| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 29/03/2010 , 09:45 (GMT+7)

09:45 - 29/03/2010

"Tôi chán rồi"!

Cuối tuần qua, Bộ KH-ĐT đã công bố các chỉ số kinh tế vĩ mô của cả nước trong quý I. Theo Bộ này thì chỉ số quan trọng nhất là tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã tăng tới 5,8%.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, nếu nhìn tổng thể bức tranh kinh tế thì vẫn thấy nhiều gam màu xám hơn. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng tăng đến 4,12%, trong khi “hạn ngạch” cả năm chỉ cho phép dưới 7%. Đáng chú ý hơn cả là tình hình XNK đáng lo ngại. Kim ngạch XK giảm 1,6% so với cùng kỳ, trong khi đó NK lại tăng mạnh tới 37,6%. Thực tế này tiếp tục gây áp lực cán cân thanh toán.

Đại diện Bộ Công thương và Ngân hàng Nhà nước cho rằng nguyên nhân của tình trạng “nhập siêu kinh niên” này là nền kinh tế nước ta thiếu các ngành công nghiệp phụ trợ nên bắt buộc phải NK. Các chuyên gia cũng nêu được một thực tế khiến nhập siêu tăng: sính ngoại. Chẳng hạn trong lĩnh vực phân bón trong nước đang tồn kho 300.000 tấn phân bón, trong đó có 160.000 tấn NPK nhưng các DN VN lại nhập NPK khiến DN phân bón phải SX dưới công suất thiết kế.

Tuy nhiên, khi đề cập giải pháp giảm nhập siêu, các bộ liên quan, trong đó có cả Bộ KH-ĐT và Công thương chỉ nêu rằng, họ đang phối hợp với nhau để “xem lại quy trình thông quan, kiểm tra chất lượng, kiểm tra trước khi lên tàu với những hàng hóa cần hạn chế nhập khẩu”. Đặc biệt, các mặt hàng như lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh...phải kiểm tra thật kỹ xuất xứ.

Nhiều ý kiến nhìn nhận, các giải pháp của liên bộ chỉ mang tính tình thế. Để tránh “nhập siêu kinh niên”, cần phải phát triển công nghiệp phụ trợ. Nhưng phát triển cái gì, lấy sản phẩm nào làm mũi nhọn, thì chưa có căn cứ, bởi lẽ, Nghị định phát triển công nghiệp phụ trợ thì cứ loay hoay mãi, đến nay các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn đang tranh cãi, cả năm trời nay mới giải thích thêm được vài từ.

Ở một động thái khác, khi được giao tìm lời giải cho bài toán nhập siêu, ông Ngô Văn Trụ - người trực tiếp làm nghị định khi được hỏi đã bức xúc: “Tôi chán rồi! Nghị định làm đi làm lại, trình Thủ tướng đến bốn lần. Có người còn nói nghị định chỉ có lợi cho ông này ông kia. Giờ không biết phải làm thế nào nữa”.

Bình luận mới nhất