| Hotline: 0983.970.780

Tôm giống bố mẹ vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu

Thứ Sáu 14/02/2025 , 13:54 (GMT+7)

Bạc Liêu Hội nghị 'Phát triển ngành tôm nước lợ năm 2025' diễn ra tại Bạc Liêu sáng 14/2, Cục Thủy sản cho biết, tôm giống bố mẹ vẫn phụ thuộc phần lớn vào nguồn nhập khẩu.

Sản xuất và ương dưỡng được 159 tỷ con tôm giống 

Theo báo cáo của Cục Thủy sản, năm 2024 cả nước sản xuất được 33.404 con tôm thẻ chân trắng bố mẹ; 52.000 con tôm sú bố mẹ phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu, bằng 90,1% so với năm 2023. Năm qua, cả nước đã nhập khẩu khoảng 124.000 tôm thẻ bố mẹ, 692 tôm sú bố mẹ, 16.540 ấu trùng tôm thẻ, 66.000 ấu trùng tôm sú phục vụ cho sản xuất giống.

Hiện nay, cả nước có 1.943 cơ sở sản xuất và ương dưỡng giống tôm nước lợ. Trong đó, có 1.214 cơ sở sản xuất và 204 cơ sở ương dưỡng thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận; 525 cơ sở ương dưỡng thuộc diện quản lý chất lượng. 

Tôm giống trong nước hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu người nuôi tôm. Ảnh: Trọng Linh.

Tôm giống trong nước hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu người nuôi tôm. Ảnh: Trọng Linh.

Năm 2024, cả nước sản xuất và ương dưỡng được 159 tỷ con tôm giống nước lợ (tôm thẻ chân trắng 109,8 tỷ con; tôm sú 49,2 tỷ con), đạt 103,55% so với năm 2023.

Các tỉnh sản xuất tôm giống trọng điểm là Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu, Cà Mau chiếm khoảng 90% tổng cơ sở sản xuất và 60% sản lượng giống.

Con giống vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu

Cũng theo Cục Thủy sản, tôm giống bố mẹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu (78,8% tôm chân trắng) và khai thác từ tự nhiên (56,9% tôm sú bố mẹ), trong nước mới cung cấp được một phần, chưa chủ động trong sản xuất.

Hiện nay, còn nhiều cơ sở chưa được kiểm tra cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo quy định của Luật Thuỷ sản (khoảng 19,3% số cơ sở). Một số cơ sở chưa đủ điều kiện sản xuất vẫn được cấp chứng nhận kiểm dịch. Đây là những cơ sở chưa đáp ứng điều kiện, nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh.

Một số địa phương, cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh được giao nhiệm vụ quản lý chung về nuôi trồng thủy sản nhưng không nắm được số lượng giống kiểm dịch, nguồn gốc xuất xứ, gây khó khăn lớn cho quá trình quản lý. Công tác quản lý còn phân đoạn, chưa có có sự thống nhất giữa công tác quản lý nhà nước về chất lượng giống và kiểm dịch giống. Giá giống giảm, nhiều cơ sở sản xuất ngừng hoạt động. Kết quả nghiên cứu, chọn tạo tôm bố mẹ trong nước còn hạn chế.

Giá thành sản xuất tôm vẫn còn cao

Thực tế, giá thành sản xuất tôm ở nước ta vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực do chi phí thức ăn nuôi tôm đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng 55 - 57,2% giá thành nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, siêu thâm canh).

Đối với nuôi tôm lúa, tôm rừng, quảng canh cải tiến chi phí con giống cao. Nhiều vùng nuôi thiếu điện phải sử dụng máy nổ để bơm nước, quạt khí, phát điện (chi phí cao gấp 2 lần so với sử dụng điện).

Các cơ sở nuôi nhỏ lẻ thường thiếu vốn sản xuất, phải mua chịu vật tư đầu vào, chịu lãi suất cao và không có cơ hội lựa chọn sản phẩm có chất lượng, lệ thuộc vào đại lý ảnh hưởng đến giá thành và lợi nhuận của người nuôi tôm giá cước vận chuyển vật tư, nguyên liệu cao. Ngoài ra, tỷ lệ thành công của vụ nuôi chưa cao do dịch bệnh cũng là nguyên nhân làm tăng giá thành.

Giá thành sản xuất tôm của nước ta còn cao so với các nước khác. Ảnh: Trọng Linh.

Giá thành sản xuất tôm của nước ta còn cao so với các nước khác. Ảnh: Trọng Linh.

Bên cạnh đó, hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản chủ yếu vẫn dùng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, hệ thống cấp thoát nước không đảm bảo, các vùng nuôi thâm canh không có ao xử lý nước nên dễ xảy ra dịch bệnh. Nguồn nước dễ bị ô nhiễm do quá trình sản xuất và sinh hoạt, thuốc bảo vệ thực vật từ sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, vùng nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến năng suất thấp, hiệu quả sản xuất chưa cao (320-480 kg/ha/năm, mặc dù diện tích nuôi lớn (605.740 ha) nhưng sản lượng thấp (277.254 tấn) và giá trị thấp, khó kiểm soát chất lượng sản phẩm. Vì vậy, cần có những đột phá về giải pháp kỹ thuật, khoa học công nghệ, về con giống có khả năng kháng bệnh, tăng trưởng nhanh trong thời gian tới.

Xem thêm
Tổ chức hội nghị toàn quốc về sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, xã

Sau Hội nghị Trung ương sẽ có một hội nghị toàn quốc để triển khai sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã.