| Hotline: 0983.970.780

Tôm sinh thái trên đất rừng phương Nam...

Thứ Năm 01/01/2009 , 08:30 (GMT+7)

Vùng đất trời phú này đã biến Cà Mau thành vựa tôm của cả nước, mà giá trị nhất là thương hiệu tôm sinh thái…

Tôm sinh thái được chế biến sạch hoàn toàn

Vùng đất ngập nước Cà Mau là một hệ sinh thái đặc biệt, phát triển trên loại đất phù sa bồi tụ trong môi trường nước mặt, lợ và khí hậu ẩm quanh năm. Vùng đất trời phú này đã biến Cà Mau thành vựa tôm của cả nước, mà giá trị nhất là thương hiệu tôm sinh thái…

Con tôm ôm rừng đước

Vào ĐBSCL mà không đến Cà Mau thì không biết thế nào là “sông nước phương Nam”. Cuối tháng 11, mùa nước nổi vừa qua nhưng những con nước vẫn mấp mé bờ chạy dài ngút tầm mắt. Chúng tôi mất hơn một giờ chạy ca nô từ thành phố Cà Mau tới huyện Ngọc Hiển. Đây là vùng đất ngập nước với “con tôm ôm rừng đước” điển hình của Cà Mau. Thế nhưng trước đây cặp “vợ chồng” tôm- rừng không phải lúc nào cũng “cơm lành canh ngọt”. Thời điểm những năm con tôm sú lên cơn sốt, người ta ào ạt phá rừng làm vuông tôm. Diện tích rừng ngập mặn suy giảm nghiêm trọng bởi tham vọng làm giàu nhanh chóng của ngư dân.

Thế nhưng sự phát triển quá “nóng” này đã gây hậu quả nhãn tiền. Thiên nhiên, môi trường sinh thái bị xâm hại quá mức đã quay trở lại “phản công” con người. Dịch bệnh trên tôm diễn ra tràn lan, khiến nhiều chủ hộ nuôi phá sản. Phó Giám đốc Sở NN- PTNT Cà Mau Nguyễn Thông Nhận thừa nhận: Thời kỳ đó, đúng là con tôm Cà Mau điêu đứng. Nhiều hộ nuôi tôm phá sản, nợ nần chồng chất. DN chế biến cũng nhiều phen khốn khó khi hết lô hàng này đến lô hàng khác bị trả lại do tôm nhiễm kháng sinh cấm.

Ông Nhận cho biết, Cà Mau hiện có 280 nghìn héc ta nuôi trồng thuỷ sản, thì 250 nghìn héc ta là nuôi tôm. XK thuỷ sản mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho địa phương, năm ngoái là 640 triệu USD. Hơn 150 nghìn héc ta đất nông nghiệp kém hiệu quả đã được chuyển sang nuôi thuỷ sản, với hiệu quả cao gấp 2- 3 lần so với làm nông nghiệp. Tuy nhiên, tại một số vùng, đời sống người dân sau chuyển đổi lại khó khăn hơn do việc chuyển đổi không bền vững, chỉ một vụ tôm chết là cái nghèo ập đến.

Đi tìm một mô hình phát triển nuôi trồng thuỷ sản bền vững là bài toán khó đối với Cà Mau. Và chương trình phát triển nuôi tôm sinh thái đã ra đời, đáp ứng được trọn vẹn cả hai yêu cầu: Phát triển bảo vệ rừng đi cùng với việc nâng cao thu nhập cho ngư dân từ nuôi trồng thuỷ sản. Đã có thời người dân dải đất Mũi tận cùng Tổ quốc ví con tôm như những cô gái quí tộc, mỹ miều, đem lại nhiều ngoại tệ cho đất nước. Còn rừng đước như gã trai xù xì, lấm lem, tưởng như không bao giờ hoà hợp được. Nhưng con tôm sinh thái lại là những cô gái miệt vườn biết yêu và sống hoà thuận trên mảnh đất rừng phì nhiêu này. Và cũng bởi “chất miệt vườn” của mình mà tôm sinh thái nổi tiếng toàn cầu. 

2 tỷ đồng cho một tuần tập huấn 

Nuôi tôm sinh thái, nông dân phải thực hiện đủ 5 điều cấm là:

Không sử dụng các loại thuốc diệt cỏ, diệt côn trùng để điều tiết các loại cá săn mồi trong ao.

Không sử dụng các chế phẩm thuốc kích thích tôm sinh sản.

Không thực hiện làm ấm, chạy máy ôxy sục khí trong vuông tôm.

Không chấp nhận việc điều trị bệnh cho tôm bằng bất cứ loại kháng sinh và hoá chất nào.

Không sử dụng bất cứ loại thức ăn công nghiệp nào. Chất lượng nước thải ra gồm amoniac, nhu cầu oxy, phốt phát, chất rắn…cũng phải được theo dõi và ghi chép hàng năm.

Ông Phạm Học Duyệt, Phó Tổng Giám đốc Cty CP XNK thuỷ sản Năm Căn (Cà Mau) cho biết: “Con tôm sinh thái ra đời chính từ yêu cầu của những nhà nhập khẩu ngoại quốc. Họ biết đến ưu thế tự nhiên của vùng đất này và đưa ra “đầu bài” để chúng tôi thực hiện”. Công ty đang xúc tiến tập huấn cho 302 hộ dân vùng rừng đước thuộc BQL rừng phòng hộ Kiến Vàng, huyện Ngọc Hiển kỹ thuật và qui trình nuôi tôm sinh thái.

Muốn được công nhận vùng nuôi sinh thái, Cty phải bỏ chi phí để các chuyên gia của Naturland (Hiệp hội khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch của Đức) và Viện Thị trường sinh thái (IMO- tổ chức nổi tiếng toàn cầu trong lĩnh vực thanh tra, cấp chứng nhận và sự đảm bảo an toàn về chất lượng, các sản phẩm có thể truy nguyên nguồn gốc và thân thiện với môi trường) đến khảo sát và tập huấn cho ngư dân. Khoá khảo sát và tập huấn này chỉ gói gọn trong 1 tuần lễ nhưng chi phí lên tới 2 tỷ đồng”.

Trước đó, sau nhiều năm nghiên cứu và theo dõi chặt chẽ hiệu quả của mô hình nuôi tôm tự nhiên tại vùng nuôi của Lâm ngư trường 184 (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau), tổ chức Naturland và IMO đã công nhận vùng nuôi này đạt tiêu chuẩn vùng sản xuất tôm sinh thái (shrimp organic) kết hợp bảo vệ rừng ngập mặn. IMO- tổ chức quốc tế đầu tiên và nổi tiếng trong lĩnh vực thanh tra, cấp chứng nhận và sự đảm bảo an toàn về chất lượng đã cấp chứng nhận “tôm sinh thái” tại Lâm ngư trường 184.

Ông Duyệt cho biết thêm, không chỉ vùng nuôi, mà ngay cả nhà máy chế biến cũng phải đạt tiêu chuẩn “sinh thái”. Tất cả các công đoạn trong nhà máy không được sử dụng bất cứ loại hoá chất nào, ngay cả những chất khử trùng, vệ sinh thông thường mà các nhà máy thuỷ sản đang dùng. Chính vì được chứng nhận bởi những tổ chức uy tín này mà sản phẩm bán đắt đúng nghĩa “như tôm tươi”. Mặc dù gần đây giá tôm sú sút giảm, nhưng riêng tôm sinh thái vẫn giữ giá và luôn trong tình trạng “không đủ hàng để XK”.

