| Hotline: 0983.970.780

Tình người trên biển

Thứ Năm 31/08/2017 , 09:05 (GMT+7)

“Nghề biển bây giờ khó khăn trăm bề. Không chỉ nguồn lợi hải sản ngày một cạn kiệt, mà còn nhiều mối nguy rình rập trên biển. 

09-54-36_nh_1
Lão ngư Nguyễn Văn Cẩn

Nhưng chúng tôi vẫn quyết bám biển. Bởi đó không chỉ đơn giản là sinh tồn, là miếng cơm, mà còn là truyền thống bao đời, là trách nhiệm với biển đảo quê hương”. Đó là tâm sự của những ngư dân làng chài Phước Tỉnh, huyện Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu.
 

Vị mặn ngấm vào máu

Lão ngư Nguyễn Văn Cẩn ở thôn Phước Hiệp, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu, năm nay đã 62 tuổi, không còn đủ sức đương đầu với những chuyến đi biển dài ngày nữa nhưng những trăn trở về biển thì vẫn đầy ắp trong ông.

“Nghề biển bây giờ không như vài chục năm trước nữa, khó trăm bề. Nhưng, cái vị mặn của biển đã ngấm sâu trong máu rồi, làm sao bỏ được. Bám biển không chỉ để mưu sinh, mà còn giữ biển của mình nữa chứ”, ông nói.

Dõi mắt nhìn ra hướng biển xa xăm, lão ngư Tám Cẩn trầm ngâm: “Hồi tôi mới về đây, đó là thời kỳ vàng son của nghề cá, mỗi chuyến tàu ra khơi, tuỳ tàu lớn nhỏ, đi về là đầy ắp cá, tôm, mực. Làm ăn khấm khá, chủ ghe đua nhau xây nhà, sắm thêm phương tiện, bạn ghe cũng phấn khởi, hào hứng ra khơi. Còn bây giờ, nguồn cá tôm ngày càng cạn kiệt, ngư dân lại đông. Vật giá trăm thứ đều cao, chịu không xuể với phí tổn. Chưa kể nhiều hiểm nguy rình rập. Giờ chỉ khoảng 30% chủ ghe làm ăn có lãi, đó là những người biết tính toán và có vốn tích lũy, không phải vay tiền lãi”.

Ông Cẩn cho biết, ông và các bạn ghe không chỉ đi biển đánh cá đơn thuần, mà vừa đánh bắt vừa làm “tai mắt” trên biển. Thấy vấn đề bất thường, ông tìm cách thông báo cho lực lượng biên phòng để theo dõi, xử lý. “Thời đó mới giải phóng, còn phức tạp, nên cũng nhiều chuyện”, ông nói.

Rời nhà lão ngư Tám Cẩn, tôi tìm đến nhà anh ngư dân trẻ Cao Huỳnh Công, cách đó chừng 3 cây số. Sở dĩ tôi muốn gặp anh Công vì cha anh, ông Cao Văn Hà (đã mất), là một cây đại thụ trong nghề biển ở Phước Tỉnh, được ngư dân ở trong vùng tôn là sư phụ. Anh Công hiện đang nối nghiệp cha, làm chủ 4 tàu cá loại lớn.

09-54-36_nh_2
Anh Cao Huỳnh Công và bộ hàm cá mập do cha anh “săn”, anh giữ lại làm kỷ niệm

“Cha tui theo nghề biển từ nhỏ. Đến lúc cha nghỉ đi biển, tính ra cũng ngót 50 năm. Vì thế, cha thuộc làu từng luồng cá, từng dòng hải lưu ở những vùng biển cha đến. Ban ngày, ông chỉ cần nhìn màu nước, hay ban đêm, cha vốc nước biển lên nếm là biết có nên thả lưới hay không. Nhưng, bà con trong làng cá nể ba tui không chỉ vì ông sát cá, mà còn nổi tiếng yêu biển. Bạn ghe đi với ổng biết ý, không bao giờ dám xả rác hay tiểu bậy xuống biển. Cách đây mấy chục năm mà ông đã ý thức chuyện không bắt cá nhỏ. Tui nhớ nằm lòng câu cha nói: “Đó là tao giữ cho tụi bay, cho con cái tụi bay, chứ tao thì cần gì”. Bản thân tui 10 tuổi đã theo cha đi biển, nên giờ ai theo tui cũng nói tui khó tính, y hệt cha”.

Nói về thời “hoàng kim” của ngư dân, anh Công kể: “Hồi đó cá tôm nhiều, chỉ cần ra xa vài cây số, đi 1 ngày có khi cũng đầy khoang các loại cá, mực. Thêm nữa, ba tui giỏi đoán luồng, đi là trúng. Nếu không bị thời tiết, gió bão thì gần như không chuyến nào lỗ. Nhờ vậy mà cách đây gần 3 chục năm, ba tui đã đóng tàu công suất 300CV để đánh bắt xa bờ, từ vùng biển Côn Đảo, Phú Quốc, Cà Mau, Ninh Thuận đến Hoàng Sa. Tui đóng thêm một chiếc công suất 500CV, hết hơn 7 tỷ đồng. Mỗi chuyến đi biển của kéo dài 1 - 2 tháng, thu về 50 - 70 tấn các loại mực, cá...”.

09-54-36_nh_3
Cảng cá Phước Tỉnh, Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu

“Giờ nghề đi biển ngày càng khó khăn, anh có tính “giải nghệ”, lên bờ kiếm việc khác nhàn hơn làm không?”, tôi hỏi. Anh Công trầm ngâm giây lát rồi nói: “Ngư dân như chúng tôi luôn gắn phận mình với sóng gió ngoài biển khơi. Biển đã lấy đi cuộc sống của không ít ngư dân, nhưng ngược lại, biển cũng cho chúng tôi cuộc sống, cả vật chất lẫn tinh thần. Tui chưa tưởng tượng được là mình có chịu nổi không nếu bỏ biển. Với lại, đây là nghề cha truyền, nếu không làm biết làm gì kiếm sống bây giờ?”.
 

Đi biển có đôi

Trước những khó khăn ngư dân phải đối mặt ngày một nhiều, khiến không ít người nản chí, lão ngư Tám Cẩn và các “bô lão” trong làng cá Phước Tỉnh đã họp bàn, đưa ra sáng kiến lập các tổ đoàn kết, đội đánh bắt hải sản trên biển, nhằm hỗ trợ nhau và giảm chi phí. Sáng kiến này sau đó được bà con ngư dân rất ủng hộ. Các tàu trong tổ cùng ra khơi đánh bắt chung ngư trường và thường xuyên liên lạc với nhau để hỗ trợ khi cần. Hoạt động được một thời gian trên biển, các tàu luân phiên chở sản phẩm khai thác về cảng để bán và mua nhu yếu phẩm để tiếp ứng cho tàu đang hoạt động ngoài khơi.

“Nghề đi biển, nguy hiểm luôn rình rập, phải đối mặt với nhiều rủi ro mà chẳng ai đoán trước được. Ra khơi một mình đơn lẻ, nếu gặp luồng cá thì trúng lớn, nhưng chẳng may gặp nạn khi đó biết nhờ ai giúp đỡ. Cho nên, việc liên kết lại, thành lập các tổ, đội đánh bắt, đi biển có đôi, có bạn để hỗ trợ nhau là một sáng kiến rất hay”, anh Nguyễn Văn Liêm, chủ tàu cá ở cảng Phước Tỉnh tâm sự.

09-54-36_nh_4
Anh Nguyễn Văn Liêm, chủ tàu (thứ 2 từ trái qua): “Nghề đi biển ngày càng nhiều rủi ro, nên việc liên kết, hỗ trợ nhau là yếu tố sống còn”

Không chỉ hỗ trợ nhau trong quá trình làm ăn, mà còn hỗ trợ nhau khi gặp sự cố trên biển. Tháng 7 vừa qua, tàu cá của anh Hồ Ngôn bị hư lốc máy, tàu của anh Trần Cương cùng tổ đã bỏ dở chuyến đánh bắt, lai dắt tàu anh Ngôn về bờ an toàn. Anh Cương cho biết: “Thời gian qua, nhiều lần tàu của tôi đã giúp tàu bạn khi bị hư hỏng máy móc, thiết bị trên tàu. Kể cả tàu cá của các tỉnh bạn, hễ tàu nào bị hư hỏng máy móc thiết bị, nếu có phụ tùng mang theo chúng tôi đều sẵn lòng cho mượn. Còn trường hợp tàu gặp nạn chúng tôi luôn xác định cứu người là trên hết”.

09-54-36_nh_5
Anh Nguyễn Văn Liêm kể lại lần gặp nạn trên biển được bạn ghe cứu

Với ngư dân, chấp nhận thua lỗ, thậm chí cả hiểm nguy để cứu người là nguyên tắc sống của hầu hết ngư dân khi ra biển, chọn biển cả làm nơi mưu sinh. “Năm ngoái, tàu của tôi bị sóng bất thần đánh phủ đầu, chúi mũi, đắm luôn. May là còn kịp điện cấp cứu. Sau đó được tàu anh Nguyễn Thành Trung đến cứu, 5 anh em trên tàu đều an toàn, cả tàu và ngư cụ trị giá gần 4 tỷ đồng cũng được lai dắt vào bờ”, anh Nguyễn Văn Liên, ở xã Phước Hưng, huyện Long Điền, chủ tàu cá BV 92954 TS kể.

Bên cạnh sự nỗ lực, quyết tâm bám biển của ngư dân, còn có sự hỗ trợ đáng kể của chính quyền địa phương các cấp. Như dự án “Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh Movinar” đã được tỉnh triển khai từ lâu.

Mặc dù khó khăn chồng chất, nhưng không khí ở làng cá Phước Tỉnh vẫn nhộn nhịp. Mỗi sáng tinh mơ, cảng cá vẫn dập dìu ghe cá dưới bến, còn trên bờ, các loại xe đậu kín, đợi “ăn hàng”. Không khí náo nhiệt đến 9 giờ mới lắng. Và, bất chấp khó khăn, những con tàu công suất lớn vẫn được đóng mới liên tục.

09-54-36_nh_6
Anh Nguyễn Thành Trung, chủ tàu: “Nhờ liên kết tổ đánh bắt, chúng tôi thấy vững tâm hơn khi đối mặt với rủi ro trên biển”
09-54-36_nh_7
Tàu “dịch vụ hậu cần thuỷ sản” mới hạ thuỷ của ngư dân Phước Tỉnh. Đây là tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ
“Biển không chỉ là nghiệp mưu sinh mà còn là cuộc sống tinh thần của ngư dân. Mỗi lần ra khơi là một lần đối mặt với sóng gió hiểm nguy. Với họ bám biển không chỉ để kiếm sống, nối nghiệp cha ông, mà còn là góp phần bảo vệ vùng biển, khẳng định chủ quyền của dân tộc. Chính vì vậy, dù mưu sinh trên biển ngày càng khó khăn, nhưng vẫn có nhiều hộ ngư dân đầu tư đóng mới tàu công suất lớn với trang thiết bị ngư cụ hiện đại để đủ sức đi biển xa, dài ngày và an toàn”, ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu.

 

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Không tùy tiện tăng giá, ép khách du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Ngành du lịch yêu cầu các cơ quan quản lý địa phương và doanh nghiệp công khai giá bán hàng hóa, dịch vụ và bán đúng giá niêm yết, không tùy tiện tăng giá.