| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 20/10/2011 , 10:10 (GMT+7)

10:10 - 20/10/2011

Tội cho “ông nhà đèn”!

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa “mật thư” cho Bộ Công thương, đề nghị tăng giá điện lên khoảng 13%.

Ảnh minh họa
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa “mật thư” cho Bộ Công thương, đề nghị tăng giá điện lên khoảng 13%.

Khác với những lần trước, lần đề nghị tăng giá điện này, “ông nhà đèn” đã không rầm rộ rào trước đón sau với dư luận qua phương tiện thông tin đại chúng.

Còn nhớ, cách đây gần 8 tháng, vào hồi đầu tháng 3 năm nay, giá điện đã được điều chỉnh tăng 15,28%. Vậy mà trong văn bản gửi Bộ Công thương, EVN đề nghị cho phép điều chỉnh giá bán điện, không phải đề nghị tăng theo lộ trình như trước đây, mà là “luôn và ngay” trong tháng 11 tới.

Vẫn là những lý do “muôn năm cũ” là tăng giá điện nhằm đảm bảo cân bằng về tài chính, không để lỗ trong sản xuất kinh doanh từ năm 2012 trở đi và hạch toán phần bù lỗ cho năm 2010. Ngoài ra, việc tăng giá điện còn để đáp ứng tổng nhu cầu đầu tư của EVN đến năm 2015 dự kiến khoảng 832.000 tỷ đồng, trong đó ngoài nguồn vốn huy động được từ nhiều nguồn khác nhau thì EVN đang còn thiếu khoảng 599.000 tỷ đồng.

Trong một diễn biến khác, tại cuộc họp giao ban Bộ Công thương mới đây tại Hà Nội, các Tập đoàn Dầu khí (PVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng (Vinacomin) đồng loạt thúc EVN sớm trả nợ. Hiện tại, EVN đang nợ Vinacomin khoảng 1.000 tỷ đồng và nợ PVN khoảng 5.000 tỷ đồng.

Có lẽ vì những lý do trên mà lãnh đạo EVN liên tục than khó khăn về vốn và kêu gọi giúp đỡ. Ông Dương Quang Thành, Phó TGĐ EVN cho biết: "Thời gian tới, EVN đặc biệt khó khăn về vốn. Tập đoàn đề nghị Bộ Công thương, cùng Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tìm cách tháo gỡ giúp EVN”. Như vậy, đề xuất tăng giá điện từ EVN xuất phát từ 3 nguyên nhân chính. Đó là: lỗ, nợ và thiếu vốn.

Đúng là thật tội cho “ông nhà đèn”! Vì nước vì dân mà ông phải “một vai ba gánh”.

Thực ra, chuyện lỗ vốn của các tập đoàn, TCty nhà nước không mới, và cũng chả riêng gì EVN mới lỗ. Chuyện này thì ai cũng biết. Tuy nhiên, lỗ như thế nào, các khoản chi phí ra làm sao, các nguồn nhân, vật lực đã được đầu tư, khai thác hiệu quả chưa... thì không phải ai cũng tường.

Đằng sau những con số thua lỗ này là do khó khăn khách quan, do năng lực quản lý yếu kém hay còn vì lý do nào khác vẫn còn là một ẩn số. Trong khi đó, những thuận lợi vượt trội so với các thành phần kinh tế khác như nguồn vốn, nguồn lực về nhân sự, tài nguyên, thậm chí là sự ưu ái từ cơ chế, chính sách thì ít được nhắc đến.

Theo phân tích của một chuyên gia kinh tế, giá mua bán điện giữa EVN và phía Trung Quốc hiện nay là 5,8 xu Mỹ/kWh, giá này đã bao gồm chi phí và thất thoát trong quá trình truyền tải, vẫn còn thấp hơn giá hiện nay là 1.242 đồng/kWh, tương đương khoảng 6 xu Mỹ/kWh. Trong khi đó thì phía Trung Quốc đang phải mua than để sản xuất điện theo giá quốc tế, cao hơn gấp 3 lần so với giá trong nước.

Rõ ràng, giá điện sản xuất trong nước đang bị đẩy lên quá cao do những chi phí trung gian như chi phí đầu tư, vận hành, thất thoát ... Như vậy cần công khai cách tính giá thành và làm rõ những chi phí trước khi tăng giá một lần nữa.

Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam luôn tỏ ra quá nhạy cảm với việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện. Tăng giá điện sẽ đồng nghĩa với hàng loạt các sản phẩm khác tăng giá theo, điều này cũng đồng nghĩa với việc EVN đẩy yếu tố lạm phát sang cho người dân, vốn đang rất khốn đốn vì giá.

Liệu có quá lời khi có ý kiến, đề nghị tăng giá, mà tăng “ngay lập tức”, cũng có nghĩa là “ông nhà đèn” đang thờ ơ với những khó khăn mà đại đa số trong gần 90 triệu dân Việt Nam phải đối mặt.