Anh Lê Trung Nghĩa, Trưởng trạm thu mua tôm sinh thái (Cty CP chế biến thuỷ sản và XNK Cà Mau) nhận định, chỉ những công ty có tiềm lực mạnh mới có thể phát triển tôm sinh thái bởi việc mở rộng vùng nuôi chịu chi phí rất lớn. Một vùng nuôi mới phải được chuyên gia của IMO đến xác nhận, đi giám sát từng nông trại. Tuy nhiên, điều đáng mừng là thị trường hiện nay rất rộng mở bởi người tiêu dùng châu Âu đã biết rõ giá trị, đặc biệt là chất lượng ATVSTP của sản phẩm này. IMO rất có uy tín trên thế giới, do vậy phải có chứng nhận của viện này thì khách hàng mới tin dùng. Trong khi đó, các cơ quan quản lý tại VN lại chưa hề có tiêu chuẩn về tôm sinh thái, mà “bên mình làm chưa chắc người ta đã tin”- anh Nghĩa bộc bạch. 

Đổi thay từ tôm sạch 

Năm 2002, gia đình anh Lữ Minh Thảo, ấp Bông Súng, xã Tam Giang, huyện Năm Căn bắt đầu nuôi tôm sinh thái. Anh Thảo bộc bạch: “Làm tôm sinh thái thì phải đảm bảo môi trường sạch. Tôm bị bệnh chỉ xử lý thay nước chứ không dùng bất cứ loại thuốc kháng sinh nào. Vừa phát triển tôm vừa bảo vệ và phát triển được rừng. Diện tích rừng trong hơn 5ha vuông tôm trước chỉ chiếm

50%, nay đã tăng lên 70%”. Đặc biệt là hiệu quả kinh tế hơn hẳn. Một ha đầu tư mất khoảng 7 triệu tiền giống và cải tạo ao nuôi, thì thu được 25 triệu đồng. Trước đây khi nuôi tôm tự nhiên thì mỗi năm gia đình anh Thảo thu được tối đa 50- 60 triệu, trừ chi phí còn lời khoảng 30 triệu. Chuyển sang nuôi tôm sinh thái thì mỗi năm thu được tới 110 triệu, trừ chi phí còn lãi 80 triệu đồng.

Ông Ngô Dũng Liêm, nguyên Giám đốc Lâm ngư trường 184, hiện là tư vấn chương trình nuôi tôm sinh thái của Cty CP XNK thuỷ sản Năm Căn cho biết, con tôm sinh thái không chỉ giúp tăng thu nhập mà còn thay đổi cả thói quen sinh hoạt của ngư dân. Yêu cầu bắt buộc của các nhà nhập khẩu: Khu nuôi tôm sinh thái phải đảm bảo có diện tích rừng từ 50% trở lên, nên việc khôi phục lại vốn rừng được đẩy mạnh, giúp cân bằng hệ sinh thái trong vùng. Các loại động, thực vật như bò sát, giám sát, nhuyễn thể quý hiếm cũng nhờ vậy mà có cơ may tồn tại và phát triển trong rừng ngập mặn. Ngoài điều kiện về rừng, các chủ vuông tôm còn phải tuân thủ nghiêm các quy định trong sản xuất. Không được xả nước, chất thải sinh hoạt cá nhân trong vùng nuôi trồng. Các gia đình dần nâng cao nhận thức và thực hiện các biện pháp vệ sinh, đảm bảo môi trường nông thôn, không còn hình ảnh “cầu tõm” trong vuông tôm”.

Đất rừng ngập mặn Cà Mau hình thành từ trái cây mắm cắm xuống đất bãi ven biển, mọc thành rừng mắm. Rừng càng thêm xanh, tốt khi cây đước nối tiếp mọc lên. Người dân dải đất này có quyền tự hào về hệ thống rừng ngập mặn đã tồn tại từ nhiều thập kỷ qua. Mô hình nuôi trồng “rừng- tôm” kết hợp tưởng như mâu thuẫn nhưng thực tế đây là điều sống còn của người dân. Chính sự kết hợp lý tưởng này đã tạo thành sự “độc đáo và an toàn” của con tôm sinh thái Cà Mau, đưa sản phẩm đến những thị trường cao cấp và khó tính nhất.

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm