| Hotline: 0983.970.780

Tình yêu dai dẳng

Thứ Hai 25/06/2012 , 12:22 (GMT+7)

Tôi không thể nào tự hiểu là vì sao lại yêu Ngọc đến thế. Mới nhìn, không ai có thể nói cô xinh đẹp, thậm chí còn khá nhiều khiếm khuyết...

Tôi không thể nào tự hiểu là vì sao lại yêu Ngọc đến thế. Mới nhìn, không ai có thể nói cô xinh đẹp, thậm chí còn khá nhiều khiếm khuyết: Nước da mai mái, xạm nắng, sớm xuất hiện những nốt tàn nhang. Lưng hơi gù, người mỏng mảnh, không có những đường nét gợi cảm...


Ảnh minh họa

Ngọc khiến tôi yêu mê mẩn. Tôi tìm mãi xem cô có gì khiến mình như vậy. Thì có lẽ đó là đôi mắt của cô: Vừa ướt át, lung linh, lãng mạn lại vừa hóm hỉnh, lúc nào cũng như là muốn trêu tôi. Và cái miệng nữa: Con gái mà miệng rộng, vừa tiêu hoang lại vừa tếu táo. Cô có nụ cười rất duyên, rất khó quên. Nhưng quan trọng hơn là cái chuyện mà người ta vẫn thường né tránh mỗi khi nói đến. Thực chất là vấn đề khoa học, là tri thức, là văn hóa yêu đương chứ không hề phàm tục. Nhưng ai cũng ngần ngại, nhất là nữ. Mỗi khi cùng Ngọc vào cuộc mây mưa thì quả là tôi thấy không còn biết gì nữa, cảm giác rất rõ là được lên… thiên đường. Trong đời, tôi đã qua nhiều “kỷ niệm” nhưng chưa ai khiến tôi đạt “hiệu qủa” như cô.

Tình yêu của chúng tôi diễn ra được gần 2 năm trong sự đam mê, cuồng nhiệt của cả hai thì về sau, tôi dần nhận ra một điều: Ngọc có tham vọng muốn làm giàu chứ không chỉ vừa ý với cuộc sống của một công chức Nhà nước bằng đồng lương “3 cọc, 3 đồng”. Kể ra thì chẳng có gì đáng phê phán, thậm chí còn khuyến khích vì chẳng ai muốn khó khăn, eo hẹp và làm giàu là việc cần thiết để cuộc sống được cải thiện. Nhưng không phải ai cũng làm được và không thể làm giàu bằng mọi giá, trong đó có việc hạ mình, bán rẻ nhân phẩm.

Tôi nói với Ngọc là cái “tạng” của cô không thể kinh doanh, có lao vào rồi cũng đổ bể, thua lỗ do cô có phần “thật thà”, ngờ nghệch, như con nai ngơ ngác giữa một xã hội toàn người khôn ngoan. Làm sao có thể bon chen được ở chốn thương trường luôn chụp giật, tranh chấp? Có lần Ngọc hỏi tôi một điều tôi cứ tưởng không bao giờ cô hỏi, vì đó là điều tế nhị. Người tinh tế thường né tránh hỏi bạn tình của mình: “Lương anh 1 tháng được bao nhiêu?”. Tôi trả lời thật thà: “Theo ngạch bậc trong khung lương của Nhà nước, chừng 5 triệu”. Cô hỏi tiếp “Đấy là lương cứng thôi chứ. Còn thu nhập thêm? Em muốn hỏi tổng thu nhập hàng tháng của anh?” Tôi cười: “Thêm chút nữa, tháng nhiều, tháng ít không đáng kể”. “Vậy thì sống làm sao?”. “Thì anh vẫn sống đấy thôi, có chết đâu. Và còn sống một cách mãnh liệt mà em vẫn nói là anh rất phong độ còn gì”.

Sau đó mấy ngày, Ngọc lại hỏi tôi hiện có tất cả bao nhiêu trong tài khoản. Tôi nói là chừng ngót 1 tỷ. Cô bảo đưa cả cho cô để kinh doanh bất động sản vì hiện có người mách cô 1 vài miếng đất rất rẻ, mua rồi bán ngay cũng vớ được mấy chục triệu một miếng. Tôi lại phân tích để cô thấy không nên lao vào kinh doanh khi mình không có sở trường. Sau này đến khi chính thức lấy nhau, sẽ tính chuyện làm thêm theo kiểu khác, phù hợp với sở trường của mình, ví như tôi sẽ làm thêm bằng chính nghề nghiệp đang có.

Sau đó, tôi linh cảm thấy tình yêu của Ngọc nhạt dần, không còn mặn mà, đam mê như trước. Nhiều lần tôi hẹn, cô đã viện những lý do để khéo lảng tránh, trong khi trước đó, bao giờ cô cũng háo hức chờ đợi. Chúng tôi ở cách xa nhau trên 100 cây số nhưng không tuần nào là không đến với nhau và sống qua đêm ít nhất 1 lần. Thế rồi, sau đó cô nhắn tin qua điện thoại cho tôi đại ý: Không hợp nhau, nên dừng lại, chỉ là tình anh em, không thể tiến đến hôn nhân. Tất nhiên là tôi rất đau khổ vì đang rất yêu cô, ngay cả khi cô bộc lộ rõ nhu cầu về tiền bạc và đã xử sự tôi cho là không tế nhị. Tôi vật vã, người gầy xọp, cố gắng thuyết phục cô đừng dừng lại tình yêu mà hai người đã dày công vun đắp và có quá nhiều kỷ niệm. Nhưng cô kiên quyết nói không, và từ chối gặp gỡ.

Vậy là chúng tôi đã chấm dứt tình yêu mà người chủ động là Ngọc. Đến nay đã gần 2 năm trôi đi, kể từ lần gặp cuối cùng. Tôi vẫn nguyên vẹn tình yêu với cô, vẫn nghĩ đến cô gần như 24/24, trái tim không còn khả năng rung động trước bất cứ ai, dẫu có đẹp, hấp dẫn hơn cô.

Vừa rồi, tôi biết tin cô ốm, cấp cứu bệnh viện. Nay đã ra viện nhưng người còn yếu, vẫn phải nghỉ ở nhà, chưa thể đi làm. Cô có hoàn cảnh không dư dả gì, chắc chắn khó khăn về tài chính. Tôi có ý muốn gửi về tặng cô 1 khoản tiền. Liệu cô có nhận? Nếu nhận, liệu có sẵn lòng nối lại tình yêu - điều mà tôi luôn mong ước? (nhiều đêm tôi đã mơ thấy). Tôi sẽ không tiếc cô bất cứ điều gì vì vẫn còn rất yêu cô. Tôi cảm thấy không ai có thể thay thế được cô trong trái tim.

(Hoàng Quân - Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Trao đổi của chuyên gia tâm lý Nguyễn Đình San:

Rất có thể cô ta vẫn nhận nếu anh có cách tặng khéo léo. Nhưng không có nghĩa cô ta sẽ trở lại yêu anh như trước. Rõ ràng là cô ta rất nặng nề về tiền, đã coi tiền cần hơn cả tình yêu. Anh là người đàn ông sâu sắc, chung thủy, có quan niệm về cuộc sống và tình yêu không giống cô ấy. Hai người là 2 “kênh” khác nhau nên nếu anh dù cố gắng đến đâu cũng sẽ khó có hạnh phúc. Cô ta không xứng đáng với tình yêu của anh.

Còn có tặng cô tiền hay không thì chính anh cần cân nhắc kỹ. Nếu thực sự thấy thương cô thì anh hãy cứ làm như một nghĩa cử, chứ không mong được như ý đâu. 

Đấy là tư vấn của chuyên gia tâm lý, bạn có thể chia sẻ với anh Quân qua địa chỉ nonghiep.vn

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm