| Hotline: 0983.970.780

“Tôi như mất một người Cha”

Thứ Bảy 05/10/2013 , 19:42 (GMT+7)

Trước cổng nhà Đại tướng từ sáng sớm tinh mơ, hàng trăm bà con xóm giềng về tề tựu đông đủ, mọi người ôm ảnh Đại tướng vào lòng mà khóc.

Bà Phạm Thị Ngành (62 tuổi, trú tại xã Quang Phú-TP Đồng Hới-Quảng Bình- là con gái của mẹ Phạm Thị Ngèng- AHLĐ) mân mê tấm ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp với mẹ Ngènh tại rừng phi lao mà mẹ Ngènh trồng suốt mấy chục năm. Bà nói trong nước mắt: “Khi nghe tin Bác Giáp mất, tôi thấy hụt hẫng và đau buồn. Cảm giác như tôi vừa mất đi một người Cha”.

 
Bà Phạm Thị Ngành: “Tôi như mất một người cha”

Bà Ngành kể lại: “Hồi tháng 8/1999, Bác Giáp vô thăm quê và ghé thăm mẹ tôi. Bác tặng quà và hỏi thăm mẹ tôi như một người anh lâu ngày gặp lại. Sau đó mẹ tôi được Đảng và Nhà nước tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới. Thời gian mẹ tôi lâm bệnh và trước lúc mất cứ ao ước được Bác Giáp vô thăm. Tình cảm của Bác Giáp thật nồng ấm và thân thiết làm tôi thấy trong lòng kính trọng như người cha của mình”.

Từ sáng sớm ngày 5/10, Thường trực Hội CCB tỉnh Quảng Bình đã đến trụ sở. Ai cũng nén nỗi buồn đau để lo công việc. Ông Trần Văn Bường- Chủ tịch Hội CCB dù người rắn rỏi nhưng đôi mắt vẫn ươn ướt. Ông nói nhè nhẹ: “Tôi cùng anh em trong phường trực đã bàn bạc và đặt làm bảy tấm ảnh của Đại tướng khổ lớn để khẩn trương chuyển cho bảy Hội CCB các huyện thị tổ chức làm bàn thờ tại trụ sở để chuẩn bị làm lễ tang”. Tại hội trường của trụ sở, bàn tang của Đại tướng cũng đã được chuẩn bị xong đơn giản mà trang nghiêm. Tấm ảnh Đại tướng trong quân phục ngời sáng nụ cười như đang động viên, nhắc nhở mọi người cống hiến hết mình cho Tổ quốc, nhân dân. Thắp ba nén nhang cắm lên bát hương, ông Bường xúc động: “Cán bộ hội viên Hội CCB tỉnh nhà sẽ ra sức phấn đấu làm theo lời dạy của Đại tướng”.


Hội CCB tỉnh Quảng Bình chuẩn bị bàn thờ tưởng niệm Đại tướng


Từng dòng người đến nhà Đại tướng để tỏ lòng tiếc thương

Cũng trong sáng 5/10, cả làng An Xá (xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy), cuộc sống như chậm lại, hàng trăm người dân địa phương đã tập trung về nhà Đại tướng với tâm trạng tiếc thương.

Từ đầu làng đến cuối ngõ, khi hỏi ai cũng không giấu được tâm trạng, không muốn tin rằng chuyện đang xảy ra là sự thật. Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy - ông Vương Công Toản ngậm ngùi: "Những người con quê hương đang biến đau thương thành hành động, từ sáng sớm đã tập trung đến nhà Đại tướng để dọn dẹp, thắp hương lên bàn thờ tổ tiên".

Ông Võ Đại Hàm - 70 tuổi, người cùng dòng họ được vinh dự gọi Đại tướng bằng ông và cũng tròn 30 năm qua, là người coi sóc nhà lưu niệm của Đại tướng - ngồi thẫn thờ, nước mắt cứ trào ra. Ông cũng như người dân địa phương không muốn tin đó là sự thật. Ông kể, sau khi nghe hung tin vào tối qua, ông đã không khóc thành tiếng mà nước mắt cứ trào ra. Suốt cả đêm ông không ngủ được vì những hồi ức, kỷ niệm cùng Đại tướng cứ ùa về trong ông.

Trước cổng nhà Đại tướng từ sáng sớm tinh mơ, hàng trăm bà con xóm giềng về tề tựu đông đủ, mọi người ôm ảnh Đại tướng vào lòng mà khóc. Bà Võ Thị Lài (76 tuổi, gọi Đại tướng bằng bác) cứ khóc mãi không nói nên lời: "Bác ơi, bác đi rồi chừ còn ai nữa để cháu hỏi thăm. Mỗi lần bác về quê cháu được bác hỏi thăm, được ôm bác vào lòng. Bác quan tâm đến bà con quê hương, nhớ bác lắm bác ơi...". Bà khóc, người dân đều khóc khiến chúng tôi ai cũng bùi ngùi.

Ông Nguyễn Tư Pháp - nguyên Bí thư huyện ủy Lệ Thủy - thì thẫn thờ từ khi nghe hung tin. Ông bị bệnh nên không thể đến nhà Đại tướng thắp hương khi nghe Đại tướng đã ra đi. Ngồi ôm bức ảnh chụp chung với Đại tướng vào lòng, mắt ông nhỏ lệ. Rồi ngậm ngùi "Đại tướng luôn vì quê hương, tôi may mắn được 4 lần gặp Đại tướng, lúc nào Đại tướng cũng bảo, phải quan tâm đến đời sống của nhân dân, phải vì nhân dân, không được để bà con khổ". Rồi Đại tướng ngồi nghe những điệu hò khoan Lệ Thủy, gần gũi với người dân nên ai cũng cảm nhận được như Đại tướng luôn mãi ở quanh đây".

Đến chiều, người dân làng An Xá và khắp mọi miền đất nước tề tựu về nhà Đại tướng càng đông, ai cũng ngậm ngùi tiếc thương nhưng cũng tất bật chuẩn bị chu đáo các nghi lễ.

Ông Phạm Hữu Thảo - Phó chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy - nói trong ngậm ngùi "Ngay từ sáng sớm, thường trực Huyện ủy và các ban ngành liên quan đã tổ chức cuộc họp khẩn, lên kế hoạch, phân công các công tác rất cụ thể. Tập thể người dân quê hương đồng lòng vượt qua đau thương. Với chúng tôi, Đại tướng vẫn luôn sống mãi".

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất