| Hotline: 0983.970.780

Tình làng xóm Lẫm

Thứ Ba 03/02/2015 , 06:15 (GMT+7)

Gần 17 năm nay, người dân xóm Lẫm, thôn Phước Thạnh (Tam Thạnh, Núi Thành, Quảng Nam) thay phiên nhau nấu cơm nuôi bà Phạm Thị Sòng (60 tuổi) bị bệnh tâm thần, sống neo đơn. 

Không cần ai nhắc nhở, hết nhà này đến nhà khác nuôi bà Sòng, họ đã viết lên câu chuyện đẹp.

Tình làng

Chúng tôi về xóm Lẫm, một xóm núi nằm heo hút cách xa trung tâm huyện Núi Thành chừng 20 km. Từ trung tâm xã, đi vào xóm Lẫm đường ngoằn ngoèo theo chân núi. Băng qua suối Lẫm, là nơi cư trú của 24 hộ dân. Hầu hết các gia đình còn nghèo khó, sống bằng nghề trồng lúa và trồng rừng.

Căn nhà bà Sòng bé nhỏ nằm giữa xóm. Mang tiếng là nhà, nhưng thực chất chỉ là một căn phòng rộng chừng 20 m2 trống huơ, trống hoác. Tài sản quý giá nhất là mấy cái bát và vài bộ áo quần. Hôm chúng tôi đến, trời chuyển mùa, bà Sòng lên cơn nên rất khó tiếp cận.

Đang xách nước từ nhà hàng xóm sang cho bà Sòng, trưởng thôn Phước Thạnh Ngô Quang Vinh bảo: “Để tôi thuyết phục xem sao, chứ các chú vào đó bà ấy nghĩ đưa đi bệnh viện tâm thần nên vùng dậy ném đá đấy”.

Nói về cuộc đời bà Sòng, không ai rõ hơn ông Vinh. Chính ông Vinh là người nêu ra ý tưởng người dân thay nhau nấu cơm cho bà Sòng. Ông Vinh kể, bà Sòng sinh ra trong gia đình gồm 6 người. Bà là con thứ 3 trong gia đình. Mẹ của bà qua đời khi bà con nhỏ. Hai người con trai trong gia đình cũng đã qua đời trong chiến tranh.

Sau đó, 3 ba con bà Sòng chuyển vào Bà Rịa - Vùng Tàu sinh sống. Khi đất nước thống nhất, 2 ba con bà Sòng quay lại địa phương, còn người chị gái thì lấy chồng trong đó. Tuy nhiên, chị gái cũng bị bệnh tâm thần, hiện sống ở Bà Rịa - Vũng Tàu cùng con cháu.

Trước đây, bà Sòng là người bình thường, siêng năng làm ăn. Thế rồi tại họa ập đến khi người chồng sắp cưới của bà qua đời. Ngày đó, bà yêu một người tên Thanh, hai gia đình tổ chức ăn hỏi, chờ đến ngày nên duyên vợ chồng. Từ ngày chồng mất, bà bị bệnh tâm thần nhưng nhẹ. Vào năm 1992, ba của bà Sòng qua đời. Ngày ba mất cũng là lúc bà bị bệnh nặng hơn.

Bà bị đau ốm thường xuyên, cuộc sống qua ngày, làm được cái gì thì ăn cái đó. Vào năm 1998, sau một trận ốm nặng, bà bị teo cơ, hai chân bị bại liệt, đi lại giống như đứa trẻ, chỉ bò và lết. Cũng từ đó, người dân xóm Lẫm thay nhau chăm sóc bà.

“Thực sự tôi cũng không nghĩ bà ấy bị bệnh nặng như vậy. Ai ngờ, hết tháng này đến tháng khác vẫn không khỏi. Bốn tháng ròng rã, gia đình tôi lo cơm nước cho bà, nhưng bệnh tình không tiến triển. Lúc đó, tôi làm trưởng xóm, mời các gia đình họp và thống nhất thay nhau nấu cơm nuôi bà”, ông Vinh nhớ lại.

12-51-57_nh-4
Trưởng thôn Ngô Quang Vinh xách nước cho bà Sòng sử dụng

Hiện xóm Lẫm có 24 hộ gia đình thì có 4 hộ được miễn không phải nuôi bà Sòng, bởi họ thuộc diện nhà nghèo, trong gia đình có người bệnh tật nặng. Do đó, 18 hộ thay nhau nuôi bà, cơm ngày hai bữa. Mọi người đã lên lịch sẵn, hết người này chuyển đến người khác. Còn chuyện tắm rửa, giặt áo quần thì Hội Phụ nữ xóm đảm nhận. Cứ vài ngày chị em trong xóm đến tắm, gội đầu, giặt áo quần cho bà. Nước sinh hoạt, nước uống hằng ngày thì có các gia đình lận cận xách đến cho bà sử dụng.

Có lần chính quyền địa phương đưa bà vào bệnh viện tâm thần ở, nhưng bà không chịu đi. Cũng có lần con cháu chị gái bà Sòng ở Vũng Tàu ra đưa vào để chăm sóc, nhưng bà nhất quyết ở lại.

“Gần 17 năm bà Sòng bị bệnh tâm thần nặng, cũng là kênh dự báo thời tiết của xóm Lẫm. Mỗi khi bà lên cơn, y như rằng thời tiết thay đổi”, ông Vinh cho biết.

Ngồi nhẩm tính lịch đưa cơm cho bà Sòng hằng ngày, ông Vinh cho hay, hôm nay đến phiên gia đình chị Bùi Thị Tuyết. Dẫn chúng tôi đến nhà, chị Tuyết vừa chuẩn bị bữa ăn cho gia đình, chị lấy mỗi thứ một ít cất riêng vào bát. Cho tất cả vào rổ, chị mang cơm sang cho bà Sòng ăn. Thức ăn gồm cơm, cá, thịt và canh. Đưa đến nhà, cơm và thức ăn được dọn sẵn nhưng bà Sòng vẫn không chịu dậy ăn.

Ngoài việc nuôi bà Sòng, người dân xóm Lẫm quyên góp tiền, ngày công xây nhà cho bà ở. Đặc biệt, bà con xóm Lẫm còn làm việc nghĩa đối với người chết. Năm 2012, mọi người trong xóm quyên góp được 8 triệu đồng xây mộ cho ba mẹ của bà Sòng. Hiện mọi người dự tính, khi bà Sòng chết, sẽ mai táng tại nhà và lập bàn thờ tại đây.

Sau một hồi khá lâu ra sức thuyết phục, bà Sòng mới rời khỏi giường để ăn cơm. Bà ngồi ở góc nhà, chẳng nói gì. Lâu lâu, bà dùng tay che mặt lại. Chị Tuyết tiếp tục dỗ dành giống như một đứa trẻ, rồi bà bưng cơm ăn.

“Đưa cơm cho chị Bốn (tên thường gọi của bà Sòng) đã thành thói quen rồi chú ạ! Gia đình tôi ăn gì thì chị Bốn ăn rứa. Hôm nay đến nhà tôi, mai đến nhà khác. Hôm nhà tôi có việc bận thì nhờ người khác nấu thay, hôm sau lại đến lượt mình. Việc nấu ăn giờ trở thành thói quen của xóm Lẫm”, chị Tuyết tâm sự.

"Chẳng có gì to tát"

Cũng giống như 18 hộ gia đình ở xóm Lẫm, bà Châu Thị Nữ bao nhiêu năm chăm sóc bà Sòng. Nay bước sang tuổi 60, người thường xuyên đau ốm, nên bà không còn nấu cơm cho bà Sòng nữa. Tuy nhiên “sự nghiệp” nuôi người mắc bệnh tâm thần được bà gửi lại cho người con trai của mình, anh Nguyễn Đức Nhân. Anh Nhân đều đặn nấu cơm cho bà Sòng như mọi người trong xóm.

Bà Nữ chia sẻ: “Việc chúng tôi làm chẳng có gì to tát đâu chú ơi! Đấy là tình làng nghĩa xóm, bà con tắt lửa tối đèn có nhau. Việc nuôi bà Sòng là trách nhiệm của người dân xóm Lẫm. Qua đây cũng là câu chuyện để giáo dục bọn trẻ, làm người phải biết thương yêu nhau”.

12-51-57_nh-3
Ngôi nhà của bà Sòng

Gia đình anh Nguyễn Đức Nhân có bốn miệng ăn, cuộc sống chẳng khá giả gì. Tôi hỏi anh: Ba mẹ anh còn ốm đau, không dành dụm tiền cho mẹ chữa bệnh mà còn nuôi bà Sòng? Anh cười: “Ở trong xóm có nhiều người nghèo khổ hơn mình mà họ còn nuôi bà Sòng được, mình mạnh khỏe, đi làm thuê có thu nhập sao không nuôi nổi? Đấy là việc phải làm mà, chẳng có gì hết. Một bữa ăn, nấu thêm cơm, còn thức ăn mọi người trong gia đình ăn ít đi một chút là được. Ba mẹ ngày trước nuôi bà, giờ đến lượt mình thôi, đấy là trách nhiệm của xóm này!”.

Theo anh Nhân, thức ăn dành cho bà Sòng sẽ nhỉnh hơn gia đình một ít. Trong xóm có ma chay, cưới hỏi thì không quên để phần cho bà. Đấy là cái nếp của người dân xóm Lẫm, từ người già đến trẻ con ai cũng thương bà Sòng hết.

Chúng tôi rời xóm Lẫm khuất dần sau ngọn núi Gò Lẫm, ngày mai, ngày kia người dân xóm Lẫm vẫn thay nhau nấu cơm nuôi bà Sòng. Hình ảnh đó, khiến chúng tôi cảm động vô cùng. Tuy nhiên, câu nói của trưởng thôn Ngô Quang Vinh vẫn đọng lại trong tôi: “Bà Sòng có cơm ăn, áo mặc nhưng chưa được sung túc lắm. Mong rằng, các nhà hảo tâm đóng góp để người dân xóm Lẫm nuôi bà đầy đủ hơn. Bữa sáng có mì tôm ăn, ốm đau có được viên thuốc uống và đặc biệt khi bà Sòng chết, có tiền mai táng”.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.