| Hotline: 0983.970.780

Tình yêu sai trái?

Thứ Hai 06/02/2012 , 10:45 (GMT+7)

Tôi và Phi gắn bó như anh em ruột. Nhưng có một điều cả 2 đều cảm nhận rõ: Có bạn gái nào “để ý” đến Phi là tôi thấy buồn, và cũng như vậy, bất cứ anh chàng nào quý tôi đặc biệt thì Phi cũng “khang khác”.

Ảnh minh họa
Năm tôi lên 4 tuổi, bố mẹ tôi ly hôn. Vì còn quá nhỏ nên tôi không sao hiểu được nguyên nhân vì đâu và lỗi tại ai. Chỉ biết sau đó cha tôi không còn ở trong nhà...

Hai mẹ con tôi sống với nhau mấy năm thì có một người đàn ông xuất hiện. Ông hơn mẹ tôi chừng 6-7 tuổi. Lần đầu tiên gặp và tiếp xúc, tôi không mấy thiện cảm. Ông có mái tóc thưa, trên đỉnh chỉ còn mấy sợi vì sắp hói, mặc dù lúc ấy tuổi mới ngoài 40. Thân hình thì không được khoẻ mạnh mà gầy yếu, nước da xanh. Tính tình ông có phần trầm lặng, ít cởi mở.

Suốt buổi gặp, tôi không hề thấy ông cười. Tóm lại, trong mắt tôi, ông chẳng có một điểm gì khả dĩ có thể gây cảm tình với người khác, nhất là giới nữ. Vậy nhưng tôi thấy mẹ tiếp ông ân cần, niềm nở. Rồi thỉnh thoảng ông lại đến chơi, lúc đầu còn thưa, sau cứ mau dần, có tuần ông xuất hiện tới vài ba lần, luôn mang quà đến cho 2 mẹ con tôi. Đến lúc đó thì tôi hiểu vì sao ông chẳng có gì hấp dẫn mà mẹ lại vẫn đón nhận. Và tôi cũng biết rõ là bà đã có cảm tình với ông. Dần dần, chính tôi cũng thay đổi cảm nhận về ông. Từ chỗ không có cảm tình, tôi đã quý trọng người đàn ông đó.

Thế là mẹ tôi đã chính thức nhận lời chung sống với ông sau chừng 2 năm đi lại và biết rõ gia cảnh của ông. Lúc đó tôi lên 10 tuổi. Trước khi đi tới quyết định, mẹ hỏi tôi: “Con có quý bác ấy không?”. Tôi trả lời đúng ý nghĩ: “Lúc đầu con không có cảm tình nhưng bây giờ thì quý rồi mẹ ạ”. Mẹ lại hỏi:“Vì sao? Con thấy bác ấy thế nào?”.“Vì trông bác thế nào ấy. Lúc đầu cứ lầm lì. Càng về sau, con thấy bác ấy tốt với mẹ con mình”. “Bố đã bỏ đi biệt tăm và có vợ khác rồi, chẳng đoái hoài gì đến con. Mẹ muốn chúng ta có một chỗ dựa tinh thần, vì con vẫn còn nhỏ. Bác ấy tốt, mẹ đã tìm hiểu kỹ, nên muốn trở thành cha dượng của con, con nghĩ thế nào?”. Lúc ấy, tôi chẳng nghĩ gì cả, chỉ biết trả lời: “Vâng”.

Mẹ kể với tôi là ông chỉ có một đứa con trai, hơn tôi 5 tuổi, vợ mất cách đây đã 10 năm do một căn bệnh hiẻm nghèo. 10 năm qua, ông ở vậy nuôi con. Cũng có nhiều cô gái sẵn sàng làm vợ nhưng ông không muốn lấy chỉ vì thương đứa con còn quá nhỏ, sợ cảnh dì ghẻ con chồng. Nay nó đã 15 tuổi, lại hợp với mẹ tôi nên mới nghĩ đến chuyện đi bước nữa. Mẹ còn kể rất nhièu điều tốt đẹp về ông.

Sau đó, mẹ tôi và ông ấy đi đăng ký rồi đặt mươi mâm cỗ ở một nhà hàng mời một số bà con cùng bạn bè thân thích đến dự bữa liên hoan.

Từ ấy, gia đình chúng tôi có 4 người: 2 mẹ con tôi và 2 cha con ông. Tôi thấy mẹ và ông sống với nhau hoà thuận. Do bản tính ông trầm lặng nên không khí gia đình không có nhiều tiếng cười nhưng nhìn chung là dễ chịu. Và điều tôi thấy rõ nhất là ông đối xử với mẹ con tôi chu đáo.

Tôi lại cũng quan sát thấy: Ông thì có phần chăm sóc đến tôi hơn đứa con trai (tên Phi); còn mẹ thì cũng luôn ưu đãi Phi một cách đặc biệt. Mẹ nói với tôi: “Nếu mẹ có quan tâm đặc biệt với Phi hơn cả con thì con hãy hiểu rằng anh ấy thiếu mẹ đã 10 năm, nay cần được bù đắp. Con hãy hiểu cho mẹ.” Nghe mẹ, tôi thầm cảm phục mẹ và rơm rớm nước mắt. Tôi đã nói với mẹ rất chân thành: “Mẹ cứ lo cho anh ấy như lo cho con, còn con thì đã biết tự lo rồi”. Mẹ tôi tỏ rõ niềm vui sướng.

Cuộc sống cứ trôi đi trong sự yên ả bằng niềm tin, tình thương, lòng chân thành của tất cả mọi người, đặc biệt là sự tế nhị của mẹ tôi và ông. Tôi đã gọi Phi là anh và thật sự thương quý như anh ruột, nhưng không sao gọi ông là “bố” vì cứ thấy ngường ngượng. Tôi chỉ gọi “bác”, xưng “cháu”. Cũng may là về sau tôi đã xưng “con”, nhưng vẫn chỉ là “bác, con”, chứ không sao cất được tiếng “bố”. Biết ông buồn, nhưng tôi đành chịu.

Từ sự êm đềm của mọt gia đình “lắp ghép”, tôi dần dần cảm thấy vô cùng thú vị và hạnh phúc. Phi rất chiều chuộng, yêu quý tôi. Có gì anh cũng dành và nhường cho tôi. Thậm chí anh đang say sưa xem bóng đá nhưng biết tôi sang hàng xóm xem nhờ tivi đang chiếu phim hay, anh đã gọi tôi về, chuyển kênh. Hàng ngày tôi vẫn đi học bằng xe đạp. Những hôm trời mưa, hoặc rét, anh đã lấy xe máy của bố đưa, đón tôi. Biết tôi thích ăn món gì, anh luôn nhường...

Tôi và Phi gắn bó như anh em ruột. Nhưng có một điều cả 2 đều cảm nhận rõ: Có bạn gái nào “để ý” đến Phi là tôi thấy buồn, và cũng như vậy, bất cứ anh chàng nào quý tôi đặc biệt thì Phi cũng “khang khác”. Vậy là chúng tôi đã yêu nhau. Chỉ có điều chẳng ai nói ra tình cảm của mình.

Thời gian lại trôi. Chẳng mấy chốc Phi đã tốt nghiệp đại học và tôi là sinh viên năm thứ nhất. Tình cảm của chúng tôi vẫn phát triển, càng ngày chúng tôi càng cảm thấy không thể thiếu nhau. Tuy nhiên, cả tôi và Phi đều cố “giữ gìn” không để vựơt qua giới hạn. Nhưng mẹ tôi đã rất nhạy cảm. Bà đã ngăn chặn.

Tôi nói rõ với bà tình cảm của mình và khẳng định: Chúng tôi không có liên quan gì về huyết thống, được luật pháp cho phép. Tôi bị “sốc” trước thái độ kiên quýêt của mẹ, mặc dù bà rất yêu quý và thương Phi. Vậy sẽ phải làm sao để cuối cùng tôi và Phi có thể đến được với nhau?

Lan Chi- Quận Phú Nhuận- Tp Hồ Chí Minh

 

 

Trao đổi của chuyên gia tâm lý Nguyễn Đình San:

 

Bạn không nói gì về phản ứng của bố Phi. Ông ấy vun vào hay cùng quan điểm với vợ? Nếu ông đồng tình thì có nhiều thuận lợi. Còn nếu ông cũng như vợ thì các bạn hãy kiên trì thuyết phục, nhờ thêm các “thế lực” khác tác động. Điều quan trọng là các bạn rất yêu nhau, mỗi người đều được cả hai cha mẹ thương yêu và được luật pháp bảo vệ. 

Đấy là tư vấn của chuyên gia tâm lý, bạn đọc có thể chia sẻ với Lan Chi qua địa chỉ nongnghiep.vn

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?