| Hotline: 0983.970.780

TP HCM: Mít Thái ngập phố

Thứ Tư 28/07/2010 , 09:35 (GMT+7)

Đang vào mùa mít, nhiều vườn mít ở huyện Xuân Lộc, Long Khánh (Đồng Nai) trái đeo lủng liểng chờ thương lái đến thu mua.

* Vỡ mộng trồng mít XK

Đang vào mùa mít, nhiều vườn mít ở huyện Xuân Lộc, Long Khánh (Đồng Nai) trái đeo lủng liểng chờ thương lái đến thu mua.

Ông Nguyễn Văn Huyện, ấp Bầu Cối, xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc cho biết gia đình ông có 1,5 ha mít Thái (khoảng 500 gốc) trong đó 120 gốc hiện đang cho thu hoạch. Trước đây cứ đến gần thời điểm thu hoạch ông thường bán mão cả vườn cho thương lái, lời ăn, lỗ chịu nhưng không hiểu sao năm nay khi mít đã chín rộ chờ mãi cũng chẳng thấy bóng dáng lái nào. Do vậy, nhiều chủ vườn, cũng như ông, đã phải tự thu hoạch mít để đem bán chợ hoặc đổ hàng cho các vựa.

Cùng chung hoàn cảnh, ông Lê Minh Được ở huyện Phước Long (Bình Phước) có 5 công mít Thái cho biết, từ tháng 5 đến nay ngóng thương lái đến vườn mua mít xuất đi Trung Quốc nhưng chẳng thấy, gia đình ông đành bấm bụng bán tháo cho các vựa, lái chuyển về khu vực TPHCM với giá 1.000đ/kg. Ông Được kể, cách đây khoảng 3 năm gia đình ông đã phá vườn điều để trồng mít Thái, nghe nói giống này chỉ trồng 18 tháng là được thu hoạch, khác với giống mít nghệ của Việt Nam phải trồng từ 3 đến 5 năm. Mít Thái có năng suất rất cao, trái to, múi vàng mọng và giòn ngọt, khiến nhiều nhà vườn rất khoái. Theo tính toán của ông Được, một ha vườn trồng được khoảng 200 cây mít, cho thu hoạch 140 tấn trái/năm, bán được 250 triệu đồng/ha, lãi gấp 5 lần cây điều.

Không chỉ với ông Huyện, ông Được mà rất nhiều nhà vườn ở miền Đông Nam bộ đã tin theo lời quảng cáo của các Cty bán giống tính làm giàu nhanh chóng với cây trồng mới nhưng đều trong cảnh dở khóc dở cười. Theo thống kê của Cục Trồng trọt, miền Đông Nam bộ hiện có khoảng 15.000 ha mít ngoại, trong đó chủ yếu là giống của Thái Lan. Cách đây 4 năm, ĐH Nông lâm TPHCM, Trung tâm Cây ăn quả miền Đông, Cty Vinamit đưa giống mít Thái này về trồng khảo nghiệm. Tuy nhiên, khi chưa xác định được mức phù hợp trong công nghệ chế biến (chủ yếu là sấy khô) thì các công ty giống cây trồng đã vội vã nhập giống mít Thái về và tung ra thị trường.

Trao đổi với PV NNVN về đầu ra của mít Thái hiện nay, TS Nguyễn Minh Châu- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam đã tỏ ra bất bình với tư tưởng sính ngoại của nhà vườn và “nhẹ dạ” của người tiêu dùng cứ nghĩ trái cây gì của Thái Lan cũng đều ngon, thậm chí nhiều vựa trái cây ở TPHCM bán mận đào đá và nhãn xuồng là đặc sản trái cây VN nhưng lại ghi là “mận Thái”, “nhãn Thái”…để bán cho chạy hàng.

Còn hiện nay một số giống mít nghệ VN đã được Bộ NN-PTNT công nhận trong đó có giống mít nghệ Cao Sản trồng rất hiệu quả, còn giống mít Thái chưa khảo nghiệm nhưng người dân vẫn có trồng,  trách nhiệm đó trước hết thuộc về hệ thống cơ quan quản lý giống cây trồng.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hàng ngày có cả trăm tấn mít xuất phát từ Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai đổ về các khu vực quận ven TPHCM như quận Bình Tân, quận 12, Hóc Môn, Thủ Đức, Gò Vấp…nhất là tập trung bán ở gần các khu công nghiệp. Anh Nguyễn Tiến Lê (quê Hà Nam) chuyên thu mua các loại mít từ các tỉnh Long An, Đồng Nai, Đăk Lăk, Lâm Đồng cho hay, mỗi ngày các vựa mít lưu động của anh trên nhiều đoạn đường ở quanh thành phố bán được khoảng gần một tấn mít. Theo anh Lê, năm nay bán mít chậm hơn các năm, nhất là vào mùa mưa mít thường bị ế phải bỏ đi hàng đống trái.

Thương lái Nguyễn Văn Thuỷ bán mít đổ đống ở KCX Linh Trung, Thủ Đức tâm sự: “Thường một xe mít 2,5 tấn tôi bán phải 3 ngày mới hết, do có những ngày ế nhiều, phải trùm mền ngủ chung với đống mít trên đường”. Theo anh Thuỷ, hàng ngày anh bán rất nhiều loại mít như mít tố lai, tố nữ, mít nghệ và mít Thái. Tuy nhiên, thời điểm này mít tiêu thụ cũng chậm, chủ yếu bán cho người lao động nghèo và công nhân, những trái ngon, anh tách múi bán 8.000đ/kg, trái không ngon, bán xô 3.000đ/kg, cũng chủ yếu lấy công làm lời.

Tìm hiểu thị trường mít chế biến xuất khẩu, các DN cho biết, mít Thái khi sấy sẽ bị mất mùi, mất màu và giảm độ ngọt nên không thể thu mua cho nông dân được. Nhất là vào mùa mưa, mít Thái ngậm nước nên vị càng nhạt, không như mít nghệ sử dụng chế biến XK rất chuộng. Công ty Vinamit là một trong những đơn vị chuyên chế biến mít xuất khẩu háng đầu VN, hiện nay đã có các vùng mít nghệ chủ động được trên 50% nguồn nguyên liệu đầu vào, còn lại nguồn mít nghệ thu mua từ nông dân nhưng cũng không đủ cung ứng.

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm