| Hotline: 0983.970.780

Tỉnh Lào Cai đã 'tiếp sức' cho DN sai phạm trong lĩnh vực khoáng sản như thế nào?

Thứ Tư 13/06/2018 , 09:19 (GMT+7)

Như NNVN đã phản ánh, trong giai đoạn 2005 - 2015, UBND tỉnh Lào Cai và các cơ quan liên quan đã để xảy ra hàng loạt sai phạm trong lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn.

Trong đó, có những sai phạm rất nhiêm trọng như việc “hỗ trợ” doanh nghiệp núp bóng dự án khai thác trái phép. Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai trong giai đoạn này là các ông Nguyễn Hữu Vạn (giai đoạn 2006 - 2010) và ông Nguyễn Văn Vịnh (giai đoạn 2010 -2013). Ông Vịnh hiện là Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai.

16-41-46_loci7
UBND tỉnh Lào Cai “tiếp sức” cho hàng loạt doanh nghiệp vi phạm lĩnh vực khoáng sản

Theo Thanh tra Chính phủ, công tác quản lý tài nguyên của Lào Cai trong giai đoạn này có nhiều tồn tại, khuyết điểm, vi phạm hầu hết ở các khâu từ quy hoạch khoáng sản, cung cấp thông tin về quy hoạch và giới thiệu địa điểm dự án, thẩm định dự án đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp giấy phép, thu hồi đất, cho thuê đất… đã gây thất thu ngân sách Nhà nước.

Đặc biệt, đối với một số dự án lớn như Minh Lương, Sa Phìn, Tsuha, dự án xây dựng nhà hàng khách sạn của Lilama… đã để xảy ra hàng loạt sai phạm.

Đối với dự án khai thác, tuyển và luyện vàng gốc, mỏ vàng Minh Lương, việc giới thiệu địa điểm và thông báo quỹ đất quy hoạch là 21,18ha, nhưng Bộ TN-MT cấp giấy phép tới 112ha, sau đó UBND tỉnh Lào Cai cấp giấy chứng nhận đầu tư tăng tiếp lên 151,18ha, tức vượt so với quy hoạch 130ha, vi phạm nguyên tắc sử dụng đất đai được quy định tại Điều 11, Luật Đất đai năm 2003.

Dự án khai thác mỏ vàng gốc Sa phìn và Tsuha đã được cho thuê 9,6ha đất rừng phòng hộ và 9,654ha đất chưa sử dụng nhưng quy hoạch là rừng phòng hộ, 15,83ha quy hoạch đất rừng sản xuất... Đây là những diện tích không được quy hoạch hoạt động khoáng sản nhưng Bộ TN-MT và UBND tỉnh Lào Cai vẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác... Điều này đã vi phạm Điều 4 Luật Khoáng sản 2010 quy định về nguyên tắc hoạt động khoáng sản.

Trong giai đoạn ông Nguyễn Văn Vịnh làm Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, UBND tỉnh Lào Cai có văn bản cho chủ trương để chủ đầu tư tận thu, thu gom quặng Apatit khi thực hiện dự án xây dựng nhà hàng, khách sạn là vi phạm Điều 65 và Điều 67 Luật Khoáng sản năm 2010. Sở Xây dựng Lào Cai cũng đã giới thiệu địa điểm lập dự án với diện tích 3,77ha không thuộc quy hoạch sử dụng đất dịch vụ đối với dự án này.

Nhờ những sự “tiếp sức” từ UBND tỉnh Lào Cai và các cơ quan liên quan, Cty TNHH Xây dựng, Thương mại Lilama lấy danh nghĩa thực hiện dự án nhà hàng, khách sạn nhưng thực tế khai thác apatit trái phép.

Theo Thanh tra Chính phủ, để xảy ra sai phạm này, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch phụ trách và Giám đốc Sở TN-MT, Xây dựng thời kỳ này phải chịu trách nhiệm chính. Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị xác định trách nhiệm và tiến hành kiểm điểm nghiêm túc theo thẩm quyền đối với lãnh đạo UBND tỉnh, các cơ quan, cá nhân có liên quan đã nêu. Xem xét thu hồi về ngân sách Nhà nước tổng số tiền sai phạm 82.927.537.000 đồng.

Sau khi Thanh tra Chính phủ có kết luận và kiến nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đồng ý với các kiến nghị của thanh tra, trong đó, chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo công an tỉnh xác minh làm rõ việc tận thu, thu gom quặng apatit của Cty Lilama để xem xét, nếu có vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng (về môi trường, gian lận thuế…) thì xử lý theo đúng quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.

Cũng theo Thanh tra Chính phủ, trong giai đoạn 2005 - 2015, Lào Cai còn để xảy ra hàng loạt sai phạm trong việc lập thẩm định, phê duyệt quy hoạch khoáng sản làm vật liệu thông thường không đúng với nghị định của Chính phủ. Theo đó, có 13 dự án khoáng sản được giới thiệu địa điểm với diện tích vượt so với quy hoạch 196,77ha vào đất rừng sản xuất, đất nông nghiệp; 11 dự án nằm ngoài quy hoạch với diện tích 65,41ha... Cá biệt, có những dự án được UBND tỉnh Lào Cai cho phép chủ đầu tư khai thác tận thu khoáng sản 8 năm (vượt thời hạn 3 năm) đã vi phạm Điều 50, Luật Khoáng sản năm 1996.

Đơn cử như Cty Apatit Việt Nam, một số khai trường của doanh nghiệp này đã khai thác nhiều năm, nhưng đến thời điểm thanh tra, Sở TN-MT cùng các cơ quan đơn vị có liên quan chưa thực hiện việc cắm mốc và bàn giao mốc giới tại một số khu vực khai thác. Các cơ quan chức năng Lào Cai cũng đã để doanh nghiệp này khai thác quặng apatit tại một số khai trường khi mà giấy phép khai thác đã hết hạn.

Ngoài ra, việc thẩm định cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với hoạt động khai thác khoáng sản để xảy ra các khuyết điểm.

Cụ thể, UBND tỉnh Lào Cai cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 112.000.369 ngày 1/4/2013 chỉ ghi “được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 và số 122/2011/NĐ-CP ngày 27/12/2011”, tuy nhiên Thanh tra Chính phủ phát hiện điều này không đúng quy định tại các nghị định nêu trên.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất