Thưa chị Dạ Hương!
Nói về thế hệ có lẽ tôi và chị cùng, nhưng tuổi tác thì có thể tôi hơn chị tí chút. Vả lại, cùng sinh trưởng ở miền Nam này nên tôi có biết nhiều về chị và cũng biết, thế là chúng ta từng là bên này và bên kia. Không sao cả, đúng không chị?
Bao nhiêu truân chuyên từ khi đi lính, rồi sau 1975, có đi cải tạo ngắn và về vườn nhà, cưới vợ, sinh con. Tôi có vợ muộn chi ạ, sau ba mươi tuổi. Nói gian lao thì nói vậy, so với người khác, bạn bè quân ngũ trang lứa, đứa đi kinh tế mới nay vẫn bầm dập, nhiều đứa đi và chết trên biển. Tôi dân miền Tây, ba má sẵn vườn, chịu khó thì chưa khi nào phải cảnh giáp hạt cả. Rồi cũng qua.
Nhờ cưới vợ muộn nên khi con tôi trưởng thành, việc vào đại học khi ấy không quá khó khăn lý lịch nữa. Con gái đầu vào Sư phạm ở đại học khu vực đây thôi, rồi nó kéo em nó theo, học nông nghiệp cũng ở trường đó. Hai chị em lần lượt về lại tỉnh nhà, có công việc vừa phải với sức mình, từ đó đến nay.
Vấn đề của lá thư này, thưa chị, là tôi muốn viết. Tôi muốn ghi lại quãng đời của mình vui và buồn. Một mối tình không phải là vợ tôi, một cô gái tuyệt vời và duyên số không cho chúng tôi đến với nhau. Viết thì được nhưng tôi không thể che giấu những điều mình viết mà tôi vẫn cứ muốn viết, thì sao hở chị? Tôi viết vậy, tôi có lỗi với vợ và con tôi không? Và nếu khi tôi in ra được thì dư luận sẽ như thế nào, có bất lợi cho sự yên ổn hiện nay của tôi, gia đình tôi và cô gái ngày xưa ấy không?
Viết là việc của nội tâm, nhưng viết ra thì không còn là của riêng mình nữa, đúng không chị?
--------------------------
Anh bạn thân mến!
Trước hết cảm ơn anh đã biết khá rõ về tôi và có lá thư nói về nguyện vọng viết. Mừng cho anh bạn đã thoát khỏi cái gánh cơm áo gạo tiền sau 1975 nhờ ba má và vườn nhà. Tôi biết nhiều người không thoát nổi do họ từng là con cái nhà khá giả và bị tịch biên và bản thân họ cũng yếu đuối, lao động kém, xoay xở kém. Tôi hình dung anh bạn có gene làm nông của ba má và yên ổn, tự tin với cuộc sống kín đáo của mình, ẩn nhẩn nuôi vợ nuôi con, không bon chen không bức bối gì nhiều cả.
Thế là hai đứa con đều có bằng đại học. Không phải chúng ta quyết cho con có bằng để ăn thua với thiên hạ mà thực sự, có học cỡ ấy thì có thể tin chúng sẽ tử tế ra đời, sẽ tử tế đến hết đời cho dù xã hội có quăng quật tới đâu đi nữa. Cái bằng là sự học mà nền tảng việc học như cái móng nhà, có móng học vấn thì không sợ sụp đổ.
Có rất nhiều người khao khát hồi ký. Có lẽ anh bạn không biết hoặc có nghe lơ mơ, rất nhiều người nhiều công ty viết thuê hẳn hoi đó anh. Cho thấy cả hai bên, bên này và bên kia đều muốn ghi lại ký ức, kỷ niệm và mọi thứ.
Đúng, viết là nhu cầu của nội tâm, viết là thôi thúc của tinh thần, ai có đời sống tinh thần phong phú mới lưu giữ trong cảm xúc mình những hình ảnh sâu sắc và thèm viết. Khi anh bạn viết về mình thì an toàn trong mắt vợ nhưng viết riêng hoặc nhiều chương riêng về cô gái xa xưa ấy thì sẽ có hai trường hợp phản ứng: vợ mặc nhiên hoặc vợ ghen. Chị có biết về người ấy không, qua lời anh kể? Chị là người hiểu biết hay không quan tâm đến chữ nghĩa, sách vở, nhu cầu nội tâm của chồng?
Không thể viết và giấu như giấu tiền giấu bạc. Nó là cảm xúc riêng tư nhưng rất cần được chia sẻ. Vậy nên anh bạn phải dìu vợ vào trang viết của mình, khiến chị thích thú và khoan hòa, độ lượng với những kỷ niệm thời chị chưa xuất hiện trong đời anh. Tùy theo thái độ và chữ nghĩa của mình mà khiến người thân cận nhất của mình yêu hay ghét những trang hồi ký này.
Việc in không khó. Nhưng như đứa con đã sinh ra, nó sẽ được phán xét bởi dư luận. Nếu quá sợ dư luận thì sống để bụng chết mang theo vậy. Đừng quá ngại dư luận cho dù việc thật người thật tên tuổi thật. Ấy là cái giá của sự sung sướng khi viết đó anh bạn ạ.