| Hotline: 0983.970.780

Tôi đi đám cưới… không mời

Thứ Tư 20/01/2010 , 11:51 (GMT+7)

Không một cánh thiệp hồng, khách khứa trong làng “nghe” có đám cưới là đến ăn, khách và gia chủ có khi… không biết mặt!

Ảnh minh họa

Cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 30 km, thôn Phúc Lâm (Mỹ Đức, Hà Nội) tồn tại một tục cưới khá lạ mà ai mới nghe lần  đầu đều lắc đầu bán tín bán nghi. Không một cánh thiệp hồng, khách khứa trong làng “nghe” có đám cưới là đến ăn, khách và gia chủ có khi… không biết mặt! 

Thoạt nghe như chuyện bịa nhưng đây lại là tục lệ lâu đời của làng Phúc Lâm. Mới đầu, nghe anh bạn kể tôi cũng nửa tin nửa ngờ nhưng khi về tận Phúc Lâm để “đi đám cưới không mới” tôi mới biết đó là sự thật. 

Gia chủ… không biết mặt khách 

Chơi với Hùng từ ngày còn ngồi trên giảng đường đại học nhưng đây là lần đầu tiên tôi về Phúc Lâm, nhà Hùng chơi. Cuối năm, cái thôn rộng lớn với hơn 1000 hộ dân này diễn ra thật nhiều đám cưới. Tiếng nhạc xập xình đến khuya nghe đến đinh tai. Ồn ào nhưng cảm giác cưới ở quê vẫn thật ấm cúng và vui nhộn. Đêm, lạ nhà lại thêm tiếng cười nói rôm rả suốt đêm của những người dọn mâm cỗ ngay gần nhà Hùng nên tôi không sao ngủ được. Gần sáng, khi vừa chợp mắt tôi đã bị ông bạn dựng ngược lên: “Dậy, dậy đi ăn cỗ ông ơi. Làng người ta đi hết rồi”. Nhìn đồng hồ mới hơn 5h sáng, ngoài trời vẫn còn nhá nhem, tôi thắc mắc: Cỗ gì giờ này, ông mơ ngủ à?. “Có ông mơ ngủ ấy, dậy mà xem, người ta đi rầm rập kìa. Hôm nay thôn nhiều đám cưới quá, bố mẹ tôi mỗi người đi một đám, giờ tôi phải đi đám này”, Hùng giục.

Vơ vội cái áo, ngó ra đầu ngõ, lời Hùng nói chẳng sai. Từ đầu làng đến cuối xóm đâu đâu cũng xôn xao bởi tiếng í ới gọi nhau đi ăn cỗ. Người đi vui như trẩy hội. Tôi là khách của Hùng, chẳng ai mời, tự dưng “vác bụng” đi ăn thấy thật buồn cười nên tôi tìm cách thoái thác. Tuy nhiên, Hùng giải thích: “Ở đây chẳng ai mời cả. Cứ nhà nào trong thôn có cỗ cưới biết vậy sáng sớm tinh mơ là kéo nhau…đi đánh chén. Bây giờ người ta đi ăn cỗ muộn đấy, trước đây 4h sáng mọi người đã đi ăn rồi. Vì là làng nhiều “dân chợ” mà, ăn cỗ sớm cho kịp buổi chợ”. Sợ Hùng muộn mất bữa cỗ cưới, nên tôi cũng chẳng thắc mắc nữa, hai đứa vội vàng chạy ra ngõ để “nhập môn” cùng người thôn đi dự đám cưới… không mời. 

6 sáng, nhà đám đã chuẩn bị cỗ bàn tinh tươm. Cả sân bãi rộng ước chừng hơn trăm mâm cỗ thì quá nửa đã có người ngồi chén tạc chén thù, chúc rượu huyên náo. Thấy tôi, một bác gái trung tuổi ăn vận áo dài, chắc là mẹ chú rể chạy lại tay bắt mặt mừng: “Mời cháu vào nhà xơi nước, rồi ăn bữa cơm thân mật cùng gia đình”. Hùng nói vài câu chúc tụng rồi kéo tuột tôi vào bàn uống nước rỉ tai tôi: “Toàn người làng cả chứ chẳng phải họ hàng thân thiết gì đâu. Người quý nhau đến góp vui thôi. Thế nên trường hợp gia chủ không biết mặt khách là… chuyện thường. Đừng ngại, tôi đi lâu rồi, nhà chủ có biết tôi là ai nữa đâu”. Sau lời động viên của Hùng, chúng tôi chọn lấy một cỗ và cùng với người thôn đánh chén ngon lành. Tuyệt nhiên chẳng ai hỏi tôi từ đâu tới. Câu chuyện bên mâm cỗ chỉ toàn những lời tấm tắc khen cỗ ngon.

 "Tục lệ từ xa xưa"

Đang dở bữa, một người trong mâm chúng tôi đứng dậy, chạy vội qua nhà bên cạnh, ít phút sau xách về nồi cơm to tướng. Thấy tôi ngạc nhiên, bà Minh ngồi cạnh tôi giải thích: “Tục làng này là thế. Mỗi nhà xung quanh sẽ lấy gạo nhà mình thổi cơm hộ. Khi nào đi ăn cỗ, mang cơm chín đến. Việc hàng xóm cũng lo như việc của nhà mình vậy. Chắc cậu không phải người làng này rồi”.

Cũng theo bác Minh, cỗ bàn được chuẩn bị chu đáo từ sớm là nhờ sự giúp sức của cả một đội quân gồm anh em, họ hàng, hàng xóm thân quen, có khi đến hai ba chục người. Đội quân này cũng đồng thời là những người chuyên lo… chạy cỗ. “Đám cưới ở đây được cái nhàn hơn các nơi khác khoản mời mọc. Gia chủ chỉ phải mời “khách thiên hạ” thôi (nghĩa là người ngoài thôn Phúc Lâm). Còn người trong làng, người này rỉ tai người khác, rồi cứ đúng ngày cưới dân làng kéo nhau đến”. Cũng vì lượng khách khá tù mù nên chuyện tính mâm, tính cỗ gia chủ chỉ… áng chừng. Thế nên mới có chuyện nhiều gia đình gặp phải phen dở khóc dở cười vì lo… chạy cỗ. 

Bác Dư Văn Phú, mới tổ chức đám cưới cho con trai tuần trước kể: “Nhà tôi hôm đó dự tính thế nào mà thiếu đến gần chục mâm. Gần 20 người làm giúp được phen chạy tất tả. Người đi chợ mua thịt, người chạy ngược chạy xuôi lo làm thức ăn, mấy bà con trong xóm đến mừng cũng được huy động vào đội quân… chạy cỗ. Dẫu vậy, không may thiếu, khách cũng chẳng ai trách cứ điều gì vì tục của làng là vậy và thiếu là…chuyện thường”.  

Ông Nguyễn Hữu Tân, (63 tuổi) trưởng cụm dân cư số 6, thôn Phúc Lâm rất tự hào khi nói về tục lệ đám cưới không mời thôn mình. Ông Tân nói rằng: “Đây là tục lệ có từ xa xưa. Tôi nhớ rõ nhất là thời còn có pháo. Sáng sớm, nhà có đám cưới đốt một tràng pháo dài, nghĩa là thông báo cỗ đã bày dọn xong, mời người thôn đến ăn”. Bác cười hóm hỉnh: “Phải tự hào chứ, hiếm có ngôi làng nào cỗ “to” như thôn Phúc Lâm này. Có đám lên tới 200 mâm. Cả làng mà có đám cưới là vui như Tết. Nhiều người còn nghỉ chợ để đến góp vui cùng nhà đám”. 

Cũng theo ông Tân, con gái đất này lấy chồng cũng không có chuyện thách cưới hay đòi hỏi gì. Càng không có chuyện đám cưới “thương mại” hay “bán cỗ ăn tiền”. “Nhiều nơi đi ăn cỗ theo kiểu trả nợ, làng này thì không. Ai biết thì đến, chẳng cần mời mọc khách sáo, ai không đến gia chủ cũng chẳng trách. Người trong thôn đến với nhau vì cái tình. Có lẽ cũng nhờ cái tục này mà người dân làng Phúc Lâm đoàn kết lắm. Chẳng mấy khi có chuyện cãi cọ hay xô xát với nhau”. Ông Tân kể rằng, ngày ông dựng vợ gả chồng cho các con nhà chẳng có lấy một xu thế nhưng người làng Phúc Lâm mỗi người ra tay lo cho một khoản…thế là xong việc.

Xã Phúc Lâm có 4 thôn, với 1800 hộ, riêng thôn Phúc Lâm chiếm đến 1000 hộ. Điều đặc biệt là ba thôn còn lại không có phong tục “đám cưới không mời”, chỉ riêng Phúc Lâm mới có tục đó. Chẳng ai giải thích vì sao lại có sự khác biệt này. Khi trong thôn có cưới hỏi người thôn Phúc Lâm cứ đến ăn cỗ và chúc mừng như những người anh em họ hàng dù trên thực tế họ chẳng họ hàng dây mơ rễ má gì với nhau. Riêng ba thôn còn lại, nếu đến thôn Phúc Lâm dự đám cưới chắc chắn họ phải có thiệp mời bởi họ được xem là “khách thiên hạ”. Ông Nguyễn Văn Tuấn, cán bộ xã Phúc Lâm nói rằng: Đây là một tập tục văn hoá có từ xưa và rất đáng được trân trọng. Người trong thôn vì vậy luôn đoàn kết giúp đỡ nhau. Ông Tân cũng giải thích cho sự đoàn kết của người làng mình tương tự: “Ngồi cùng mâm, cùng cỗ với nhau, nhìn nhau suốt ngày nên đoàn kết là đương nhiên rồi. Người làng cả, ai nhỡ cãi cọ nhau lúc ngồi cỗ cũng…bỏ qua hết”.

Rời Phúc Lâm tôi vẫn nhớ mãi không khí đám cưới không mời. Nhớ đến hình ảnh nhiều khách ăn xong lại cùng gia chủ dọn dẹp, xong đâu vào đấy mới ra về. Thật hiếm có nơi nào tình làng nghĩa xóm lại được xem trọng như vậy.

  • Mua bán rùa quý tràn lan từ 'chợ ảo' đến đời thực
    Phóng sự 27/03/2024 - 08:15

    Thời gian qua, hoạt động mua bán rùa diễn ra công khai tại các cửa hàng thú cưng trên địa bàn thành phố Hà Nội, thách thức các cơ quan chức năng.

  • [Bài 3] Bài toán hóc búa ở tỉnh Khánh Hòa
    Phóng sự 27/03/2024 - 06:02

    Tính toán sơ bộ, muốn ra được Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao ở Khánh Hòa phải “vượt ải” tới... 9 bộ, ngành trước khi trình Chính phủ phê duyệt.

  • [Bài 2] 'Cuộc cách mạng' giữa trùng khơi ở Vân Đồn
    Phóng sự 26/03/2024 - 06:00

    Phong trào thành lập hợp tác xã nuôi trồng thủy sản đang là trào lưu ở Quảng Ninh để đón nhận chính sách giao biển lâu dài, từ đó ổn định kế sách nuôi biển.

  • Nan giải vấn nạn mua, bán rùa trên Internet
    Phóng sự 25/03/2024 - 13:15

    Năm 2023 ghi nhận gia tăng các vụ liên quan đến mua, bán rùa qua mạng xã hội. Do vậy các cơ quan chức năng cần mạnh tay trong việc xử lý vi phạm.

  • [Bài 1] 7 năm trời vật vã xin giấy phép nuôi biển
    Phóng sự 25/03/2024 - 07:30

    'Khát vọng lớn, quyết tâm cao, tuy nhiên những rào cản cơ chế chính sách đang giống như chiếc vòng kim cô siết chặt giấc mơ nuôi biển của chúng tôi vậy', Hải Bình nói.

  • Chuyện ở 'thiên đường đá cỏ' Tân Lập
    Phóng sự 24/03/2024 - 16:40

    Nhắc đến thầy cúng Vàng A Chứ (còn gọi là ông Chứ cúng) thì không chỉ ở Sơn La và một số tỉnh Tây Bắc mà mãi tận bên Lào cũng có người biết.

  • Tinh hoa nghề đậu bạc Định Công
    Phóng sự 22/03/2024 - 11:09

    Sau khoảng thời gian tưởng chừng như thất truyền, đến nay làng nghề đậu bạc Định Công đang chuyển mình nhằm níu giữ lại cái hồn cốt của nghề tinh hoa truyền thống.

  • Rủ nhau đi hái lộc rừng
    Phóng sự 18/03/2024 - 06:00

    Quảng Bình Cứ vào tháng Ba hàng năm, nhiều người dân sống ở các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp (Quảng Trạch, Quảng Bình) rủ nhau lên rừng hái dâu và có nguồn thu đáng kể.

  • Mùa hoa mộc miên
    Phóng sự 15/03/2024 - 06:00

    Mộc miên, loài cây chung thủy với tháng Ba, cứ độ sau xuân lại rạo rực tự đốt cháy mình thắp lửa những góc trời, từ vùng đồng rừng đến những miền quê yên ả…

  • Hang Táu - miền cổ tích còn phong kín
    Phóng sự 12/03/2024 - 06:05

    Hang Táu là một thung lũng được giấu kín giữa bốn bề núi. Trời đất như chừa ra một khoảng đất tương đối bằng phẳng chỉ để cỏ cây khoe sắc...

  • Chuyện giữ rừng giữa biển
    Phóng sự 11/03/2024 - 06:15

    Qua Tết Nguyên đán, vùng đảo Tây Nam Tổ quốc bước vào cao điểm mùa khô, lực lượng chức năng bắt đầu ‘mướt mồ hôi’ với công tác giữ rừng trên các hòn đảo…

  • Bà Xuân 'hủi'
    Phóng sự 08/03/2024 - 08:45

    Từng là giáo viên mầm non nhưng đến nay nữ y tá Nguyễn Thị Xuân đã có gần 40 năm đồng hành cùng những bệnh nhân tại trại phong Quả Cảm - Bắc Ninh.

Xem thêm
Phát triển Tiền Giang với '1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh'

TIỀN GIANG Theo Thủ tướng, tinh thần 'ba cùng' là 'cùng lắng nghe, thấu hiểu', 'cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động', 'cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển'.

Những công trình vá 'lỗ hổng' hệ thống thủy lợi bờ Nam Sông Hậu

Đồng bào bờ Nam Sông Hậu mong chờ âu thuyền Rạch Mọp vận hành ngăn mặn vào cuối 2024, cùng với những công trình đã được đầu tư để khép kín hệ thống thủy lợi.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Đê Đông xuống cấp, xâm nhập mặn uy hiếp ngàn ha đất canh tác

Bình Định Tràn Dương Thiện thuộc hệ thống đê Đông dài 250m, có nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ cho ngành nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp giờ đã như ‘răng rụng’.

Bình luận mới nhất