| Hotline: 0983.970.780

Tôm càng xanh thay lúa vụ 3 - Tại sao không ?

Thứ Năm 12/08/2010 , 11:24 (GMT+7)

Làm lúa tuy không bao giờ ế nhưng vẫn có lúc tồn đọng, rớt giá. Còn tôm càng xanh? Suốt gần 10 năm qua, dân nuôi tôm theo mô hình luân canh lúa-tôm ở các tỉnh ven sông Hậu, sông Tiền đều nói chắc: Lúc nào cũng bán giá cao...

Làm lúa tuy không bao giờ ế nhưng vẫn có lúc tồn đọng, rớt giá. Còn tôm càng xanh? Suốt gần 10 năm qua, dân nuôi tôm theo mô hình luân canh lúa-tôm ở các tỉnh ven sông Hậu, sông Tiền đều nói chắc: Lúc nào cũng bán giá cao, tôm nuôi không đủ bán, tôm càng xanh (TCX) ít dịch bệnh, rủi ro… mỗi vụ thu chục triệu bạc là chuyện thường.

Thu họach tôm càng xanh. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Thay vì làm lúa vụ 3 (thu đông), hiện nay mùa nước lũ sông Cửu Long bắt đầu đổ về cũng là thuận mùa thả nuôi tôm…

Tôm hơn 5 lần lúa

Mỗi năm dân miền Tây làm 2 vụ lúa đông xuân (ĐX) và hè thu (HT), đã bao nhiêu năm rồi cứ khư khư ôm mãi cây lúa, thu nhập trung bình 16 triệu đồng/ha, khó làm giàu được. Bởi vậy ông Mã Văn Hạnh, ở ấp Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh (Cần Thơ) quyết tâm thay đổi. Năm 2004, trên 1ha đất ruộng, ông áp dụng mô hình luân canh 1 vụ lúa - 1 vụ TCX đã tạo bước ngoặt gia tăng, thu nhập đáng kể.

Hiện đang vào mùa thả nuôi, các cơ sở TCX giống ở ĐBSCL sản xuất không đủ bán nên tôm post giống lên giá 140-150đ/con, tăng 30đ/con so cùng kỳ năm ngoái. Nhân cơ hội hụt nguồn cung này, TCX giống TQ đưa hàng về và hiện đang chiếm khoảng 60% thị phần các tỉnh có nuôi TCX trong vùng. Được biết, hai năm qua TCX giống TQ bán giá cạnh tranh thường rẻ hơn nên có lúc đánh dạt các cơ sở giống TCX trong vùng.

Ông Hạnh cho biết, vào những năm đầu phong trào nuôi TCX phát triển ở Vĩnh Thạnh, ông được Chi cục Thủy sản Cần Thơ vận động, tập huấn kỹ thuật nuôi. Sau đó mỗi năm, hễ thu hoạch lúa ĐX xong ông cho dọn gốc rễ, rơm rạ sạch đáy ruộng, rồi đào mương, đắp bờ bao, lấp hết hang cua, lỗ mọi để tránh thất thoát tôm về sau. Ông mua lưới rào xung quanh bờ ao để trách địch hại xâm nhập vào ao gây hại cho tôm nuôi. Xong, ông bón vôi, phơi đáy ao sau 3-5 ngày thì cho nước vào và thả tôm. Năm đầu tiên 2004, ông Hạnh thả 100.000 tôm post giống, ông thu được 1,9 tấn tôm, bán 70.000đ/kg, thu được 133 triệu đồng, sau khi trừ hết chi phí còn lãi 52 triệu đồng. Cộng với tiền lãi vụ lúa ĐX, năm đó là lần đầu tiên gia đình ông thu nhập đạt trên 61 triệu đồng/ha. Tính ra thu nhập từ nuôi tôm gấp 5-6 lần trồng lúa.

Tiếp theo những năm sau, ông Hạnh theo đuổi bền bỉ mô hình luân canh tôm-lúa, tích lũy kinh nghiệm và cải tiến nên liên tục gia tăng lợi nhuận. Năm 2005, ông thả 150.000 tôm post giống, cuối vụ thu 2,45 tấn/ha, bán được 75.000đ/kg, sau khi trừ hết chi phí lãi được hơn 78 triệu đồng và cộng thêm khoản lời từ 1 vụ lúa, tính ra cả năm nhà ông Hạnh có hơn 87 triệu đồng, cao hơn năm 2004 là 26 triệu đồng. Sang năm 2008 ông Hạnh cải tiến chế biến thức ăn, bổ sung thêm từ ốc bươu vàng để hạ giá thành. Đặc biệt năm 2009, ông thả 200.000 tôm post trên/ha có áp dụng kỹ thuật sử dụng quạt nước để tạo dòng chảy cung cấp ô xy, đồng thời sử dụng men vi sinh để cải thiện môi trường nước, tạo sản phẩm sạch an toàn. Kết quả lãi từ vụ TCX đạt hơn 100 triệu đồng và 21 triệu đồng lãi từ vụ lúa.

Muốn thành công...?

Nhận bán hàng cho ông bạn cùng nghề nuôi tôm, anh Huynh đi giao tôm càng xanh tươi rói đựng trong bồn ô xy chở sau xe gắn máy ngoài chợ chẳng mấy chốc đã về. Anh Huynh móc xỉa mười mấy triệu đồng cho ông chủ ao tôm. Mấy ông bạn cùng nhau uống trà cười nói rôm rả.

Anh Huynh bên ao tôm càng xanh ở Ô Môn (Cần Thơ)
Anh Huynh, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn (Cần Thơ) không làm nhân viên ngân hàng nữa chỉ vì mê nuôi TCX, và đã theo đuổi với nghề này suốt gần 10 năm qua. Kinh nghiệm là nuôi tôm vào mùa nước lũ về. Thành công liên tiếp, đến nay anh mở rộng thả nuôi hơn 2ha. Anh Huynh kể hồi trước thu hoạch “dập”, nghĩa là cuối vụ rút nước thu tôm đổ đống thương lái tới lựa hàng hoặc bán cho các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu. Thu theo cách này tôm thường giảm giá. Sau này, anh Huynh làm theo nhiều hộ nuôi TCX là thu tỉa từng đợt, giao hàng tôm còn đang bơi lội tươi sống bán chợ, đưa vào các nhà hàng nên luôn có giá cao. Mùa thuận nhờ nước lũ, nuôi tôm có nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào. Tháng 4 thả giống đến tháng 12 thu hoạch bán vào dịp Noel và sau đó kịp gieo sạ mùa lúa ĐX. Trong mấy năm gần đây anh Huynh đã nuôi TCX chuyên canh quanh năm. TCX nuôi mùa nghịch từ tháng 8, tháng 9 thả giống đến tháng 12 thu hoạch dần tới tháng 3.

Anh Huynh nói: “Nuôi thưa với mật độ 3 con/m2, nuôi trên ruộng có thể thả 10 con/m2. Nếu chịu cực công, vệ sinh cải tạo ao nuôi kỹ lưỡng và chăm sóc theo dõi tốt, tôm hao hụt khoảng 50%; nuôi thức ăn viên, cứ 2 tấn thức ăn cho 1 tấn tôm thịt; thu hoạch đạt trên 1 tấn/ha tôm thương phẩm là thành công. Với giá tôm tươi sống hiện thời, thu tỉa bán qua thương lái tôm cái loại 50con/kg giá 90.000đ/kg, sau đó thu tôm đực bán loại 30 con/kg giá 180.000đ/kg. Tôm không ế, lúc nào cũng hút hàng thậm chí không đủ bán”.

Ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Cần Thơ theo dõi mô hình lúa-tôm từ nhiều năm qua khẳng định: “Đây là mô hình sản xuất có hiệu quả cần được khuyến cáo nhân rộng. Do nuôi TCX thay lúa vụ 3 vừa cải thiện môi trường, cắt được chu kỳ dịch hại, giảm bớt sử dụng thuốc BVTV. Vào lúc hưng thịnh, những năm 2005-2006, Cần Thơ có tới 300 ha nuôi TCX. Tuy nhiên sau này diện tích nuôi có phần giảm xuống là do thiếu con giống, con giống chất lượng kém, nuôi giảm năng suất. Mặt khác vì thiếu nguồn cung nên giống TCX nhập từ Trung Quốc (TQ) bán sang, bà con nuôi tới 4,5-5 tháng tôm đạt cỡ 30 con/kg thì đưng lại, giảm ăn và còn tấn công ăn thịt lẫn nhau. Trong khi TCX giống trong nước do bố mẹ nguồn gốc tự nhiên có thể nuôi đạt cỡ tôm lớn, bán tôm giá cao hơn được”.

Hiện nay, bên cạnh mô hình luân canh tôm-lúa thành công, Chi cục Thủy sản Cần Thơ đang thực nghiệm các mô hình nuôi thâm canh mật độ cao 20 con/m2, mô hình nuôi mật độ thưa 10 con/m2 trong ruộng lúa và ăn thức ăn tự nhiên với con giống cỡ 100con/kg. Hy vọng từ các mô hình này thành công sẽ giúp nông dân gia tăng thu nhập với mặt hàng thủy sản có lợi tức hấp dẫn này.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất