| Hotline: 0983.970.780

Tôn trọng tín ngưỡng nhưng không tiếp tay cho mê tín

Thứ Sáu 11/03/2016 , 13:15 (GMT+7)

Đó là chia sẻ của TS Phạm Xuân Thạch, Trưởng khoa Văn học (Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG Hà Nội) trước những bất cập của lễ hội đầu xuân hiện nay.

phm-xun-thch-1203300388
TS Phạm Xuân Thạch

Các tôn giáo điều chỉnh lẫn nhau

Phần nhiều các ý kiến hiện nay đều phê phán lễ hội ngày nay xô bồ không như ngày xưa…

Trên “Đông Dương tạp chí” cách đây khoảng 100 năm, cụ Nguyễn Văn Vĩnh viết về lễ hội chùa Hương đã cho chúng ta thấy, cũng chen chúc, cũng mê tín dị đoan, cũng thịt thú rừng…

Con trai cụ là nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp viết bài thơ “Chùa Hương” nổi tiếng cũng thể hiện tâm thế rất đặc trưng của người An Nam khi đi hội. Tâm thế của cô gái trong thơ là đi chơi hội, chứ không có tâm thế hành hương.

Vì đi chơi cho nên “quần lĩnh, áo the mới”, rồi vấn tóc đuôi gà, dọc đường đi cô cũng nhấm nháy nhìn người này người kia, rồi cũng biết những anh khóa sinh đang nhìn mình.

Thế thì bản thân tính dân gian, tính cổ truyền của lễ hội đã có những yếu tố xô bồ sẵn của nó rồi, cho nên bây giờ chúng ta đừng nói chuyện xô bồ là sản phẩm của xã hội hiện đại. Nói như thế là cực đoan. Tôi phải nói ngay như vậy. Ngay trong truyền thống, lễ hội đã có xô bồ rồi.

Nhưng câu chuyện ở đây là cần có cơ chế điều chỉnh để lễ hội không xô bồ, thậm chí là “cướp có văn hóa”.

Tôi quan sát văn hóa dân gian qua văn chương. Đọc một cuốn như “Mẫu Thượng ngàn” của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, ta thấy trong cái làng Việt Nam có đủ hết. Có đình thờ thành hoàng của cả làng. Có chùa làng. Có văn chỉ của nhà Nho. Có phủ thờ Mẫu. Chưa kể đền, miếu…

Và trong một gia đình, chuyện này PGS Phan Ngọc đã nói từ những năm 1990 rồi, đã có sự dung hòa tôn giáo. Gia đình nào cũng thờ tổ tiên. Ông bố có thể theo Khổng học, cũng chống lại những chuyện nhảm nhí, cúng bái mê tín dị đoan. Bà mẹ vẫn theo tín ngưỡng thờ mẫu. Cả nhà vẫn đi chùa theo đạo Phật.

Vậy câu chuyện ở đây là gì? Là cơ chế tự điều chỉnh trong làng xã. Ngày xưa lễ hội là của làng xã. Lễ hội của làng xã thì tự làng xã nó có cơ chế điều chỉnh. Nho giáo cũng không thể vì chuyện độc quyền mà lấn át các tôn giáo khác được. Ngược lại, chính nhờ sự hiện diện của Nho giáo mà những tín ngưỡng địa phương cũng không thể đi theo hướng mê tín dị đoan được. Cơ chế điều chỉnh ấy rất quan trọng. Chính các tôn giáo điều chỉnh lẫn nhau. Đấy là điều thứ nhất.

Thứ hai là, ở làng, sức mạnh của hội đồng làng xã rất ghê gớm. Các cụ nói con cháu phải nghe. Đây không phải cụ của riêng họ nào cả, mà hội đồng kỳ mục có hương lý, có tiên chỉ, trong hội đồng ấy có cả những người văn thân, sĩ phu. Người ta có cơ chế để điều chỉnh, để không làm cho lễ hội bị biến tướng thành những chuyện nhảm nhí.

Như ông phân tích thì phải chăng đang mất đi chính cơ cơ chế điều chỉnh ấy?

Đúng thế! Khi đã mất cơ chế điều chỉnh thì những cái gọi là xô bồ mới đi vào. Chỗ này chúng ta phải nói sòng phẳng với nhau.

Xô bồ thứ nhất là gì? Chính các địa phương có tâm lý biến lễ hội thành việc kinh doanh. Xô bồ thứ hai là người dự lễ hội. Trong đám cướp phết đánh nhau ấy, đâu phải chỉ có người dân địa phương, mà còn có cả dân tứ xứ kéo đến. Một anh bạn tôi, làng của anh ấy cách làng tổ chức hội phết Hiền Quan (Phú Thọ) chỉ có một con sông thôi, kể rằng, có phải cả làng đi cướp phết đâu.

Làng người ta cử ra độ 10 thanh niên trai tráng, có lệ có luật. Dân làng chỉ đứng xem. Cướp phết là việc của những người đã được lựa chọn mang tính tượng trưng. Họ cướp phết nhưng không xảy ra đánh nhau vì ở làng còn nhìn mặt nhau chứ. Bây giờ, dân tứ xứ đổ xô về, đánh nhau chảy máu mồm máu mũi như thế.

Đó là vì cơ chế điều chỉnh không còn. Ảnh hưởng ngoại lai bắt đầu tràn vào. Rồi tâm lý tha hóa của văn hóa trỗi dậy. Tôi nghĩ rằng cái gốc câu chuyện của chúng ta ở đây là tâm lý xuống cấp của văn hóa quá lan tràn.

Báo chí định hướng loại bỏ hủ tục lễ hội

Đối diện với những chuyện ấy, chúng ta nên ứng xử ra sao, thưa ông? 

Đây là một thực tế xã hội mà chúng ta phải chấp nhận. Song để ứng xử với nó, tôi thấy có nhiều cách, chẳng hạn như vai trò, trách nhiệm của báo chí. Có báo còn bày cho người ta cách cúng sao giải hạn.

Đem lên báo những chuyện đấy thì làm sao dân chúng người ta không nhìn vào. Chưa kể là cũng qua báo chí chúng ta biết rằng lễ hội đền Trần có những vị đeo biển Ban Tổ chức đi tranh cướp lộc. Trước câu chuyện này, vai trò của báo chí là phải định hướng nhận thức cho xã hội.

Muốn định hướng, đầu tiên phải nhận thức đúng. Nhà báo mà nhận thức nhảm nhí rồi lại tuyên truyền tiếp, lan tỏa tiếp những cái nhảm nhí thì làm gì lễ hội chả xuống cấp. Báo chí phải giúp cho người dân, cũng như lãnh đạo phải giúp cho người dân nhìn thấy phương diện hủ tục lạc hậu của lễ hội để tự người dân loại bỏ dần.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất