| Hotline: 0983.970.780

Tối nào cũng có 'trăng rằm'

Thứ Sáu 21/08/2015 , 06:45 (GMT+7)

Khi màn đêm buông xuống, những chiếc bóng đèn compact đội trên đầu chiếc “mũ bảo hiểm” trắng bạc lơ lửng trên hàng cột điện cao 6 m bắt đầu tỏa sáng.

Con đường liên xã Nghi Xuân (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) tối đui tối mù dần hiện lên trong hàng ngàn con mắt tròn xoe của những người dân quê.

Đó là buổi tối ngày 17/8/2015. Một thời khắc đặc biệt với người dân Nghi Xuân khi mô hình chiếu sáng NTM do Cty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông tài trợ đã đi vào hoạt động.

Hết sợ bóng tối

Nhìn những vầng sáng chiếu rọi khắp không gian, cảm xúc của Chủ tịch UBND xã Nghi Xuân Phạm Ngọc Duyên gói gọn trong một câu ngắn ngủi: “Mới đầu tuần trăng tháng Bảy âm lịch, thế mà cứ như rằm tháng Tám đang hiện hữu rồi”.

Tôi hiểu, niềm vui ấy lớn lắm. Bởi từ bé đến nay, ông chưa bao giờ thấy cảnh người dân sinh hoạt đông vui ngoài đường vào một buổi tối thường nhật như vậy.

Xã Nghi Xuân đã cán đích 19 tiêu chí NTM từ tháng 10/2014. Hết các đoàn của huyện rồi đến tỉnh về nghiệm thu đều gật gù khen tốt. Thế nhưng, trong thâm tâm những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã vẫn thấy thành quả ấy chưa thực sự viên mãn.

Sức sống của một miền quê NTM ở đâu khi mà gà vừa lên chuồng ấm chỗ cũng là lúc cánh cổng nhà dân đóng sập để giảm bớt bất an? Nhà đầu xóm, cuối xóm cách nhau vài trăm bước chân nhưng năm thì mười họa mới gặp.

Phần vì ban ngày phải làm lụng lo miếng cơm manh áo. Đêm rỗi rãi lại ngại ra đường bởi tối tăm; bởi phải lỉnh kỉnh đèn đuốc soi đường. Thôi đành ở nhà ôm cái ti vi, chán thì tắt đèn đi ngủ.

Lãnh đạo xã bền bỉ gõ cửa các Mạnh Thường Quân để kêu gọi đóng góp hỗ trợ xây dựng hệ thống chiếu sáng công cộng trên trục đường liên xã, tạo điều kiện để người dân đi lại thuận tiện.

Kết quả, Cty Rạng Đông đã chi 200 triệu đồng để thiết kế và lắp đặt hệ thống chiếu sáng cho nhân dân xã Nghi Xuân trên trục đường dài hơn 1 km tại khu vực trung tâm.

Cùng với đó là lắp đặt hệ thống chiếu sáng cho một lớp học của Trường tiểu học Nghi Xuân, Trạm y tế xã Nghi Xuân và phòng làm việc của Đảng ủy, UBND xã.

Trước, cứ nhập nhoạng tối bà Nguyễn Thị Lan (82 tuổi) ở xóm 6, xã Nghi Xuân, lại ngồi thu lu trong nhà vì sợ tối tăm trượt chân ngã. Giờ có đèn soi rọi, đôi mắt đùng đục của bà không còn ngán ngẩm bóng đêm nữa.

Khi nắng tắt, gió từ cánh đồng trước mặt thổi vào mát rượi, bà lại cầm theo cái quạt nan ra ngoài trò chuyện với xóm làng. “Cứ như mình trẻ ra mấy tuổi ấy”, bà Lan nói.

Người dân Nghi Xuân vốn rất đam mê thể dục, thể thao nhưng áp lực công việc đôi khi không thể dậy sớm tập luyện. Bây giờ, cứ tối đến đàn ông, đàn bà mặc quần đùi, áo cộc tay í ới gọi nhau đi bộ 1-2 vòng từ đầu đến cuối hàng cột đèn cao áp. Anh em thân thiết sang thăm nhau cũng đỡ ngại khó khăn hơn.

Ông Duyên chia sẻ, chiếu sáng cộng đồng là yếu tố rất quan trọng nhằm đảm bảo an ninh trật tự, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân về ban đêm.

Sau khi tiếp nhận, xã sẽ trích một phần ngân sách để chi trả tiền điện dài hạn nhằm vận hành hiệu quả, phát huy tối đa công năng của hệ thống chiếu sáng này. Hi vọng, đây sẽ là mô hình điểm để lan tỏa ra khắp các ngõ, xóm trên địa bàn xã Nghi Xuân và các địa phương lân cận.

Tham quan mô hình chiếu sáng công cộng tại xã Nghi Xuân, ông Phan Sỹ Dương, Bí thư Huyện ủy Nghi Lộc nhận định mô hình chiếu sáng cộng đồng của Cty Rạng Đông là sự khởi động mang tính đột phá về công tác chiếu sáng nông thôn.

Trong thời gian tới, huyện Nghi Lộc sẽ phối hợp với 30 xã/phường trực thuộc đẩy mạnh tuyên truyền, thu hút nguồn vốn xã hội hóa cho công tác chiếu sáng nông thôn, đặc biệt là sự tham gia của DN và các tổ chức chính trị xã hội để duy trì nguồn sáng phục vụ sinh hoạt của người dân.

Nhân rộng mô hình

Ông Vi Lưu Bình, PGĐ Sở NN-PTNT kiêm Chánh văn phòng Điều phối xây dựng NTM Nghệ An, chia sẻ, trong tiêu chí NTM số 4 về điện mới chỉ quy định về tỷ lệ số hộ dùng điện an toàn ở nông thôn chứ chưa đề cập đến điện chiếu sáng phục vụ cộng đồng như đường giao thông, sân vận động, nhà văn hóa, trường học, trạm y tế và điện chiếu sáng phục vụ SX công nghệ cao.

 Trong quá khứ chúng ta còn nghèo, chưa có điều kiện để quan tâm. Nhưng khi đã xây dựng NTM, chúng ta có nguồn lực để phát triển thì điều này rất quan trọng. Khi có ánh sáng, người dân đi lại vào ban đêm sẽ an toàn hơn, hạn chế tệ nạn xã hội.

Mô hình chiếu sáng cộng đồng của Cty Rạng Đông sử dụng công nghệ chiếu sáng mới, vừa tiết kiệm được năng lượng, tuổi thọ bóng điện sử dụng cao hơn, đạt chuẩn hơn, phù hợp với thị lực của bà con hơn và bảo vệ môi trường tốt hơn.

Về lý do Rạng Đông xây dựng mô hình chiếu sáng cộng đồng, ông Đỗ Hải Triều, đại diện Cty Rạng Đông chia sẻ, nhiều nơi đường nông thôn đã được bê tông hóa khang trang đẹp đẽ nhưng lại không có hệ thống chiếu sáng. Điều này ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt đi lại của bà con về đêm.

Nhiều nơi có hệ thống chiếu sáng nhưng không đạt chuẩn, chất lượng không đảm bảo, không tiết kiệm điện, gây lãng phí.

Giải pháp chiếu sáng đèn đường ngõ xóm của Rạng Đông giúp tiết kiệm 50-80% điện năng so với hệ thống cũ. Ánh sáng đạt chuẩn giúp bà con đi lại thuận tiện. Bộ mặt văn hóa nông thôn về đêm được sáng hơn, hạn chế tệ nạn xã hội.

Trong giải pháp chiếu sáng NTM, Cty cũng xây dựng các giải pháp chiếu sáng trong trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… nhằm cung cấp giải pháp chiếu sáng đạt chuẩn, tiết kiệm năng lượng, sử dụng những bộ đèn chuyên dụng chất lượng cao, tiết kiệm điện, giúp tạo môi trường chiếu sáng tiện nghi như: đạt độ rọi ánh sáng theo tiêu chuẩn, hạn chế hiện tượng chói lóa, hiện tượng loáng quạt, ánh sáng đồng đều, chất lượng ánh sáng cao giúp tạo hưng phấn trong làm việc, góp phần hạn chế các bệnh về mắt.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm