| Hotline: 0983.970.780

Tôi đã được "Việt hóa"

Thứ Hai 16/02/2015 , 06:15 (GMT+7)

Nếu lên mạng tìm kiếm cái tên Dominic Scriven thì ông nổi tiếng với lĩnh vực kinh doanh tài chính với vai trò Tổng giám đốc Cty Quản lý quỹ Dragon Capital.

Nhưng ít ai biết, ông cũng là người say mê mỹ thuật, đặc biệt là tranh cổ động Việt Nam.

Trong những ngày đầu năm 2015, ông đã làm triển lãm gồm gần 100 bức tranh quý hiếm từ những năm 1950 đến đầu những năm 1980 cổ động phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, có những tác phẩm hiếm, chỉ được thấy trong những cuộc triển lãm trong rừng, ở giữa chiến dịch... được tái tạo lại với kích thước và quy mô lớn với tên gọi “Một khí thế cách mạng”.

Những tác phẩm trong triển lãm cho người xem được sống lại những thời khắc lịch sử của đất nước, tái hiện chân thực cuộc sống lao động, sản xuất, chiến đấu, hình tượng người phụ nữ Việt Nam, anh Bộ đội Cụ Hồ…

Cùng những lời kêu gọi, động viên, tuyên truyền trong từng hoàn cảnh cụ thể:  “Anh đi chống Mỹ, việc nhà có em”, “Vững tay súng, giữ màu hoa”, “Giữ lấy vừng trăng thanh bình cho các cháu”, “Quyết tâm trở thành gái, trai đại phong, xã viên đại phong”…

Nói tiếng Việt rất sõi, ông đã có cuộc trò chuyện với chúng tôi về niềm đam mê với tranh cổ động Việt Nam. Dự định của Dominic là sẽ đưa bộ sưu tập tranh cổ động này đi triển lãm tại 150 nước trên thế giới.

Ám ảnh

Xin chào Dominic, ông bén duyên với Việt Nam và đặc biệt là tranh cổ động Việt Nam như thế nào?

Tôi đến châu Á vào năm 1987, làm cho một Cty tài chính của Anh, có trụ sở tại Hồng Kông. Nhiệm vụ của tôi lúc đó là nghiên cứu thị trường các nước thuộc nhóm NIC (những nước công nghiệp mới của châu Á) và những nước thuộc nhóm NEC (những nước có nền kinh tế đang công nghiệp hoá ở châu Á).

Năm 1990, tôi đến Việt Nam khảo sát thị trường. Trong đoàn khảo sát lúc bấy giờ có John Shrimpton, người sau này đồng sáng lập viên của Dragon Capital. Khi ấy, tôi đã có một chuyến đi thú vị đến mức tôi quyết định một năm sau đó, quay trở lại Hà Nội học tiếng Việt tại Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Tôi ngày càng bị thu hút bởi cuộc sống ở xứ sở của các bạn, nên hơn hai năm sau, khi đã có chút ít "lưng vốn" tiếng Việt và phần nào am hiểu văn hoá Việt, một phần cũng vì đã hết tiền (cười), tôi vào TP. Hồ Chí Minh kiếm việc làm.

 Một năm sau nữa, năm 1994, tôi cùng với John và hai người bạn Việt Nam lập Cty đầu tư tài chính Dragon Capital...

Ấn tượng về Việt Nam của tôi hồi đó thật lạ. Đặc biệt là Hà Nội. Tôi bị ám ảnh bởi tranh cổ động của các bạn ngay từ khi đặt chân đến Hà Nội. Những con phố Hà Nội hồi đó không có nhiều màu sắc như bây giờ, đèn điện quảng cáo cũng không, chỉ có màu mà tôi gọi là “màu tranh cổ động”.

Do có nhiều tranh cổ động được vẽ bằng tấm lớn ở nhiều phố. Tôi rất ấn tượng và tìm hiểu về thể loại tranh này. Sau đó, tôi thấy rất tiếc khi chính người Việt Nam không đánh giá cao giá trị mỹ thuật của tranh cổ động. Tranh cổ động chỉ có ở các nước XHCN.

Nhưng càng tìm hiểu, tôi càng thấy tranh cổ động Việt Nam khác với tranh cổ động của Cu Ban, Ba Lan, Trung Quốc, Liên Xô.

Ông có thể chia sẻ về những sự khác nhau giữa tranh cổ động của Việt Nam với các nước khối XHCN lúc bấy giờ và điều gì làm nên sự đặc biệt của tranh cổ động Việt Nam?

Tranh cổ động của Việt Nam thực sự là vẽ để cổ vũ, cổ động. Còn tranh cổ động ở Trung Quốc, Liên Xô… người trong tranh thường nở nụ cười to, mang tính quảng bá là chính.

Một điều đặc biệt nữa là tìm hiểu tranh cổ động thời kỳ đó, cũng hiểu thêm về lịch sử Việt Nam. Lúc đó, các bạn còn khó khăn, nên các họa sĩ thiếu thốn nguyên liệu vẽ tranh.

Một bức tranh cổ động có thể được vẽ tận dụng giấy, nên trong bộ sưu tập của tôi, có rất nhiều bức tranh cổ động, mặt trước có thể là cô gái xung phong nhưng mặt sau lại là chân dung của một người khác…

Thêm một điều nữa là người Việt Nam rất đánh giá cao vai trò của phụ nữ, nên phụ nữ xuất hiện trong tranh cổ động khá nhiều. Điều khác nữa với tranh của Trung Quốc và Liên Xô là các nước không khó khăn như Việt Nam nên việc in hàng chục nghìn bản tranh cổ động là bình thường, còn ở Việt Nam, một bức tranh cổ động thường là “độc bản”.

Chính nhiều người Việt Nam còn chưa thấy giá trị mỹ thuật của tranh cổ động Việt Nam. Ông thấy được điều này từ đâu?

Tranh cổ động Việt Nam theo tôi biết hầu như luôn luôn phản ánh trực tiếp, sáng tác nhanh và không nấn ná và với nét cọ rõ rệt.

Các tác phẩm thường mang tính lạc quan, luôn gây ngạc nhiên bằng một cảm nhận rõ ràng về mong ước tương lai, thường được phản ánh qua biểu cảm khuôn mặt hầu như hiếm khi thể hiện sự căm giận.

 Khoảng hơn 80% tác phẩm có chữ ký cho chúng ta biết bản thân những người họa sĩ rất tự tin và có cá tính chứ không chỉ là chung chung cổ động.

Được biết, ông sẽ đưa triển lãm của mình đi các nước, đầu tiên sẽ là đâu?

Tôi yêu thích bộ sưu tập tranh cổ động Việt Nam của mình và sẽ giới thiệu với bạn bè. Tôi dự định sẽ đi Anh đầu tiên, đương nhiên vì đó là quê hương tôi. Sau đó, kết hợp cùng với công việc kinh doanh, tôi sẽ đưa bộ sưu tập này đến 150 nước khác.

Tôi đã được "Việt hóa"

Ở Việt Nam hơn 20 năm, ngoài tranh cổ động, ông thích gì nữa?

Tôi đã được "Việt hoá". Đã tiến tới trình độ ăn được... mắm tôm (cười). Tôi thích các món ăn Việt Nam, nhất là phở. Món ăn Việt Nam vừa tươi, vừa đa dạng, lại có lợi cho sức khoẻ, cho nên tôi cũng đang “hướng dẫn” cho bạn bè trên thế giới thích món ăn Việt Nam.

Năm nay, ông sẽ ăn Tết ở đâu?

Tết Tây thì tôi về bên Anh, còn Tết ta thì ở Việt Nam. Mấy chục năm nay rồi, năm nào cũng thế.

Tết Việt Nam tôi thường trở thành “hướng dẫn viên” du lịch miễn phí cho bạn bè các nước sang Việt Nam. Nhiều bạn bè tôi bắt đầu nhận thấy du lịch Việt Nam rất thú vị. Trước đây, họ nghĩ rằng đi du lịch Việt Nam là chỉ có du lịch ba-lô, tức toàn đi giá rẻ, nhưng trải nghiệm thực tế đã khiến họ thay đổi suy nghĩ.

Cũng có người vẫn còn suy nghĩ rất lạ. Một người bạn tôi có con gái 19 tuổi muốn theo bạn sang Hà Nội chơi, nhưng ông bố, tức là bạn tôi, không dám cho đi. Dĩ nhiên, tôi nghĩ đây là sai lầm của người bố, nhưng qua đó cho thấy, vẫn còn nhiều người chưa biết về Việt Nam.

Có người thì bắt đầu quan tâm đến Đông Nam Á. Đặc biệt, qua báo chí, họ biết và nhắc nhiều đến Myanmar. Thật sự, ai cũng bất ngờ vì Myanmar thay đổi rất nhanh.

Còn chính Việt Nam vẫn chưa giới thiệu được nhiều văn hóa của các bạn ra thế giới. Tôi luôn giới thiệu với bạn bè về Việt Nam mỗi khi có cơ hội. Và Tết là một dịp như thế!

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện và chúc ông cùng các bạn sẽ có những trải nghiệm thú vị tại Việt Nam trong dịp Tết!

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất