| Hotline: 0983.970.780

Nhân chứng mới vụ 'Liệu có thêm hai ông Chấn?':

'Tôi bị sẩy thai trong buồng giam và mất lòng tin vào công lý, 23 năm qua sống trong vô vọng'

Thứ Tư 26/08/2015 , 07:54 (GMT+7)

Tại sao TAND tỉnh Nam Hà lại bắt chị Dinh phải thi hành án ngay sau khi tuyên, khi bản án chưa có hiệu lực pháp luật? Để đến nỗi chị bị sẩy thai, một hài nhi vô tội phải chết oan uổng trong chốn lao tù./ Bức thư của một nhân chứng

Sau khi báo NNVN đăng bức thư của nhân chứng Trần Thanh Thu (nguyên quán xóm 6, làng Nhân Phúc, xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, Hà Nam, hiện thường trú tại TP Hồ Chí Minh) về những gì anh nhìn thấy trong vụ án xảy ra ở bãi Bạc Hà, xã Phú Phúc, ngày 29/11/1992, chúng tôi tiếp tục nhận được thư của một nhân chứng khác.

Đó là chị Trần Thị Dinh, sinh năm 1957, nguyên quán làng Nhân Phúc, xã Phú Phúc, hiện thường trú tại ấp 6, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, CMND số 285435606, do Công an tỉnh Bình Phước cấp ngày 7/8/2009. ĐT 0982884030. Thư của chị Dinh có nội dung như sau:


Bức thư của chị Trần Thị Dinh
 

Lời đầu tiên tôi xin chân thành gửi lời cảm ơn sâu sắc từ tận đáy lòng mình tới Tòa soạn báo Nông nghiệp Việt Nam và nhà báo Vũ Hữu Sự - người mang niềm tin, hy vọng đến cho những người bị oan ức như tôi được trút một gánh nặng tâm lý suốt 23 năm qua, tưởng rằng đến khi xuống mồ mới quên được. Kính mong và chúc Tòa soạn - nhà báo Vũ Hữu Sự luôn luôn tươi trẻ, khỏe mãi để mang niềm tin, sự an ủi cho những người dân vô tội bị oan ức.

Tôi là nhân chứng của vụ án kinh hoàng ngày 29/11/1992, sau đó lại trở thành bị can về hành vi “khai báo gian dối”, thành bị cáo bị VKSND tỉnh Nam Hà truy tố về hành vi trên và trở thành tội phạm về tội danh trên, do TAND tỉnh Nam Hà phán quyết.

Thưa Tòa soạn:

Hôm đó, chiều ngày 29/11/1992, tất cả dân xóm 4 (Lý Nội) đều đi trồng ngô ngoài bãi. Khi nghe tiếng nổ, chúng tôi mới hốt hoảng thu quang gánh chạy đến thì thấy anh Bình bị gẫy chân không đi được. Chúng tôi lấy cán vồ, đòn gánh, dỡ quai nón buộc chân anh kẹp lại rồi 4 người là chị Vẻ, Phi, Kiều và tôi khiêng anh Bình đi cấp cứu, chỉ thế thôi.

Đến khi phòng Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Nam Hà thụ lý điều tra vụ án, có mời tôi đến làm chứng, tôi đã nói rõ sự thật là tôi chỉ cứu người. Ngoài ra, các anh công an có hỏi việc khác thì tôi không biết.

Vì lúc đó tôi đang nuôi 2 con nhỏ và mẹ chồng 80 tuổi, chồng tôi bị bệnh tật nên không còn thời gian để ý đến việc khác. Nhưng các anh ấy lại cứ bắt tôi viết vào tờ khai là lúc đó có nhìn thấy anh Vót và Thanh ở hiện trường.

Tôi nói là không nhìn thấy vì lúc tôi chạy đến thì mọi người chạy tán loạn, chỉ còn lại mấy người bị thương đang dìu nhau.

Nhưng anh Đường, trưởng phòng điều tra và anh Sỹ vào phòng đe dọa tôi, bảo: Nếu chị không chịu khai nhận như thế thì sẽ bị khởi tố, họ nói chị không có họ hàng thân thích với họ, anh em chị ở cả trong Nam, nếu chị cố tình không viết như thế thì chúng tôi sẽ có cách. Tôi nói tôi không nhìn thấy thì nói là không thấy, còn các anh muốn làm gì là quyền các anh. Tôi xin thề trước pháp luật. Thế nhưng họ không chịu.

Cho đến ngày mở phiên tòa, tòa có giấy triệu tập tôi đến. Trong tòa chỉ có những người có giấy triệu tập và bị cáo được dự, còn tất cả những người liên quan chỉ được đứng ngoài hàng rào bảo vệ cách xa tòa 100 mét, không ai được đến gần.

Đến khi tòa tuyên tôi 6 tháng tù về tội “khai báo gian dối” và ra lệnh bắt tôi ngay tại tòa, tôi cảm thấy như bị một cú sét giáng xuống đầu khiến tôi xây xẩm mặt mày. Tôi kêu lên: Tôi bị oan, tôi không có tội, tôi chỉ cứu người. Nhưng hai bên tôi đã có 2 người lôi kéo. Tôi kêu tiếp: Đừng kéo tôi. Tôi đang có thai. Tôi vô tội. Con tôi vô tội. Nhưng họ vẫn không tha.

Mặc tôi kêu khóc vật vã, họ xốc nách đưa tôi lên xe. Trên xe có một lái xe và 3 công an. Khi lên xe, họ quát tháo cấm tôi không được khóc. Rồi tôi nghe họ hỏi nhau: Thái làm ăn ra sao? Anh lái xe và anh Đường nói với nhau là “lừa mãi mới dụ được Thanh ra quán Thái đen ở nơi Thanh đóng quân”. Khi vào trại giam, tôi mới biết Thái đen trước cũng là công an nhưng đã ra khỏi ngành, lên Hòa Bình mở quán thịt chó.

Họ đưa tôi vào trại giam lúc 2 giờ chiều thì đến 5 giờ tôi bị sẩy thai. Tôi còn đang ngồi khóc thì thấy bụng đau, tôi vào nhà vệ sinh, mới vào phòng tắm thì bị sẩy thai và băng huyết, máu ra rất nhiều, tôi bị gục ngay trong nhà tắm không biết gì.

Sau khi tỉnh dậy là sáng hôm sau, tôi thấy mình đã nằm ở bệnh viện huyện Vụ Bản, nơi dành cho phạm nhân. Một chị cũng là phạm nhân đi theo giúp tôi kể lại là tưởng tôi chết ngay đêm qua vì máu ra quá nhiều, khoa sản để tôi ở phòng cấp cứu đến gần sáng mới đưa xuống buồng.

Tôi bị suy sụp hoàn toàn. Một phụ nữ vừa thoát nạn tử thần, phải nằm dưới bệ đất láng xi măng giữa ngày 16 tháng giêng (ÂL) giá rét, không chăn gối, không người thân, lại còn những ánh mắt soi mói. Bao câu hỏi tại sao? Bao nhiêu uất ức càng nhân lên trong tôi.

Khi tôi xin được báo cho gia đình biết thì họ không cho, người tôi run lẩy bẩy đi không vững. Tôi đã định cắn lưỡi tự sát để chứng minh sự oan ức của mình, nhưng rồi nghĩ đến chồng con nên tôi cố gượng dậy. Sau đó tôi nhờ chị phạm nhân sang phòng nhi xin nước và nhờ viết mấy chữ vào vỏ gói mỳ tôm, lén đưa ra nhờ xe ôm mang về cho chồng tôi. Lúc đó gia đình tôi biết tin và đi thăm tôi trên viện.

Chồng tôi đã đưa đơn đến tòa án tối cao cùng mấy người nữa đi kêu oan. Hội phụ nữ xã Phú Phúc cũng đưa đơn lên Hội phụ nữ Việt Nam.

Bà Trương Mỹ Hoa (Chủ tịch hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lúc đó - V.H.S) đã có giấy gửi về cho công an là cho tôi về tại ngoại để gia đình chăm sóc nhưng cũng không được, tôi không biết kêu oan vào đâu? Vì mất lòng tin vào công lý, 23 năm qua tôi sống trong vô vọng.

Vết thương của những người bị hại đã lành, nhưng vết thương trong lòng tôi biết đến bao giờ mới nguôi ngoai. Một người phụ nữ vô tội bị tống giam, một hài nhi vô tội phải nằm lại trong 4 bức tường xây. Sự ám ảnh, những nỗi đau cứ giằng xé tim tôi. Sức khỏe của tôi bây giờ rất tệ, đau ốm liên miên không làm được việc nặng.

Nay thấy tin mừng là vụ án đang được làm sáng tỏ, tôi như người từ cõi chết trở về. Tôi gửi tất cả niềm tin vào Tòa soạn báo Nông nghiệp Việt Nam và nhà báo Vũ Hữu Sự sẽ làm sáng tỏ mọi việc, để cho tôi được minh oan, lấy lại lòng tin cho mọi người.

Qua những gì chị Trần Thị Dinh kể trong nội dung bức thư, chúng tôi nhận thấy quá trình tố tụng của vụ án, có mấy điều khó hiểu. Thứ nhất, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Nam Hà không có mặt ở hiện trường lúc xảy ra vụ án (29/11/1992), còn chị Trần Thị Dinh thì có mặt ở đó và đã tham gia sơ cứu cho anh Bình. Khi được Cơ quan Cảnh sát Điều tra mời chị đến làm chứng. Là một người phụ nữ nông thôn chân chất, thật thà, nên nhìn thấy gì ở hiện trường hôm đó, chị khai đúng như vậy.

Thế thì Cơ quan Cảnh sát Điều tra căn cứ vào đâu để khởi tố bị can đối với chị về hành vi “Khai báo gian dối”? VKSND tỉnh Nam Hà căn cứ vào đâu để truy tố chị về hành vi đó? Và TAND tỉnh Nam Hà căn cứ vào đâu để kết tội chị về tội danh đó, với mức án 6 tháng tù?

Thứ hai, bản án của TAND tỉnh Nam Hà mới là bản án Hình sự Sơ thẩm, án chưa có hiệu lực pháp luật. Những người bị tuyên án còn được quyền chống án. Chỉ khi tòa Phúc thẩm TANDTC phúc thẩm vụ án, tuyên y án sơ thẩm, thì án mới có hiệu lực pháp luật, và những người như chị Dinh mới phải chấp hành án.

Tại sao TAND tỉnh Nam Hà lại bắt chị Dinh phải thi hành án ngay sau khi tuyên, khi bản án chưa có hiệu lực pháp luật? Để đến nỗi chị bị sẩy thai, một hài nhi vô tội phải chết oan uổng trong chốn lao tù

Chúng tôi sẽ còn trở lại vụ án này, khi phát hiện thêm những thông tin mới.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất