Chuyến đi cứu vãn tình thế
Cách hành xử có phần mất kiểm soát của ông Trump xuất hiện dồn dập khi các kết quả thăm dò liên tục cập nhật cho thấy, ông luôn xếp sau ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden về các chỉ số cạnh tranh tại các bang chiến trường quan trọng, khi cuộc bầu cử chỉ còn khoảng hai tuần lễ nữa.
Trong chiến dịch vận động tranh cử ngày thứ ba ở các bang “dao động” phía tây nước Mỹ, ông Donald Trump tiếp tục phải đối mặt với nhiều áp lực lớn nhằm xoay chuyển cục diện.
Các chuyên gia nhận định, tổng thống sắp mãn nhiệm chỉ còn đặt hy vọng vào khả năng gây “đột biến phút chót”, giống như những gì đã mang lại cho ông chiến thắng cách nay bốn năm. Tuy nhiên chính những thông điệp không nhất quán của ông về số ca lây nhiễm coronavirus hay các lời cáo buộc mang tính tấn công cá nhân nhằm vào tiến sĩ Anthony Fauci và vặc lại báo chí có thể làm suy yếu những nỗ lực cuối cùng của ông nhằm kêu gọi các cử tri vốn ở bên ngoài tầm kiểm soát.
“Tôi chẳng sợ gì và tôi đang cảm thấy rất hài lòng vì tôi đã làm rất tốt công việc”, Tổng thống Trump nói với các phóng viên trước khi lên đường đến Tucson, bang Arizona cho chiến dịch tranh cử xoay tua thứ năm trong vòng ba ngày.
Chuyến đi xông xáo của ông Trump lần này được cho là thận trọng nhiều hơn ở các bang mà ông đã giành được thắng lợi bốn năm trước, mặc dù tổng thống khẳng định ông hoàn toàn tự tin khi thực hiện một lịch trình dày đặc, bất chấp đại dịch.
“Chúng tôi sẽ giành chiến thắng và đang ở trong trạng thái tốt nhất từng có,” ông Trump nói với đội ngũ của mình, mặc dù thừa nhận “sẽ không thể thốt ra điều này” cách nay hai hoặc ba tuần trước, đề cập đến sự cố ông phải nhập viện vì dính Covid-19.
Giới chuyên gia cho rằng, việc ông Trump “lên dây cót” nhằm vực dậy tinh thần cho đội ngũ tranh cử của mình trong bối cảnh ngày càng gia tăng những mối lo ngại rằng ông sắp hết thời gian để có thể giành lại những gì đã mất. Việc ông Trump chỉ trích cả giới chuyên gia khoa học của chính phủ là quá tiêu cực, nhất là khi cung cách đối phó và xử lý đại dịch đã khiến gần 220.000 người Mỹ phải mất mạng thì nó vẫn là vấn đề trọng tâm của cử tri.
Tấn công bừa bãi
"Mọi người đều đã mệt mỏi vì nghe ông Fauci và tất cả những gã ngốc đã phạm sai lầm này. Nếu Nhà Trắng nghe lời Fauci, nước Mỹ có thể đã ghi nhận hơn 500.000 người chết. Mỗi khi ông ấy lên truyền hình là có một quả bom xuất hiện. Nhưng có một quả bom lớn hơn nếu sa thải ông ta. Fauci là một thảm họa", Tổng thống Trump nói trong cuộc điện thoại với nhân viên chiến dịch tranh cử hôm 19/10.
Trước đó, tại một cuộc tuần hành tranh cử ở Prescott, bang Arizona, ông Trump cũng đã tranh thủ ra đòn tấn công đối thủ Joe Biden vì “đã cam kết tuân theo lời khuyên của các chuyên gia khoa học, khi nói rằng muốn lắng nghe tiến sĩ Fauci”. Hôm đầu tuần này, phát biểu trên truyền hình, ứng viên Joe Biden đã ca ngợi ông Fauci và chỉ trích ông Trump "liều lĩnh và cẩu thả" khi không chịu đeo khẩu trang nơi đông người và "khiến nhiều người có nguy cơ rủi ro”.
Trong khi đó, tiến sĩ Anthony Fauci là vị chuyên gia nổi tiếng được cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều tôn trọng nên việc ông Trump bác bỏ lời khuyên khoa học về đại dịch cũng đã khiến lưỡng đảng lên án gay gắt.
Trong chiến dịch tranh cử lần này của mình, ông Trump cũng gia tăng các cuộc tấn công nhắm vào giới báo chí như các hãng truyền thông NBC, CNN, CBS vì đã tích cực đưa tin tức về đại dịch đang lây nhiễm cho hàng chục nghìn người Mỹ mỗi ngày.
Theo các nhà phân tích, những lo ngại về khả năng ông Trump tiếp tục mất điểm trước ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden đã xuất hiện dày đặc trong những ngày gần đây, phản ánh một viễn cảnh ông có thể thua trong cuộc chạy đua tái cử vào Nhà Trắng vào ngày 3/11 tới.
Điều này còn thể hiện ngay cả ở chính ông Trump đã có lúc xen giữa hoài nghi và tức giận trước ý tưởng rằng ông có thể bị đánh bại trước ứng cử viên đảng Dân chủ, người mà ông vẫn coi là không đủ năng lực.