| Hotline: 0983.970.780

Tờ giấy bạc 500 ngàn

Thứ Bảy 20/04/2019 , 11:05 (GMT+7)

Từ tết đến giờ, hẹn đi hẹn lại, tôi mới có dịp đến chơi nhà ông Khoa. Đến nơi, thấy ông đang quét dọn bàn thờ. Để ý thấy cái đĩa trên bàn thờ nhà ông có tờ giấy bạc mệnh giá 500 ngàn, tôi đâm ngạc nhiên.

Bàn thờ nhà người ta, ngoài tiền mã, vàng mã, nếu có để tiền thật thì cũng chỉ vài tờ một ngàn, hai ngàn hoặc cùng lắm là năm ngàn. Đằng này, ông thượng hẳn lên một tờ tiền to tướng. Chẳng lẽ ông không sợ một thằng thanh niên nào đó có tính tắt mắt trong xóm đến chơi, nó nhét phăng vào túi à. Tôi đùa:

- Ở dưới kia, các cụ nhà bác rủng rỉnh hơn các cụ nhà khác là cái chắc.

- Sao bác lại nói thế?

- Thì đấy, người ta có khấn các cụ, thì cũng chỉ dăm ba ngàn, đằng này, bác khấn những năm trăm ngàn.

- Ồ, tôi để tờ tiền này lên đấy, là để mỗi lần nhìn nó, lại cám cảnh cho cái thế thái nhân tình đấy thôi, ông Quản ạ. Càng nhìn nó, tôi càng thấm cái câu “cha mẹ nuôi con bằng giời bằng bể/ con nuôi cha mẹ con kể tháng kể ngày”.

Kéo tôi lại bàn nước, pha một ấm chè, ông hỏi tôi:

- Này, ông Quản Túc. Tôi hỏi ông nhá. Ông nuôi con có vất vả không?

- Ai nuôi con mà không vất vả, hả bác.

- Đúng là ai nuôi con cũng vất vả. Nhưng tôi dám chắc trên đời này, vợ chồng tôi là người phải chịu vất vả nhất khi nuôi con.

Rót một chén nước chè đặt trước mặt tôi, làm một điếu thuốc lào tụt nõ, rồi không đợi tôi cất lời, ông kể luôn:

Ở cái làng Đông này, đến quá nửa là hộ nghèo. Nhưng có lẽ bố mẹ tôi là người nghèo nhất. Hai cụ không có nổi một tấc đất cắm dùi, vợ đi ở cho nhà này, chồng đi ở cho nhà khác, ban ngày tối tăm mặt mũi lo việc nhà người, tối về chúi vào cái lều nát dựng nhờ trên xó vườn nhà ông anh họ. Ấy thế mà có đến chín người con.

Ngẫm ra, các cụ bảo càng nghèo đói, càng nhiều con, thế mà đúng. Đến đời tôi thì không phải ở nhờ nữa, nhưng cái nghèo thì được thừa kế nguyên vẹn từ các cụ. Lấy vợ ra riêng, đẻ liền tù tì sáu đứa con. Nghe cán bộ rót mật vào tai rằng “cầm vàng còn sợ vàng rơi/vào hợp tác xã đời đời ấm no”, thế là hăng hái vào. Ai ngờ đói lăn đói lóc. Ngày đi làm hợp tác, buổi trưa lùa vội miếng cơm độn khoai xong, vợ tôi tất tưởi xách giỏ đi móc cua ngoài đồng, còn tôi cũng vác vội cái cuốc lên.

Thôi thì từ bờ đê đến góc bãi, chỗ nào còn sót tí đất bằng một phần ba cái chiếu cũng vỡ vạc, nhét xuống đó củ khoai củ ráy. Tối cũng thế, chồng kéo vó, vợ mò sông, cứ cởi truồng lần mò dọc theo bờ sông mà mò, tang tảng sáng mới về. Mùa hè còn đỡ. Mùa đông mới khổ, nhiều đêm vợ tôi phải bò từ sông về nhà vì rét quá, tay chân phát cước lên đi không nổi. Thế nhưng được con tôm con cá nào, có dám ăn đâu. Phải bán tất để lấy tiền cho thằng cả ăn học. Bởi tôi nghĩ đời mình đã khổ rồi, bằng mọi giá phải cố cho con có cái chữ để nó mở mày mở mặt ra với đời. Vợ chồng tôi tính toán, trước hết hãy cho thằng cả ăn học cái đã. Một khí đã ăn học thành tài rồi, thì nó sẽ như cái đầu tàu ấy, sẽ dắt díu các em...

Nhồi một điếu thuốc lào nữa, châm đóm, nhưng ông không hút ngay, mà đôi mắt như nhìn vào đâu đó thật xa xăm. Tận lúc đóm cháy đến sát tay, nóng rát, ông mới giật mình dụi cái đóm đi, thở dài:

- Thằng cả nhà tôi học xong đại học ngoại ngữ tiếng Anh, xin được vào dạy ở trường cấp 3 thành phố, lấy vợ cũng làm giáo viên dạy tiếng Nhật. Những tưởng vợ chồng nó dắt díu đàn em. Ai ngờ nó chẳng ngó ngàng. Năm đứa em nó, hai trai ba gái, thất học tất. Vừa lúc nhà nước ta “mở cửa”, mọi người đua nhau làm kinh tế, nhu cầu học ngoại ngữ tăng lên gấp mười gấp trăm trước. Vợ chồng nó dạy ở trường thì ít, dạy ngoài thì nhiều, tiền nó vơ đẫy túi, nhưng đố có san sẻ cho các em lấy một hào. Ngay cả vợ chồng tôi, nó cũng coi như người dưng.

Vợ tôi ốm đi bệnh viện, mọi chi phí nó chia đầu bổ sỏ bắt các em cùng gánh vác. Nó cũng chỉ đóng góp đúng một phần sáu, không hơn một xu. Có tiền, nó lên Hà Nội mua đất, làm nhà, rồi cho con trai sang Mỹ học, cho con gái sang Nhật học. Học xong, cả hai đứa ở lại Mỹ, Nhật chứ không về. Trước Tết vừa rồi nó về, nó khoe với tôi:

- Nhà con bây giờ cả lương, cả dạy ngoài, hai vợ chồng mỗi tháng mỗi người hai mươi triệu. Thêm hai cái nhà ở Hà Nội cho thuê được mỗi tháng ba chục triệu nữa, vị chi là bảy chục triệu mỗi tháng. Thằng cháu Tâm làm việc bên Mỹ, mỗi tháng lương 6 ngàn đô. Con Hà lương bên Nhật tính ra tiền Việt được trăm năm chục triệu mỗi tháng.

Nói rồi, nó bảo tôi:

- Con biếu thầy bu ít tiền ăn Tết.

Nói xong, nó mở ví, rút đưa tôi cái tờ 5 trăm ngàn này. Vừa lúc đó vợ tôi đi mua được 2 cái giò lụa về. Nó cầm xem, khen:

- Ngon quá, bu cho con một cái.

Nói xong, nó xách cái giò ra xe ô tô, mở cốp xe cho vào rồi lái đi thẳng.

(Kiến thức gia đình số 16)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm