| Hotline: 0983.970.780

Tôi đi thăm… bãi rác ở Venezuela

Thứ Ba 29/01/2019 , 14:30 (GMT+7)

Tôi có may mắn từng đặt chân đến khoảng 10 nước, giàu có, nghèo có, lớn có, tí hon có như Mỹ, Nhật, Ấn, Trung, Thái, Lào, Singapore…nhưng có một quốc gia tôi chỉ quên được khi đất đã rơi…lộp bộp trên huyệt mộ, đó là Venezuela.

Vùng đất của những cảm xúc ngược chiều

Một vùng đất đã cho tôi những cảm xúc trái ngược nhất, yêu quý tột cùng mà cũng “sợ hãi” khôn nguôi (vì lý do nhiều nơi mất an ninh) và trên hết là cảm giác nuối tiếc cho nơi một vùng đất từng là thiên đường giữa hạ giới, cảnh rất đẹp mà người và văn hóa cũng đẹp không kém.

Cũng như nhiều người trước đó, tôi từng đọc nhiều bài báo của Việt Nam mà người viết chỉ ngồi nhà dịch lại từ báo Tây về tình hình Venezuela vì khoảng 3 năm nay đã không còn nhà báo nào của chúng ta sang đó nữa. Một bức tranh đen kịt được vẽ lên, nào là vác cả bao tải tiền đi uống cà phê vì siêu lạm phát, nào là mất điện, mất nước tràn lan, nào là chết không đủ tiền để chôn và trên hết là cảnh đi nhặt rác để ăn đã trở thành phổ biến toàn quốc. Sự thật thế nào?

Bởi thế, nhân chuyến đi quý giá này (trung tuần tháng 10/2018) tôi đã gần như ngủ rất ít, ăn quấy quá cho xong chỉ để khám phá cuộc sống thực sự bên trong bức màn bí mật này mà địa điểm đầu tiên tôi nhớ đến chính là… bãi rác. Trong 10 ngày với vô số sự kiện tham gia ở Venezuela tôi nhớ nhất lần tham gia đi nhặt rác, hay nói đúng hơn là quan sát người ta nhặt rác thế nào.

dsc01587145924469
Bãi rác ở Venezuela

Rác, bãi rác ở nước nào cũng có. Khi đến đây, tôi luôn để ý đến những nơi tập kết rác, những thùng rác kể cả trên hè phố lẫn các vùng nông thôn với mong muốn quan sát được cảnh bới rác tìm thực phẩm. Nhưng không may cho tôi hay chuyện này khá hãn hữu mà không được chứng kiến tận mắt.   

Đem điều này nói với Federico-tài xế của quỹ Fondas-đơn vị đang hợp tác với các chuyên gia Việt Nam để nhận chuyển giao công nghệ trồng lúa nước thì ông giãi bày: Ở chế độ cũ và chế độ này tôi cũng chỉ là một người nghèo. Tuy nhiên người nghèo ở chế độ cũ không có được tiếng nói trong xã hội còn người nghèo ở chế độ này lại được chính phủ quan tâm hơn, con cái của họ khi ốm được vào bệnh viện, khi đi học được học lên tới cấp đại học…

dsc01570-copy150031174
Khu nhà ở xã hội ở thủ đô Caracas

Những người nghèo mà nhất là ở Thủ đô hầu hết sẽ trong những khu nhà ở xã hội nếu là quân nhân, người tàn tật, người ở trên núi xuống. Một phần không nhỏ chưa đủ tiêu chuẩn cấp nhà ở xã hội sẽ phải ở trong nhà tạm. Bản thân ông tài xế đang sống ở một khu nhà tạm như thế cùng với vợ con và một lũ cháu. Hàng tháng, vợ chồng ông được cấp 1 túi hàng viện trợ của chính phủ, 2 người con gái đã có gia đình cũng được mỗi đứa 1 túi gồm khoảng 10 kg hỗn hợp gạo, dầu ăn, bơ sữa…đủ để ăn 10 ngày. 20 ngày còn lại trông chờ vào đồng lương tài xế 15 USD của ông, khá eo hẹp.

Lũ trẻ ở khu nhà ở xã hội

Bởi thế, mỗi ngày gia đình chỉ dám ăn 2 bữa với món chính gồm cơm và ít đậu. Thịt, bơ sữa thì cỡ cả tuần mới có một lần và cũng không được ăn thoải mái. Xin được nói thêm là người Venezuela ăn thịt như người Việt Nam ăn rau, hồi kinh tế còn sung túc mỗi bữa họ có thể ăn cả 5-7 lạng thịt bò/người là điều hết sức bình thường.

Túng thiếu thế nên tôi tò mò hỏi, gia đình Federico có ai đi nhặt rác để ăn không. Ông lắc đầu, cười: “Chuyện nhặt nhạnh thức ăn ở bãi rác thì ở khu tôi tôi chỉ nghe nói có một người rất lười, nhưng là chuyện của năm ngoái còn năm nay do các gói hỗ trợ của chính phủ đều hơn nên không còn thấy mấy (thời điểm tháng 10/2018)”.
 

Cận cảnh ở bãi rác

Bãi rác ở bất kỳ đâu cũng là một nơi an ninh bất ổn nhưng ở Venezuela giữa bối cảnh lạm phát trầm trọng càng trở nên nguy hiểm bội phần. Hôm sau, khi tôi ngỏ ý muốn đi xem một bãi rác lớn ở Thủ đô Caracas thì cả anh tài xế trẻ và anh cán bộ quỹ Fondas đều lắc đầu, đều ngại. Nằn nì mãi họ cũng đồng ý nhưng với điều kiện chỉ đứng trên xe ô tô, cách chỗ bãi rác khoảng…1 km rồi nhìn từ xa vào. Tôi đành ậm ừ để họ chấp nhận đã rồi sau sẽ tính tiếp. Cất máy ảnh lớn đi vì phòng cướp giật, tôi chỉ mang theo chiếc máy du lịch nhỏ xíu, cổ lỗ đã lâu không dùng, chất lượng chụp dở tệ.

dsc01592145925717
Tác giả bên trong bãi rác ở thủ đô Caracas

Địa điểm mà chúng tôi hướng đến là bãi rác trung tâm cách khu nhà ở xã hội Basurero khoảng 3-4 km, thuộc ngoại vi của thủ đô Caracas. Càng gần đến nơi, những ngôi nhà lụp xụp tựa như túp lều càng hiện ra mỗi lúc một nhiều và chân ga của anh tài xế càng mỗi lúc một…ấn sâu hơn vì sợ. Cuối cùng, sau một hồi thuyết phục, hai người đồng hành cũng chấp thuận dẫn tôi vào hẳn trong bãi rác chứ không đứng xa 1 km như đã dự định.

Trên đầu, lũ kền kền đen xì bay lượn rợp trời rồi bất thần sà xuống bãi rác, xà xuống các xe đang nghiêng thùng đổ rác, kêu chí chóe xen lẫn tiếng máy ầm ì, tiếng còi giữ trật tự toe toe vang lên từ mặt đất. Một đám chừng mươi người đang dập dềnh trên những đống rác mới tranh thủ bới. Cách mà những người này bới rác giống hệt như cách mà cả ngàn dân xung quanh bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) vẫn thực hiện hàng ngày, nghĩa là nhặt nhạnh sắt vụn, đồng nát hay những thứ còn tận dụng được, bán được chứ không hề thấy bới thực phẩm để ăn.

dsc01591145925199
Ảnh: D.Đ.T

Anh bạn ở quỹ Fondas bảo, đây là trạm cuối cùng trên hành trình đi của rác, đã qua bao lần bới, lọc từ “đầu nguồn” rồi nên giờ chỉ còn những thứ phế liệu đó. Nếu muốn chứng kiến chuyện tìm thực phẩm thừa để ăn phải canh ở những thùng rác trên phố, nhất là ở những khu nhà giàu hay các nhà hàng, nơi có thể dễ dàng kiếm được những cái bánh hamburger mới cắn có một nửa, những miếng thịt bò mới chỉ chọc qua dĩa vào, những lát khoai tây chiên vẫn còn nguyên màu vàng ruộm…Nhiều người nhặt rác ăn mặc quần áo lôi thôi đã đành nhưng cũng có lắm kẻ nhặt rác lại diện nguyên một cây hàng hiệu, từ mũ, quần áo đến giầy dép. Tiếc thay, thời gian 10 ngày của tôi đã đến ngày cuối nên không được chứng kiến cảnh đó.

Bên cạnh cộng đồng người Trung Quốc đông đảo cả chục, cả trăm ngàn người, ở Venezuela có một cộng đồng người Việt ít ỏi chừng vài chục, hầu hết đều quen nhau để mà sẵn sàng đùm bọc, giúp đỡ lúc gian khó.

 

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chìm tàu kéo sà lan, 3 người chết, 2 người mất tích

Quảng Ngãi Tàu kéo theo sà lan bất ngờ bị chìm trên vùng biển gần đảo Lý Sơn. Lực lượng chức năng đã vớt được 3 thi thể, 2 thuyền viên còn lại đang mất tích.