| Hotline: 0983.970.780

Tỉnh nghèo muốn viện phí cao

Thứ Năm 12/07/2012 , 11:14 (GMT+7)

Có đến 16 tỉnh thành đề xuất áp dụng 90-100% khung viện phí do liên bộ Y tế - Tài chính ban hành. Đáng nói hầu hết trong số này đều là các tỉnh thành còn nghèo, đời sống người dân còn nhiều khó khăn.

Có đến 16 tỉnh thành đề xuất áp dụng 90-100% khung viện phí do liên bộ Y tế - Tài chính ban hành. Đáng nói hầu hết trong số này đều là các tỉnh thành còn nghèo, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. 

Người dân làm thủ tục thanh toán viện phí tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định. Tỉnh này lúc đầu đề xuất áp dụng 91% khung viện phí, sau đó hạ xuống 70% và hiện nay là 54%

Trong khi Hà Nội chỉ định áp dụng mức viện phí bằng 73-86% khung giá liên bộ Y tế - Tài chính đã ban hành, có đến 16 tỉnh thành đề xuất áp dụng 90-100% khung, hầu hết trong số này đều là các tỉnh thành còn nghèo, người dân có mức sống thấp.

Theo báo cáo tổng hợp triển khai thông tư 04 về mức thu viện phí mới tại các tỉnh, đã có 18 địa phương dự kiến áp dụng dưới 80% khung viện phí của liên bộ Y tế - Tài chính đã ban hành tháng 2-2012, 14 địa phương áp dụng dưới 90% khung, 16 địa phương đề xuất áp dụng mức 90-100% khung.

Đáng chú ý, hầu hết những địa phương dự kiến thu viện phí cao nhất lại là các tỉnh còn khó khăn như Lào Cai và Đắk Lắk đề xuất áp dụng 100% giá viện phí chung (bao gồm cả giá khám, giường bệnh, giá dịch vụ, thủ thuật). Sóc Trăng áp dụng trung bình 100% giá trong khung, cá biệt có ngày giá giường bệnh được đề nghị áp dụng bằng 129% mức tối đa được cho phép. Riêng tỉnh Sơn La, tuy chưa có báo cáo cụ thể về từng nhóm dịch vụ, nhưng mức giá trung bình được đề xuất ở 420 dịch vụ lên tới 113% so với khung!

Càng nghèo càng muốn thu cao

Nguy cơ chi vượt thu trong năm 2013

“Dự kiến năm 2012 có 40 địa phương chi vượt thu quỹ bảo hiểm y tế, hơn 20 địa phương còn lại là các tỉnh miền núi đang đề xuất áp dụng mức thu cao cũng có nguy cơ chi vượt thu do tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế ở đây lên đến 90-95% dân số. Như vậy nguy cơ chi vượt thu trên toàn hệ thống đang hiện hữu ngay trong năm 2013”.

Ông Phạm Lương Sơn (trưởng Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội VN)

Lý giải về hiện tượng này, phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN Nguyễn Minh Thảo bất bình cho hay có ba nguyên nhân chính dẫn đến nghịch lý này là: địa phương không thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Y tế trong xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật - yêu cầu tất yếu khi xây dựng giá viện phí, mà áp nguyên trạng theo định mức của Bộ Y tế vốn phù hợp cho nhóm bệnh viện hạng 1 và đặc biệt tuyến trung ương, dẫn tới xây dựng giá thành ảo.

Tiếp theo là các địa phương miền núi có điều kiện kinh tế khó khăn, cuối năm vẫn còn dư tiền của quỹ bảo hiểm y tế nên muốn xây dựng viện phí cao nhằm tăng nguồn thu cho cơ sở khám chữa bệnh. Một yếu tố nữa là có sai sót ở yếu tố đầu vào, như tỉnh Lào Cai báo cáo giá vật tư đã được mua cao hơn 1,5-2 lần so với địa phương khác, nên viện phí phải... cao theo. “Đó là sai ở khâu đấu thầu, không thể đưa vào viện phí”- ông Thảo nói.

Ngày 10-6, Bắc Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước áp dụng viện phí mới bằng 84% khung. Để có được mức giá này, trước đó Bảo hiểm xã hội đã phải can thiệp bằng công văn đề nghị yêu cầu tính toán lại, vì Bắc Ninh đã “nhanh tay” xây dựng mức viện phí cho mình trước khi Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội VN tổ chức hội nghị hướng dẫn phương án xây dựng viện phí mới, và đề xuất áp dụng 100% khung!

Tương tự, theo ông Phạm Lương Sơn (trưởng Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội VN), ngày 10-7 đơn vị này cũng phải gửi văn bản khẩn tới bí thư Tỉnh ủy Lào Cai thông báo đề xuất áp giá dịch vụ y tế kịch trần trong khung của tỉnh là không phù hợp và đề nghị can thiệp. Ông Sơn cho hay phải gửi khẩn cấp vì HĐND tỉnh Lào Cai đang họp và dự kiến thông qua đề xuất viện phí mới trong một vài ngày tới. Theo ông Sơn, không chỉ Bắc Ninh mà tỉnh Bình Định cũng từng đề xuất áp dụng 91% khung đã phải hạ xuống 70% và hiện nay là 54% khung sau khi xem xét lại. Hay tỉnh Thanh Hóa, địa phương dự kiến áp dụng 96% khung cũng đang xem xét hạ mức viện phí.

Người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế khám tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị). Tỉnh này là một trong những địa phương đề xuất áp dụng 90-100% khung viện phí mới

Bao nhiêu là vừa?

Theo đánh giá của ông Nguyễn Minh Thảo, tất cả các quy chuẩn để thu mức viện phí kịch khung của liên bộ Y tế - Tài chính các bệnh viện đều chưa đạt. Trong đó, với giá khám bệnh kịch khung là 15.000 đồng/lượt ở bệnh viện hạng 1/đặc biệt thì mỗi bàn khám chỉ được khám tối đa 35 bệnh nhân/ngày, trong khi đó mức chung ở VN hiện nay là 50 bệnh nhân/bàn khám/ngày, thậm chí có bệnh viện 70-100 bệnh nhân/bàn khám/ngày. Các yêu cầu về tiêu chuẩn giường bệnh, diện tích buồng bệnh, số nhân viên y tế chăm sóc... cũng đều chưa đạt.

“Thu viện phí mới thì sáu tháng phải thay màn/đợt, các đồ dùng như chăn chiếu, đệm... cũng phải phù hợp tiêu chuẩn và mỗi buồng bệnh 18m2 chỉ nên có bốn giường bệnh” - ông Thảo nói. Vì lý do này, ông Thảo cho rằng nên có lộ trình thực hiện viện phí mới, làm sao để chất lượng dịch vụ và mức thu viện phí tương xứng. Theo ông Thảo, ở mức cung cấp dịch vụ như hiện nay, bệnh viện chuyên khoa hạng 1/đặc biệt tuyến trung ương tùy điều kiện áp dụng, bệnh viện tuyến trung ương nhóm 2 áp dụng 80-90% khung, đa số bệnh viện tỉnh áp dụng 70% khung là phù hợp.

Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội nghị bàn giải pháp phát triển bảo hiểm y tế do Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội VN tổ chức ngày 10-7, về lý do tại sao không ban hành mức viện phí cho nhóm địa phương, để địa phương tự xây dựng và trình hội đồng nhân dân ban hành, dẫn tới hiện tượng địa phương càng nghèo càng đề xuất mức thu cao, ông Thảo cho hay việc này là áp dụng Luật giá và Luật khám chữa bệnh. Theo ông Thảo, trước đây đã có dự kiến áp dụng mức viện phí theo hạng bệnh viện, nhưng bị vướng quy định trong Luật giá.

Bắc Ninh, Bình Định và tới đây là Thanh Hóa đã và đang hạ khung viện phí, vậy các địa phương khác có thể hạ được không? Bà Đặng Thị Minh, giám đốc Sở Y tế Nam Định, cho hay sở này chỉ đề xuất phương án áp dụng 60% khung của liên bộ mà tỉnh còn chưa đồng ý, do tỉ lệ người dân có bảo hiểm y tế ở Nam Định chỉ là 43%. Nếu tăng phí sẽ ảnh hưởng mạnh đến nhóm 57% chưa có thẻ hiện tại. Có lý gì mà Lai Châu, Lào Cai, Vĩnh Long, Ninh Thuận, Cao Bằng, Đồng Tháp, Kiên Giang, Quảng Trị... lại đề xuất mức phí gấp rưỡi so với tỉnh Nam Định?

Lo cho người dân không có bảo hiểm

“Theo tính toán của Bảo hiểm xã hội VN, nếu viện phí được các tỉnh áp dụng như đề xuất thì quỹ bảo hiểm y tế sẽ phải chi thêm 26% cho mức tăng này, tương đương khoảng 7.000 tỉ đồng/năm. Tôi rất lo cho người dân không có bảo hiểm y tế, bà con phải nhanh chóng tham gia vì giá nhiều dịch vụ, thủ thuật tăng. Ví dụ trước 1,5 triệu đồng, nay 2,5 triệu đồng/dịch vụ thì tổng chi phí điều trị sẽ tăng cao”.

Ông Nguyễn Minh Thảo (phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN)

Theo Tuổi trẻ

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.