| Hotline: 0983.970.780

TP HCM, Hà Nội phải đi đầu an toàn thực phẩm

Thứ Tư 28/01/2015 , 09:43 (GMT+7)

Ngày 27/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì  hội nghị bàn về vấn đề đảm bảo ATTP cho TP.HCM. 

Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Bộ KH-CN, đại diện các bộ, ngành có liên quan và UBND TP.HCM.

18-01-34_nh-1-tp-hcm-n-ton-thuc-phm
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị

Nhiều kết quả tốt

Theo ông Lê Thanh Liêm, PCT UBND TP.HCM, trong năm qua, TP đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận trong công tác đảm bảo ATTP.

Về sản xuất rau trên địa bàn, đến nay, TP đã cấp 11.176 giấy Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; 583 tổ chức, cá nhân được chứng nhận VietGAP. Về chăn nuôi, đã có 70 cơ sở an toàn dịch bệnh (47 cơ sở chăn nuôi heo, 15 bò sữa, 8 gia cầm).

Trong đó có 8 cơ sở đã được cấp chứng nhận VietGAP, mỗi tháng cung ứng cho thị trường khoảng 4.000 con heo thịt.

Dự án LIFSAP đã lựa chọn và hỗ trợ 9 xã tại 2 huyện Củ Chi và Hóc Môn với 40 nhóm và 848 hộ tham gia để phát triển vùng GAP. Qua đó đã cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 414 hộ chăn nuôi đạt yêu cầu, với tổng đàn khoảng 38.000 con. Vùng nuôi tôm Nhà Bè, Cần Giờ có 252 cơ sở nuôi tôm đã xây dựng mô hình nuôi thủy sản đảm bảo ATTP, với tổng diện tích trên 373 ha.

Tuy nhiên, do sản xuất nông nghiệp trên địa bàn chỉ đáp ứng chưa tới 1/3 nhu cầu tiêu dùng của người dân, nên TP.HCM đã tiếp tục đẩy mạnh liên kết, phối hợp với các tỉnh lân cận trong việc kiểm soát nông sản, thực phẩm đưa vào TP.

Đến nay, TP và các tỉnh đã phối hợp kiểm soát khoảng 71.500 tấn rau quả/tháng (69% nhu cầu của TP/tháng), trong đó Lâm Đồng chiếm 40%; khoảng 13.600 tấn thịt heo/tháng (78,8%), Đồng Nai chiếm 30%; 4.976 tấn thịt gà (86,5%); 76,9 triệu quả trứng gia cầm/tháng (71,1%); 16.721 tấn thủy sản/tháng (75,3%).

Ngoài ra, TP cũng đã tổ chức được hàng chục chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn.

Cụ thể: Chuỗi sản phẩm rau muống hạt với 7 cơ sở tham gia, đạt sản lượng 2.304 tấn; chuỗi sản phẩm dưa leo với 11 cơ sở, sản lượng 7.560 tấn; chuỗi sản phẩm khổ qua với 7 cơ sở, sản lượng 5.360 tấn; chuỗi sản phẩm bắp cải với 6 cơ sở, sản lượng 4.705 tấn; chuỗi cà rốt với 3 cơ sở, đạt 1.750 tấn;

Chuỗi cà chua với 9 cơ sở, đạt 7.374 tấn; chuỗi trà với 1 cơ sở, đạt 600 tấn; chuỗi trứng gà với 6 cơ sở, sản lượng 435.000 quả/ngày; chuỗi thịt gà với 3 cơ sở, 20.000 con/ngày; chuỗi thịt heo với 2 cơ sở, 335 con/ngày; chuỗi sản phẩm cá viên của Cty CP Chế biến hàng XK Cầu Tre đạt 55 tấn/năm;

Chuỗi cá điêu hồng của Cty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn 120 tấn/năm; chuỗi tôm chân trắng với 3 cơ sở, 90 tấn/năm.

Bên cạnh đó, TP.HCM đã xây dựng, hoàn chỉnh Đề cương Dự án mô hình chợ bảo đảm ATTP và được UBND TP phê duyệt. Dự án đã được triển khai thí điểm tại 2 chợ điển hình là Bến Thành và Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn.

Các tiêu chí đảm bảo ATTP của mô hình, cụ thể: nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, điều kiện cơ sở vật chất, tập huấn kiến thức ATTP, khám sức khỏe định kỳ, điều kiện trang thiết bị sơ chế, chế biến, bảo hộ lao động… đang từng bước được cải thiện, làm cơ sở đánh giá, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn để nhân rộng ngành hàng và mô hình, tiến tới trình UBND TP phê duyệt triển khai rộng rãi tới các chợ trên địa bàn. Công tác phối hợp liên ngành trong thanh tra, kiểm tra năm 2014 cũng được TP.HCM tổ chức thực hiện tốt hơn năm 2013, do đó, số vụ vi phạm được phát hiện nhiều hơn, việc xử lý được kiên quyết hơn…

Nhờ đẩy mạnh công tác bảo đảm ATTP nên tỷ lệ ca ngộ độc thực phẩm trên 100.000 dân ở TP.HCM thấp hơn so với kế hoạch của TP và Chương trình mục tiêu quốc gia. Đặc biệt nhiều năm liền TP không có ca tử vong vì ngộ độc thực phẩm.

Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã đánh giá cao sự quan tâm và hành động quyết liệt của TP.HCM trong công tác đảm bảo ATTP. Bộ trưởng khẳng định: “Nhiều lĩnh vực về ATTP, TP.HCM đã đi tiên phong so với các đô thị khác và có được những kết quả đáng khích lệ”.

Giúp nông dân chuyển hướng sản xuất

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, công tác đảm bảo ATTP ở TP.HCM không chỉ lo cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới mà còn tính  lâu dài. Bộ trưởng cho biết nguy cơ mất an toàn thực phẩm ở nước ta vẫn còn lớn. Nguy cơ cao nhất là ở các sản phẩm thịt và rau quả. 

18-01-34_nh-2-tp-hcm-n-ton-thuc-phm
Kinh doanh sản phẩm gia cầm tại chợ Bến Thành

Hiện nay, thịt bị nhiễm nhiều nhất là vi sinh rồi tới kháng sinh, chất cấm. Về rau quả chủ yếu nhiễm dư lượng thuốc BVTV.

Để tăng cường kiểm soát ATTP trên địa bàn TP.HCM, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị UBND TP đầu tư 3 phòng xét nghiệm tại 3 chợ đầu mối nông sản, thực phẩm trên địa bàn. Bộ trưởng cho biết, hiện nay, đã có loại máy móc có thể xét nghiệm ra 120 chỉ tiêu về ATTP, mà giá chỉ có 250.000 USD, TP hoàn toàn có thể đầu tư được.

Khi ở mỗi chợ đầu mối có phòng xét nghiệm, chắc chắn những người buôn bán trong chợ cũng buộc phải cẩn trọng hơn trong việc mua bán sản phẩm rau quả, thực phẩm.

Việc xét nghiệm không phải để bắt từng lô hàng rau, thực phẩm mà quan trọng là có thể lần ra đường dây vi phạm trong việc sản xuất, mua bán rau quả, thực phẩm không đảm bảo ATTP. TP.HCM cũng cần tiến hành phân cấp việc quản lý, giám sát ATTP ngay từ cơ sở. Chẳng hạn, có thể quy trách nhiệm cho các quận, huyện nếu còn để tình trạng giết mổ lậu, không đảm bảo ATTP tồn tại trên địa bàn…

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, bước đầu, TP.HCM đã làm tốt công tác để đảm bảo ATTP. Đặc biệt Phó Thủ tướng hoan nghênh TP.HCM đã triển khai xây dựng mô hình chợ bảo đảm ATTP.

Tuy nhiên, về lâu dài trong công tác bảo đảm ATTP, TP.HCM không cần phải làm ngay một lúc tất cả những việc cần làm, vì nó sẽ đụng tới cả hệ thống dân sinh, tới sản xuất nông nghiệp các tỉnh khác…

Mà TP cần có lộ trình, làm từng bước một. Phó Thủ tướng gợi ý một số giải pháp thực hiện bảo đảm ATTP ngay từ cơ sở ở TP.HCM như TP có thể nghiên cứu gắn việc đảm bảo ATTP với phong trào xây dựng NTM hay thực hiện khu phố, ấp văn hóa.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “TP.HCM và Hà Nội phải đi đầu trong công tác đảm bảo ATTP. Công tác này không chỉ đảm bảo ATTP cho người dân TP mà sẽ góp phần không nhỏ giúp cho nông dân chuyển sang hình thức sản xuất mới tốt hơn.

Vì vậy, đẩy mạnh công tác ATTP không chỉ bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng TP mà còn có ý nghĩa tích cực trong việc định hướng lại sản xuất của nông dân để từng bước hội nhập vào các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn quốc tế”.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chỉ ra sai phạm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của tỉnh.