| Hotline: 0983.970.780

Tổng giám đốc Nafoods Group: “Không nên đánh thuế nông sản ở thời điểm này”

Chủ Nhật 27/09/2020 , 06:36 (GMT+7)

Lãnh đạo một trong những doanh nghiệp chanh leo lớn nhất Việt Nam cho rằng trong bối cảnh Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề, không nên đánh thuế nông sản.

Nhân viên tại vườn ươm của Nafoods Group. Ảnh: Tùng Đinh.

Nhân viên tại vườn ươm của Nafoods Group. Ảnh: Tùng Đinh.

Đưa thuế nông sản về 0%

“Hàng chục nghìn doanh nghiệp đã phá sản, đa phần do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, đó là con số do cơ quan chức năng công bố. Bản thân doanh nghiệp nông sản, nông dân cũng đang bị tác động tiêu cực từ Covid-19. Do đó, tôi nghĩ giai đoạn này, điều cần nhất là không đánh thuế giá trị gia tăng với hàng nông sản”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Cty Cổ phần Nafoods Group, cho biết.

Một hướng tháo gỡ khó khăn khác cho doanh nghiệp nông sản nói riêng, và các doanh nghiệp nói chung, là hỗ trợ 50% thuế, dựa trên số thuế đã nộp năm 2019, theo ông Hùng. Lãnh đạo Nafoods Group cho rằng cách làm này công khai, minh bạch, bởi dựa trên số liệu thuế mà doanh nghiệp đã nộp cho Nhà nước. “Ví dụ năm ngoái Cty A nộp thuế 3 tỷ, thì năm nay hỗ trợ họ 1,5 tỷ bằng tiền mặt, hoặc giảm thuế với mức tương đương 1,5 tỷ”, ông Hùng nói.

Ông Hùng nhận xét rằng việc chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp có số vốn dưới 200 tỷ là điều “chưa thực sự hợp lý”, bởi các doanh nghiệp mạnh có tác dụng như đầu máy của đoàn tàu, đầu máy càng khỏe thì các toa tàu chạy càng nhanh.

Đề cập tới hướng xử lý của Nafoods trong bối cảnh hiện tại, ông Hùng cho biết Nafoods chủ động tiết kiệm chi phí toàn diện nhưng vẫn đảm bảo hoạt động hiệu quả. Cụ thể áp dụng các biện pháp nâng cao chất lượng nhân lực, nâng cao chất lượng quản trị hoạt độn sản xuất kinh doanh, tuân thủ đúng các cam kết, quy trình, quy định đối ngoại (với khách hàng, nhà cung cấp đầu vào…), đối nội, quản lý chặt chẽ dòng tiền, thận trọng trong đầu tư, phát triển, hạn chế rủi ro để đảm bảo an toàn, ổn định vượt qua gia đoạn khó khăn chung.

Bên cạnh đó, Nafoods thực hiện số hóa toàn diện các công đoạn thuộc chuỗi giá trị nông nghiệp mà Nafoods đang theo đuổi để cân bằng tình hình hoạt động, ổn định mối quan hệ với đối tác, khách hàng, nhà đầu tư, người lao động.

Hiện tại thị trường Châu Âu chiếm 60% tổng thị trường của Nafoods, tuy nhiên đang có xu hướng giảm. Thị trường Mỹ, Nga và các quốc gia nói tiếng Nga có xu hướng tăng.

Nafoods cũng đang quan tâm phát triển thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Từ đầu năm 2019, Nafoods mạnh dạn đầu tư và khai trương các cửa hàng Nafoods tại TP Hồ Chí Minh, từ đây Nafoods chính thức thử nghiệm bán lẻ thương mại điện tử tại thị trường nội địa. Sau nhiều tháng giới thiệu sản phẩm, tích cực thăm dò phản ứng khách hàng, Nafoods nhận thấy đây là một thị trường rất tiềm năng.

Chuỗi giá trị nông nghiệp

Để doanh nghiệp nông sản thành công trong hiện tại cũng như tạo đà bứt phá, ông Hùng cho rằng cần xây dựng rõ triết lý kinh doanh và chuỗi giá trị.

“Triết lý kinh doanh của chúng tôi dựa trên quan hệ Nhân – Quả. Phần Nhân được xác định dựa trên các giá trị chính gồm: Sự chuyên nghiệp; tính tuân thủ, cam kết và kỷ luật; không ngừng học hỏi, chia sẻ. Khi đã có cái Nhân này thì chắc chắn gặt Quả ngọt”, ông Hùng nói.

Về chuỗi giá trị, ông Hùng cho biết trong giai đoạn trước năm 2019, Nafoods đã có nhiều tổ hợp dự án thành công và các nhà  máy đã đi vào hoạt động ổn định, đóng góp doanh số vào doanh thu.

Thời điểm đầu năm 2020, Nafoods đã một lần nữa triển khai phát triển thành công dự án chuỗi giá trị nông nghiệp tại Tây Nguyên. Trong năm, Công ty tập trung triển khai thực hiện dự án “Đầu tư xây dựng Khu nông nghiệp công nghệ cao; đầu tư xây dựng nhà máy tách, phân loại, đóng gói và bảo quản hoa quả xuất khẩu; đầu tư viện nghiên cứu giống cây trồng công nghệ cao” với tổng diện  tích 10ha tại xã An Phú, Pleiku, Gia Lai. Dự án do Công ty Cổ phần Nafoods Tây Nguyên – công ty con của Nafoods Group - làm chủ đầu tư với mục tiêu nâng công suất vườn ươm giống của Nafoods, đóng vai trò trạm trung chuyển giống, giảm thiểu chi phí vận chuyển  trong kinh doanh giống của Công ty và tạo tiền đề để xuất khẩu hoa quả tươi.

Tổng vốn đầu tư của dự án hơn 150 tỷ đồng, hiện đã hoàn thành và đi vào hoạt động giai đoạn 1 gồm  Khu nông nghiệp công nghệ cao và Viện nghiên cứu giống cây trồng. Giai đoạn 2 và giai đoạn 3 dự kiến triển khai trong quý 4/2020 và năm 2021.

Viện nghiên cứu sẽ được đầu tư đồng bộ với hệ thống nhà kính dùng công nghệ của Israel bao gồm nhà ươm trồng, nhà ghép, nhà thích nghi và khu nghiên cứu, phát triển các  loại giống cây trồng. Dự kiến, giai đoạn 1 sẽ thực hiện nghiên cứu, sản xuất giống cây chanh leo chất lượng cao với công suất 2 triệu cây/năm. Giai đoạn 2, sẽ nghiên cứu các  giống cây chất lượng cao phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của vùng Tây Nguyên  như cây hồ tiêu, bơ, sầu riêng…

Ngoài ra, Nafoods đang tập trung xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao. Đây là khu trồng mô hình chanh leo chất lượng cao, Công ty sẽ sử dụng đồng bộ các thiết bị để trồng, chăm sóc và thu hái tại mô hình này như hệ thống tưới nước, bón  phân… Dự kiến năng suất đạt từ 80 tấn/ha trở lên. 

Để đảm bảo chuỗi giá trị hoàn chỉnh, Nafoods cho biết đơn vị này có kế hoạch xây dựng nhà máy tách, phân loại, đóng gói, bảo quản hoa quả xuất khẩu. Đây là nơi phân loại, đóng gói, bảo quản các sản phẩm gồm dịch chanh leo, các loại hoa quả dùng để xuất khẩu như chanh leo, mãng cầu xiêm, xoài... Trong đó, các loại trái cây và dịch chanh leo chất lượng cao sẽ được các đơn vị thành viên của hệ thống Nafoods xuất khẩu trực tiếp, các loại sản phẩm khác sẽ được vận chuyển về nhà máy tại Long An và Nghệ An để chế biến các sản phẩm khác như chanh leo cô đặc… Xưởng múc dịch được đặt vị trí riêng trong nhà máy để tiện cho công tác sơ chế ban đầu và nhà máy sẽ được đầu tư đồng bộ hệ thống, dây chuyền máy móc thiết bị tự động hóa theo công nghệ mới nhất của Israel, dự kiến nhà máy có công suất 5.000 tấn sản phẩm/năm. Các sản phẩm có thể được bảo quản từ 4 đến 6 tháng mà không làm thay đổi hình thức và giảm chất lượng của sản phẩm.

Tính đến 2020, Nafoods đang phân phối hàng cho trên 1.000 khách hàng chất lượng, tại 69 quốc gia của 6 châu lục trên thế giới. Cụ thể:

- Châu Âu: Nga, Hà Lan, Thuỵ Sỹ, Đức, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Thuỵ Điển, Bỉ, Đan Mạch, Ý, Belarus, Nga, Lithuania, Latvia, Slovakia, Serbia, Croatia, Áo.

- Châu Mỹ: Hoa Kỳ, Canada, Puerto Rico, Jamaica, Brazil, Mexico, Nicaragua,  Bolivia, Dominica.

-  Châu Úc: Úc, New Zealand.

-  Châu Á: Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Sri  Lanka, Đài Loan, Singapore, Ấn Độ, Kazakhstan, Pakistan, Phillippines.

-  Châu Phi: Nam Phi, Angeria, Senegal, Kenya, Nigeria, Camaroon, Ghana,  Uganda.

-  Trung Đông: Ai Cập, Iran, Iraq, Israel, Jordan, Kuwait, Liban, Palestine, Oman,  Qatar, Ả Rập Saudi, Sudan, Syria, Các Tiểu Vương quốc ẢRập Thống nhất, Yemen,  Bahrain.

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.