| Hotline: 0983.970.780

Tổng kết mô hình thí điểm NTM: Tiếp tục hoàn thiện để nhân rộng

Thứ Hai 16/01/2012 , 10:42 (GMT+7)

Ngày 13/1, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng thí điểm mô hình NTM đã họp tổng kết 3 năm triển khai mô hình thí điểm tại 11 xã điểm NTM trong cả nước.

Ngày 13/1, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng thí điểm mô hình NTM đã họp tổng kết 3 năm triển khai mô hình thí điểm tại 11 xã điểm NTM trong cả nước. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình thí điểm mô hình NTM Trung ương, chủ trì hội nghị. 

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Cao Đức Phát nhận định sau 3 năm thực hiện tại 11 xã chỉ đạo điểm, Chương trình xây dựng NTM đã đạt được kết quả khả quan. Cơ sở hạ tầng tại các xã điểm đều được cải tạo với khoảng 80% đường nông thôn được làm mới; 60% đường ngõ xóm được cứng hóa. Về thủy lợi, đã có hơn 100 công trình thủy lợi được nâng cấp làm mới. Tỉ lệ hộ dùng điện được nâng lên 99%. Hầu hết các xã đều phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương và yêu cầu của thị trường để chọn cây trồng, vật nuôi và ngành nghề phù hợp, tăng thu nhập người dân lên 60%. Bên cạnh đó, các tiêu chí về văn hóa xã hội, môi trường cảnh quan cũng được triển khai hiệu quả.

 Trong 3 năm, các xã đã cử được gần 50 cán bộ đi học trung cấp, 25 cán bộ đi học đại học tại chức. 11 Đảng bộ xã làm điểm đều đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh, chính quyền được công nhận vững mạnh, các đoàn thể đều đạt danh hiệu tiên tiến. Tổng số vốn đã huy động cho triển khai chương trình của 11 xã được khoảng 2.523 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước chiếm 31%. Quá trình triển khai, người dân các xã đã tự đóng góp tiền, công sức, đất, vật liệu… để xây dựng các công trình công cộng.

Tuy kết quả đạt được ở mỗi xã khác nhau nhưng đến nay cơ bản đã hình thành được mô hình thực tiễn theo Bộ tiêu chí quốc gia NTM. Nhiều xã trở thành điểm đến tham quan học tập nghiên cứu của cán bộ, nhân dân cả nước. Đến nay hầu như các xã đều đang tìm cách xây dựng các mô hình và giải pháp nhằm phát huy lợi thế kinh tế của địa phương mình thông qua chọn cây trồng, vật nuôi và ngành nghề phù hợp để phát triển theo hướng đầu tư thâm canh, áp dụng công nghệ hiện đại để chuyển sang sản xuất hàng hóa.

Đặc biệt, nhiều xã còn thu hút được doanh nghiệp đầu tư ngay trên địa bàn, tạo nhiều việc làm cho bà con, tổ chức liên kết với các đơn vị khoa học, cơ sở chế biến để lo đầu ra ổn định cho sản phẩm, giúp người dân có lợi nhuận.

Qua thực tế đã xuất hiện ra nhiều mô hình, cách làm hay. Nếu ở xã Mỹ Long Nam (Trà Vinh) khai thác lợi thế nuôi trồng thủy sản của mình, vận động người dân nuôi tôm, nghêu đạt giá trị hơn 2 tỷ đồng/ha thì ở xã Tân Hội (Lâm Đồng) lại đẩy mạnh trồng và tiêu thụ hoa, rau, cà phê... Còn xã Tân Thịnh (Bắc Giang) liên kết với Tổng Cty Thuốc lá Việt Nam để giúp bà con trồng và sơ chế lá thuốc lá xuất khẩu; xã Gia Phố (Hà Tĩnh) hỗ trợ 1.000 hộ dân cải tạo vườn tạp chuyển sang trồng bưởi đặc sản Phúc Trạch, xã Thụy Hương (Hà Nội) và Tân Thông Hội (TP HCM) thu hút doanh nghiệp đầu tư vào trồng rau sạch để xây dựng mô hình “nông nghiệp đô thị”, cung cấp rau xanh, hoa tươi cho khu vực nội thành.

Từ thực tiễn triển khai thí điểm tại 11 xã, khi đóng góp ‎ý kiến tham luận, các đại biểu cũng chỉ rõ những hạn chế trong quá trình thực hiện, cần được khắc phục kịp thời, đó là: Một số kết quả về cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện; kết quả về sản xuất, thu nhập, văn hóa, môi trường còn chưa thật vững chắc. Sản xuất tại các địa phương vẫn là quy mô nhỏ, lao động nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn. Đời sống nhân dân được nâng lên nhưng vẫn nhiều khó khăn, nếu không được tiếp tục đầu tư, củng cố nâng cấp thì mô hình đạt được còn chưa hoàn chỉnh, khó bền vững...

Các đại biểu cho rằng, để chương trình triển khai được hiệu quả, cần làm tốt công tác tuyên truyền, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở cũng như những cách làm sáng tạo, đa dạng hóa việc huy động nguồn lực để xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là huy động hệ thống chính trị tham gia... 

Tiếp tục hoàn thiện mô hình  

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: Xây dựng NTM là một chủ trương lớn của Đảng, được đề ra trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm tạo ra sự phát triển, thay đổi căn bản, rút ngắn khoảng cách phát triển thành thị, nông thôn trong 20 năm qua. Qua 3 năm thực hiện, Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo các Tỉnh ủy, Thành ủy, Ban quản lý các xã điểm với ý thức trách nhiệm cao đã hoạt động năng động sáng tạo với sự tham gia tích cực của các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương, đặc biệt là của hệ thống chính trị và nhân dân các xã điểm, do đó đã cơ bản đạt được mục tiêu Chương trình đề ra. 

Ban đầu hầu hết các địa phương còn lúng túng, sau khi được hướng dẫn chỉ đạo, việc thực hiện dần đi vào nề nếp và ngày càng có kết quả tốt hơn. Về cơ bản chương trình đạt được mục tiêu do Ban Bí thư đề ra, hình thành bước đầu được mô hình NTM. Trên thực tế 9/11 xã cơ bản hình thành được 9/19 tiêu chí. Qua thí điểm, các địa phương đã rút được kinh nghiệm về phương pháp, cách làm, cơ chế, chính sách và khảo nghiệm bộ tiêu chí NTM để triển khai ra diện rộng khi được yêu cầu. 

Đã có 6/11 xã đạt tiêu chí thu nhập

So với năm 2008, thu nhập người dân ở các xã đã tăng bình quân khoảng 62,6%. Có 6 xã đạt tiêu chí thu nhập gồm: Tân Thịnh (Bắc Giang), Gia Phố (Hà Tĩnh), Tam Phước (Quảng Nam), Tân Hội (Lâm Đồng), Tân Thông Hội (TPHCM) trong đó thu nhập bình quân ở Mỹ Long Nam (Trà Vinh) tăng gấp 2 lần. 5 xã còn lại tuy chưa đạt tiêu chí có thu nhập gấp 1,4- 1,5 lần thu nhập của vùng nhưng nhìn chung thu nhập đều tăng cao. Xã tăng thấp nhất là Thanh Chăn (Điện Biên) khoảng 30%.

Về những điểm hạn chế, Chủ tịch nước nêu rõ: Mô hình tuy đã hình thành nhưng một số nội dung còn chưa hoàn chỉnh, chưa bền vững. Một số nội dung trong Chương trình triển khai còn chậm, việc phát huy vai trò làm chủ của nhân dân địa phương tham gia còn chưa được quy chế hóa. Vì vậy, sau Hội nghị, các Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc TƯ cần tiếp tục chỉ đạo để hoàn thiện mô hình NTM ở các xã điểm để hoàn chỉnh mô hình.

Từ kết quả thí điểm, các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn việc thực hiện tiêu chí, nghiên cứu để chuẩn bị, điều chỉnh bổ sung một số tiêu chí NTM cho phù hợp với thực tiễn các vùng, địa phương, hoàn thiện cơ chế chính sách và thể chế, hướng dẫn về phương pháp, cách làm giúp Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia nhân ra diện rộng.

Vấn đề cần rút ra sau 3 năm thực hiện chương trình NTM là cần tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ xây dựng NTM là chương trình phát triển toàn diện kinh tế, không phải là dự án đầu tư cơ sở hạ tầng. Mỗi địa phương cần có cách làm phù hợp, sáng tạo, không trông chờ ỷ lại nhưng không nóng vội chạy theo thành tích. 

Tại Hội nghị, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng thí điểm mô hình NTM Trung ương đã trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 10 tập thể, 14 cá nhân xuất sắc.

+ Tránh rập khuôn máy móc

Xây dựng NTM phải dựa theo Bộ tiêu chí Quốc gia để định hướng hành động tuy nhiên mỗi địa phương phải căn cứ đặc điểm, lợi thế và nhu cầu thiết thực của người dân để lựa chọn nội dung nào làm trước, làm sau và phân bổ nguồn lực đến đâu cho phù hợp. Ví dụ: xã Thanh Chăn cần phát triển hạ tầng thiết yếu như giao thông, điện, nước sạch… nhưng Mỹ Long Nam lại cần tập trung phát triển kinh tế nâng cao thu nhập rồi mới từng bước phát triển hạ tầng. Do đó, bài học kinh nghiệm là mỗi địa phương phải xác định nhu cầu thiết thực và phải được tạo điều kiện tự chủ.

+ Đa dạng hóa nguồn lực

Khi triển khai xây dựng NTM các xã đều thiếu vốn và chưa có kinh nghiệm huy động nguồn lực. Số vốn từ ngân sách TƯ bố trí cho các xã điểm lúc đầu chiếm 11,9% (300 tỉ đồng) nhưng đã thúc đẩy ngân sách địa phương tham gia và huy động sự tham gia của vốn ngoài ngân sách tới 68,5%. Việc huy động nguồn lực trong dân được thực hiện theo nhiều hình thức: đóng góp công lao động trực tiếp, đóng góp tiền của vào công trình cộng đồng; thu hút đầu tư, hợp tác với các doanh nghiệp.

Để thu hút nguồn lực vào các công trình công cộng nhất thiết người dân phải được tham gia bàn bạc, có giám sát cộng đồng đảm bảo công khai minh bạch. Hiện trong chương trình thí điểm còn chưa huy động được vốn ODA vì vậy trong những năm tới các Bộ, ngành cần đề xuất với Chính phủ cơ chế, chính sách để huy động thêm nguồn vốn này.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất