 2024.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất