| Hotline: 0983.970.780

Tổn thất sau thu hoạch: Mất 400 ngàn tấn thủy sản/năm

Thứ Hai 13/02/2012 , 10:01 (GMT+7)

Tổn thất sau thu hoạch hải sản ở Việt Nam hiện ở mức rất cao, trên 20% sản lượng khai thác, thậm chí lên đến 30% đối với tàu lưới kéo bảo quản bằng ướp muối.

Bảo quản cá không đảm bảo gây tổn thất hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm

Tổn thất sau thu hoạch hải sản ở Việt Nam hiện ở mức rất cao, trên 20% sản lượng khai thác, thậm chí lên đến 30% đối với tàu lưới kéo bảo quản bằng ướp muối. Với sản lượng khai thác trên 2 triệu tấn, mỗi năm cả nước mất khoảng 400 ngàn tấn hải sản.

Làm gì để giảm tổn thất sau thu hoạch hải sản xuống mức dưới 10%, đó là chủ đề hội nghị được Bộ NN-PTNT tổ chức tại TP Rạch Giá (Kiên Giang) cuối tuần qua dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Vũ Văn Tám.

Quá lạc hậu

Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), hiện cả nước có gần 130.000 tàu cá các loại, trong đó tàu có công suất máy dưới 20 CV là 65.000 chiếc (chiếm 50%), từ 20-50 CV có 3.000 chiếc (23,8%), từ 50 đến dưới 90 CV là 9.500 chiếc (7,3%), tàu từ 90 CV trở lên có 4.517 chiếc (18,8%). Về cơ cấu nghề nghiệp khai thác tập trung vào 5 nhóm nghề chính là: lưới kéo đáy (24%); lưới rê (35%); câu (18%); lưới vây (6%); mành, vó, chụp… (17%). 

Nhìn chung phương pháp bảo quản hải sản của Việt Nam hiện nay quá lạc hậu, phần lớn số tàu đều không bố trí hầm chứa hải sản riêng mà sử dụng các thùng chứa rời, bảo quản bằng cách ướp nước đá xay đựng trong các khay nhựa hoặc túi nilon, thậm chí có những tàu vẫn bảo quản theo phương pháp thuyền thống là ướp muối.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây số lượng tàu cá tăng lên rất nhanh, nhưng chủ yếu là tàu nhỏ, không có hoặc có nhưng rất hạn chế về điều kiện bảo quản, trên tàu cũng không có mặt bằng để lựa chọn, phân loại hải sản. Nhiều tàu không thiết kế hầm bảo quản sản phẩm hoặc có nhưng làm bằng các vật liệu không đảm bảo cách nhiệt tốt, thậm chí ở một số tỉnh miền Trung ngư dân còn dùng bạt nhựa để làm hầm chứa.

Hải sản sau khi đánh bắt chủ yếu được bảo quản bằng đá xay, thời gian bảo quản tốt chỉ được 7 ngày, tối đa không quá 10 ngày. Chất lượng nước đá không đảm bảo, mất vệ sinh và không đủ độ lạnh nên thời gian bảo quản ngắn. Ngư dân thường xếp thủy sản nhiều hơn định mức nên dẫn đến cá bị bầm giập trước khi vào bờ, tạo điều kiện cho vi sinh thâm nhập sâu vào thịt cá, gây ảnh hưởng đến chất lượng. Công tác vệ sinh hầm bảo quản sau mỗi chuyến biển không được tốt nên cá dễ bị nhiễm vi sinh ngay khi đưa vào hầm.

 Ông Nguyễn Duy An, GĐ Nhà máy thực phẩm đóng hộp KTC (Cty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kiên Giang) cho rằng: Tập quán tiêu thụ thủy sản quá dễ dãi, cá ươn cũng bán được đã làm cho ngư dân ít quan tâm đầu tư cho khâu bảo quản trên tàu.

Chính sách chưa đến được ngư dân

Để giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều quyết định (Quyết định 63/2010/QĐ-TTg, Quyết định 65/2011/QĐ-TTg) nhằm hỗ trợ nông, ngư dân, các cơ sở sản xuất máy móc trong nước. Tuy nhiên, theo ý kiến của các đại biểu thì hiện đang có quá nhiều rào cản khiến chích sách chưa đến được nông, ngư dân.

 Ông Trần Chí Viễn, PGĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, hiện rất khó để ngư dân tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng để mua máy móc, đầu tư làm hầm bảo quản hải sản. Lý do muốn vay vốn ngân hàng yêu cầu phải có thế chấp, trong khi ngư dân đã thế chấp tài sản để vay vốn đóng tàu. Ông Viễn đề nghị nên cho ngư dân thế chấp bằng chính tài sản hình thành từ vốn vay, đồng thời mở rộng đối tượng cho các tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá cũng được tiếp cận nguồn vốn này.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám yêu cầu cấp kinh phí khuyến nông, khuyến công làm các điểm trình diễn để ngư dân học tập, làm theo. Thành lập các tổ đội sản xuất trên biển để ngư dân cùng nhau hỗ trợ khai thác, bảo quản thủy sản tốt hơn. Loại bỏ túi nilon trong bảo quản hải sản, thay thế dần các thiết bị lạc hậu, không còn phù hợp để chuyển sang những thiết bị mới, hiệu quả hơn.

Cùng quan điểm này, ông Cao Minh Viết, Chi cục trưởng Chi cục KT&BVNLTS Bến Tre cho biết, đến nay vẫn chưa có ngư dân nào của tỉnh tiếp cận được nguồn vốn vay này. Vì vậy, cần phải gỡ những “nút thắt” giúp ngư dân tiếp cận được nguồn vốn. Đồng thời cần tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân thiết kế hầm bảo quản như thế nào cho đạt tiêu chuẩn.

Ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội Nghề cá TP Rạch Giá cho biết, muốn vay được vốn ưu đãi thì ngân hàng yêu cầu phải có hóa đơn chứng từ, mua máy móc phải có tỷ lệ nội địa hóa 60% trở lên. Nhưng hiện nay trên thị trường máy móc do Việt nam chế tạo rất hiếm, chất lượng cũng không đảm bảo, rồi khi cần hóa đơn doanh nghiệp lại tăng giá lên 10% nên ngư dân không mặn mà. Về vấn đề tỷ lệ hóa, ông Lâm Hoàng Sa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị nên giảm tỷ lệ nội địa hóa xuống mức 40% là phù hợp.

Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam Nguyễn Việt Thắng cho rằng, để giảm tổn thất trong thu hoạch hải sản thì việc đầu tiên cần làm là đầu tư đổi mới công nghệ. Nên gắn kết các chuỗi sản xuất lại với nhau, các DN chế biến thủy sản đông lạnh, đóng hộp có kho lạnh đạt chuẩn nên giúp ngư dân thiết kế hầm bảo quản để nâng chất lượng hải sản.

Mục tiêu mà Bộ NN-PTNT đặt ra là đến năm 2020 sẽ giảm tổn thất sau thu hoạch hải sản xuống mức dưới 10%. Để làm được vấn đề này, Thứ trưởng Vũ Văn Tám chỉ đạo, trong năm 2012 các địa phương cần tập trung triển khai ngay các quyết định hỗ trợ của Thủ tướng Chính phủ, phổ biến cho ngư dân biết để tiếp cận nguồn vốn. Rà soát các cơ sở sản xuất máy móc, thiết bị đáp ứng được yêu cầu để lập danh sách, kiến nghị lên cấp có thẩm quyền để hỗ trợ theo quy định.

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm