| Hotline: 0983.970.780

Chủ Nhật 18/06/2017 , 06:30 (GMT+7)

06:30 - 18/06/2017

Tố cáo nặc danh - chấp nhận hay không chấp nhận?

Trong cuộc thảo luận diễn ra tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV về Luật Tố cáo (sửa đổi) ngày 16/6/2017, có một vấn đề được đặt ra...

Có nên chấp nhận, thụ lý và giải quyết những đơn tố cáo nặc danh (đơn tố cáo không ký tên, cùng với những thông tin khác về người tố cáo như địa chỉ, số ĐT...) hay không?

Đã có hai luồng ý kiến ngược nhau được đưa ra, và được tranh luận hết sức sôi nổi. Cuộc tranh luận tại nghị trường này đã làm “nóng” cả dư luận xã hội. Một cho rằng cần chấp nhận, và một cho rằng không thể chấp nhận.

Xét đến cùng, thì người tố cáo là những người có trách nhiệm với đất nước, với xã hội. Tuy nhiên, tố cáo là một việc làm cực kỳ nhạy cảm và nguy hiểm. Vì nó đụng chạm đến lợi ích, quyền lực cũng như thế lực của đối tượng bị tố cáo. Mà những đối tượng đó, đại đa số nhờ quyền cao chức trọng, nhờ thế lực bảo kê, có điều kiện tham nhũng, nên rất giầu có. Đang ung dung trên ghế cao quyền lực, thao túng và bẻ cong pháp luật, khiến tiền vào như nước, thế mà chỉ vì một lá đơn tố cáo, tất cả có thể sụp đổ. Quyền mất, tiền hết, thân vướng tù tội, tài sản bị tịch thu...

Thế nên, một khi biết được danh tính người tố cáo, đối tượng bị tố cáo lập tức trả thù. Sự trả thù bao giờ cũng hết sức tàn bạo, tinh vi và luôn mang tính sống mái, một mất một còn. Trên thực tế, rất nhiều người tố cáo, và cả vợ con họ nữa, đã bị kẻ bị tố cáo, nhẹ thì đe dọa, khủng bố tinh thần, nặng thì  thuê côn đồ đến hành hung bằng hung khí, bằng a xít...Có người thậm chí đã phải bỏ mạng. Gần đây nhất là vụ chủ tịch tỉnh Bắc Ninh bị đe dọa, phải 'cầu cứu' Thủ tướng. Đến như chủ tịch tỉnh mà còn bị đe dọa, thì những công dân bình thường khác, còn bị thế nào?

Pháp luật của ta tuy đã có quy định về việc bảo vệ người tố cáo. Nhưng trên thực tế, thì quy định đó chưa đi vào cuộc sống. Người tố cáo vẫn mất an toàn.

Chính vì thế mà không ít người biết được những hành vi tham ô, tham những, lợi dung chức quyền để làm trái..., của không ít người có chức quyền, nhưng ngại bị trả thù, nên đành chọn con đường tố cáo nặc danh. Vì vậy, tố cáo nặc danh là một hình thức tố cáo, cần được thụ lý, xem xét như những tố cáo lộ danh, nếu có đủ chứng cớ vi phạm.

Ngược lại, phía phản đối cho rằng, nếu chấp nhận tố cáo nặc danh, thì sẽ dẫn đến tình trạng bùng nổ, lạm phát tình trạng gửi đơn nặc danh vu cáo các cá nhân, tổ chức, nhất là vào những dịp chuẩn bị đại hội, bầu bán...Cơ quan chức năng sẽ không thể nào xác minh, giải quyết hết.

Đơn tố cáo nặc danh tuy không có giá trị pháp lý. Nhưng đối với những đơn tố cáo nặc danh có kèm theo những bằng chứng, chứng cứ cụ thể, có giá trị và có độ tin cậy nhất định, thì cần được xem xét và thụ lý, giải quyết. Bởi nếu bỏ qua những đơn thư này, tức là đã bỏ qua một 'kênh thông tin' trong công cuộc chống vụ tham nhũng, làm trong sach bộ máy công quyền, làm thui chột tinh thần chống tham nhũng của một bộ phận nhân dân.