| Hotline: 0983.970.780

"Tổng tư lệnh" của Hoành Vinh

Thứ Hai 27/09/2010 , 10:42 (GMT+7)

Tôi gặp trưởng thôn Võ Doãn Dực (thôn Hoành Vinh, An Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) trong một tình huống khá gay cấn...

Cán bộ thôn Hoành Vinh kiểm tra hệ thống đê điều trước mùa mưa lũ

Tôi gặp trưởng thôn Võ Doãn Dực trong một tình huống khá gay cấn. Số là ông đã “lệnh” cho lực lượng dân quân thôn lùa hết cả đàn vịt mấy ngàn con trên đồng về nhốt: "Cứ nhốt hết, trách nhiệm đâu tôi chịu”. Như vậy là “ngăn cản” việc phát triển chăn nuôi, chống lại chủ trương của trên? Ông phản pháo: “Phát triển chăn nuôi cũng phải theo quy trình, quy định chớ, không phải muốn làm gì cũng được. Vậy lợi ích của nông dân ai bảo vệ đây?"

Số là, cánh đồng làng Hoành Vinh (thôn Hoành Vinh, An Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) rộng đến mấy trăm ha. Trên đó, người dân đầu tư be bờ, đê bao... Sau mỗi vụ mùa, cánh đồng lạc túc (cách gọi của người dân địa phương, có nghĩa là cách đồng vừa thu hoạch xong, hạt thóc còn rơi vãi, cá tôm nhiều...) này là nơi lý tưởng cho cánh nuôi vịt chạy đồng. Họ chỉ hợp đồng với xã trả tiền cho xã và cho vịt tràn xuống ruộng. Ông Dực không chịu, ông lý giải: đồng lạc túc nên mang lại hiệu quả sau thu hoạch cho dân chớ. Những đồng tiền thu được từ bán đồng lạc túc phải trả cho dân để lấy đó làm kinh phí kiến thiết đồng ruộng... Chứ không thể rơi vào túi ai được. Ruốt cuộc sau lần đó, ông được tín nhiệm dân bầu làm trưởng thôn liên tục 10 năm nay.

Cánh đồng ruộng Hoành Vinh rộng gần 365 ha, bây giờ có cả hệ thống đê bao, 21 tuyến đê ngang, dọc với tổng cộng có gần 50 km đê được đắp rộng từ 4-6m. Khoản đầu tư này do đâu - Dân góp tất. Mỗi năm, Hoành Vinh bỏ gần 1 tỷ đồng cho hệ thống đê. Qua 10 năm, gần 10 tỷ đồng đổ xuống nên bây giờ mới được đường ngang, đường dọc ô tô, máy cày cứ chạy rần rần trên đó. Sau này, Hoành Vinh được dự án hỗ trợ làm 2 tuyến đê nhưng cũng “chồng” lên con đê mà người dân đã đầu tư trước đó. Nhắc lại chuyện cũ này, ông Dực cứ thắc mắc: nhẽ ra tiền dự án đầu tư 2 tuyến mương này phải được hoàn trả cho dân chứ...

Hết kiến thiết ruộng đồng, ông Dực lại quay sang hướng người dân Hoành Vinh bê tông hóa đường giao thông nông thôn. Họp dân, ông nói: “Ai cũng có quyền đấu thầu làm và ai cũng có quyền giám sát. Chung quy là trách nhiệm và chất lượng phải treo lên trước mắt. Xong...”. Ưu tiên việc làm cho con em trong thôn. Cánh thợ đổ bê tông cứ phải “lạnh gáy” không dám làm ẩu vì lúc nào cũng có “kỹ thuật viên” của thôn giám sát kè kè. Đường làm xong, hết thời hạn bảo dưỡng là ông trưởng thôn đã cho phát lệnh ô tô chạy rầm rầm. Hỏi những nơi khác làm đường bê tông làm làm sào chắn cấm ô tô chạy vào. Ông cười kha kha rồi nói lớn: “Làm đường bê tông là tăng sức vận tải, nhẹ vai cho người dân chứ làm xong mà như ngăn sông cấm chợ vậy thì làm để ngắm à. Đó, cả làng có trên 20 xe tải cứ chạy chở hàng vun ben mấy năm nay rồi mà có đoạn đường nào lún, vỡ đâu. Có vậy mới là dân chủ cơ sở chớ...”.

- Ở cấp thôn thì lấy tiền ở đâu ra mà nói chuyện cứ như mở hòm là lấy tiền tươi vậy?, tôi thắc mắc.

Ông trưởng thôn nhòm ra đường một lát rồi thủng thỉnh: “Ở mô cũng có thể làm ra đồng tiền sinh lợi. Này nhé tôi thử tạm tính với chú: Mỗi năm thôn bán 2 lần cánh đồng lạc túc, vậy là một năm thu ở đó cũng vài trăm triệu đồng. Khi triển khai đê bao hoàn chỉnh rồi thì đưa vào quy hoạch mô hình lúa cá. Lại tổ chức đấu thầu hàng năm. Ưu tiên người dân trong thôn trước, sau mới đến người ngoài. Hơn trăm ha vùng lúa cá thêm được mấy trăm nữa... Đó, tiền đó. Biết cách làm là trên đồng ruộng hết. Tiền đó đầu tư vô kiến thiết, hỗ trợ dân sinh...

Rồi tôi được nghe ông kể cách xây dựng chợ. Thôn Hoành Vinh có gần 750 hộ, cần chợ lắm. Ông họp thôn đưa ra quy hoạch rồi lên xã xin đất đầu làng. Xã e ngại lấy kinh phí đâu ra mà xây dựng. Ông nói không phải lo. Được đất rồi, ông kêu gọi con em trong thôn có kinh tế khá giả đầu tư bằng cách đấu thầu xây dựng, đấu thầu vị trí bán hàng, ki ốt bán tạp hóa... Chốt lại, toàn bộ khu mặt bằng, cổng, tường rào, mái đình chợ...Tất tần tật được làm mới tươi. Dân có chợ sướng, vui vì khỏi đi xa. Mà có chợ ắt sinh lời... Khoản tiền thu từ chợ đưa vào xây dựng không hết, ông bàn cụ thể tại hội nghị của thôn và nhất trí đầu tư làm con đường rộng đi vào khu nghĩa địa của thôn. Ai cũng đồng tình. Việc trên dương, dưới âm đều trọn.

Hỏi ông vậy 10 năm liên tục làm trưởng thôn có sai phạm gì không? Ông cười lớn: sai thì có, phạm thì chưa. Ví như dân cũng nhắc tui rằng tính nóng và hay quyết đoán. Nóng thì đúng rồi, quyết đoán cũng không sai. Nhưng nói thật với chú không nóng, không quyết đoán là không làm được. Nóng vì việc công, quyết đoán vì lợi ích tập thể thì dân cũng sẵn sàng bỏ qua cho anh. Nói thì vậy chớ cũng phải nghĩ lại, dân phản ánh là có hết, chỉ sợ cán bộ không nhận ra thôi. Việc cốt lõi nữa là mỗi năm tôi chi tiêu cả tỷ bạc nhưng phải rạch ròi, công khai, minh bạch thì đó là tiêu chí của người dân mong ở mỗi ông cán bộ rồi...
“Làm chi cũng phải bàn bạc với dân hết. Bàn nhưng cái hướng bàn của mình là phải đúng chứ không thể có cái kiểu bàn tới bàn lui, bàn lung tung là không kết luận được, không thực hiện được...”, ông thổ lộ. Cái hồi bàn việc đưa nếp sống mới vô thôn cũng khó đó. Chuyện ma chay ở nông thôn tâm lý ai cũng muốn ráng làm to một tý chơ nở mặt bố mẹ. Ông đi đến các cụ cao niên vận dộng bỏ phần thủ tục nhiêu khê, tốn kém cho con cháu. Nói, vận động mãi rồi các cụ nghe ra và đồng tình. Lại họp thôn lấy ý kiến, được nghe các cụ cao niên “dặn dò”, đám con cháu vỗ tay rần rần nghe theo. Vậy là từ đó, thôn Hoành Vinh không còn cảnh ma chay ăn uống tốn kém nữa. Cứ mỗi gia đình khi có người mất, thôn hỗ trợ 600 ngàn đồng và gia đình lo thêm 500 ngàn đồng để chi phí cho việc đưa tang gọn gàng mà vẫn thắm đượm tình làng nghĩa xóm.

Làm trưởng thôn cũng phải để mắt tới người kế cận có đủ năng lực mà gánh vác việc công. Ông lại đề xuất thôn chọn con em có sức, nhiệt tình cho đi học chuyên nghiệp để mai bữa về làm việc làng. Bây giờ giúp việc cho trưởng thôn còn có hai ông phó thôn và bốn ông cụm trưởng dân cư và mỗi cụm dân cư có sáu tổ trưởng tổ dân tự quản. Phụ cấp phó thôn và cụm trường do dân góp trả cho. Ông nào cũng có "a lô" cầm tay do dân mua cho để tiện việc điều hành công việc chung.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.