| Hotline: 0983.970.780

Tình yêu và oan nghiệt

Thứ Bảy 17/11/2018 , 10:05 (GMT+7)

Một buổi thu nắng đẹp, quan nhập nội hành khiển Nguyễn Trãi (tên chữ là Ức Trai, khai quốc công thần triều Lê, tác giả của “Bình Ngô sách”, “Quân trung từ mệnh” “Bình Ngô đại cáo”....) lững thững dạo chơi ven hồ Tây.

Chợt một cô giá gánh một gánh chiếu gon đi lướt đến gần ngài. Nhìn dáng người thon thả, nước da trắng như trứng gà bóc và khuôn mặt trái xoan, đôi mắt đen như hạt nhãn rất linh động, trẻ trung, quan hành khiển chợt nổi thi hứng, ứng khẩu một bài thơ “Ả ở đâu ta, bán chiếu gon?/ Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?/ Xuân xanh chừng độ bảo nhiêu nả?/ Đã có chồng chưa, được mấy con?”.

Không ngờ khi nghe bài thơ ấy, cô gái bán chiếu không cần suy nghĩ, cũng ứng khẩu một bài thơ trả lời ngay: “Em ở Tây Hồ bán chiếu gon/Sao quan lại hỏi hết hay còn/ Xuân xanh vừa độ trăng tròn lẻ/ Chồng còn chưa có, nói chi con”.

Nếu mỗi câu thơ của quan hành khiển Nguyễn Trãi là một câu hỏi, thì mỗi câu thơ của cô gái bán chiếu lại là một câu đáp. Qua bài thơ, cô gái cho quan hành khiển biết nơi ở và tuổi tác của nàng. Trăng tròn lẻ. Trăng tròn là 15. Lẻ tức là 1. Tức là cô 16 tuổi. Cảm vì tài năng mẫn tiệp và nhan sắc của nàng, quan hành khiển sai người đi dò hỏi, và biết nàng tên là Nguyễn Thị Lộ. Quê nàng ở làng Hải Triều (tên nôm là làng Hới), tổng Thanh Triều, huyện Ngự Thiên, phủ Long Hưng, trấn Sơn Nam hạ. Ông cho người đến hỏi nàng làm vợ thứ, và ông vô cùng sung sướng khi được nàng gật đầu. Lúc đó, quan hành khiển Nguyễn Trãi tuổi đã tứ tuần.

Đôi vợ chồng sống với nhau những năm tháng vô cùng hạnh phúc. Một thời gian sau, vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi), vị vua sáng nghiệp triều Lê, người cùng với Nguyễn Trãi và nhiều tướng lĩnh khác xông pha tên đạn suốt 10 năm kháng chiến đánh đuổi giặc Minh, băng hà. Vua Lê Thánh Tông (Lê Nguyên Long) mới 11 tuổi lên kế nghiệp, Nguyễn Trãi đã sát cánh bên vua, cùng nhiều đại thần khai quốc khác phò chính, cho đến khi vua Thánh Tông trưởng thành.

Lớn lên, Lê Thánh Tông là người hiếu sắc, có tới 6 người vợ. Ngoài ra, nghe tin Nguyễn Thị Lộ vừa xinh đẹp vừa giỏi văn chương, nhà vua đã triệu bà vào cung, phong làm Lễ Nghi học sĩ. Không thể chống lại lệnh vua, Nguyễn Thị Lộ đành xa chồng, vào ở hẳn trong cung, và cũng được vua hết sức say mê. Do nhiều vợ nên chốn hậu cung trở nên một chiến trường khốc liệt vì các vợ vua tranh giành địa vị, giành giật ngôi thái tử cho con mình.

Do khéo nịnh hót, dèm pha, Nguyễn Thị Anh đã khiến vua phế truất ngôi hoàng hậu của Dương Thị Bí, phế truất địa vị thái tử của con trai Dương Thị Bí là Lê Nghị Dân để lập Nguyễn Thị Anh làm hoàng hậu, lập con trai Nguyễn Thị Anh là Bang Cơ mới 2 tuổi làm thái tử. Cùng lúc đó tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao có thai. Sợ nếu nàng lại sinh con trai thì biết đâu sẽ ảnh hưởng đến địa vị của con trai mình, Nguyễn Thị Anh đã xúc xiểm vua giết Ngô Thị Ngọc Dao. Biết tin ấy, Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ đã tìm cách cứu bà, đưa bà về ẩn náu ở chùa Huy Văn trong thành Thăng Long rồi về phủ Long Hưng. Tại đây bà đã sinh hoàng tử Lê Tư Thành (sau này là vua Lê Thánh Tông, một vị minh quân bậc nhất trong lịch sử Việt Nam). Việc đó đã khiến hoàng hậu Nguyễn Thị Anh thù ghét vợ chồng Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ đến tận xương tủy.

Ngày 27 tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442) vua Lê Thái Tông đi tuần miền đông, duyệt binh ở Chí Linh, có Nguyễn Thị Lộ đi theo, lúc đó bà đã 40 tuổi. Nguyễn Trãi, lúc này đã 63 tuổi, được triều đình giao phụ trách các đạo đông bắc, đã đón vua về ngự ở chùa Côn Sơn, là nơi ở của ông. Ngày 4 tháng 8, vua về đến vườn vải (tức lệ chi viên, nay là thôn Đại Lai, xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Tại đó, tuy say rượu nhưng nhà vua vẫn thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi mất đột ngột. Tùy tùng bí mật đưa nhà vua về kinh rồi mới phát tang. Hoàng thái tử Lê Bang Cơ mới 2 tuổi được lập lên làm vua. Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh trở thành hoàng thái hậu, rủ rèm chấp chính.

Nhớ đến mối thù xưa, hoàng thái hậu Nguyễn Thị Anh đã quyết ra tay trả thù vợ chồng Nguyễn Trãi. Nguyễn Thị Lộ bị bắt, bị quy cho tội giết vua, còn Nguyễn Trãi cũng bị bắt và bị quy tội sai vợ giết vua. Triều đình tuyên án: Tử hình Nguyễn Thị Lộ bằng hình thức dìm sông, tru di 3 họ Nguyễn Trãi. Bản án được thi hành ngay lập tức.

Ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất (1442), Nguyễn Thị Lộ bị giết, và Nguyễn Trãi cùng với 3 họ (họ cha, họ mẹ, họ vợ) của mình, tổng cộng gần 400 người, cũng rơi đầu ở pháp trường. Truyền rằng trên đường ra nơi bị hành quyết, người con dâu của Nguyễn Trãi đã hạ sinh một bé trai. Phải nói mãi, quân lính mới cho lấy vải bọc cháu bé. Nhưng cũng chỉ lát sau, cháu bé cũng bị giết cùng với bố mẹ mình.

Sau 22 năm, năm 1464, Nguyễn Trãi mới được vua Lê Thánh Tông xuống chiếu minh oan. Cùng với chiếu minh oan, nhà vua còn ban cho ông một bài thơ, trong đó có câu “Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo (tâm hồn của Nguyễn Trãi sáng như sao Khuê buổi sớm)”. Đồng thời, vua Lê Thánh Tông còn cho tìm con cháu của Nguyễn Trãi. Rất may, một người vợ khác của ông là Phạm Thị Mận đang mang thai, lúc đang ở chợ thì nghe tin quan quân đến bắt cả nhà mình, bà vội bỏ trốn, lưu lạc sang tận Lào và sinh một người con trai, lấy họ của mình đặt cho con là Phạm Anh Vũ. Biết tin ấy, nhà vua đã cho đón Phạm Anh Vũ về, cho đổi lại họ Nguyễn và ban cho một chức quan.

Vụ án Lệ chi viên là một vụ án tàn bạo nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Tuy Nguyễn Trãi đã được minh oan, nhưng đến nay, lịch sử vẫn còn day dứt vì nỗi oan của Nguyễn Thị Lộ vẫn chưa được làm sáng tỏ.

(Kiến thức gia đình số 46)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất