| Hotline: 0983.970.780

TP HCM: Một hợp đồng mua bán đất nhiều khuất tất

Thứ Sáu 29/01/2010 , 09:15 (GMT+7)

TAND quận 7 (TP HCM) đang thụ lý một vụ kiện mua bán đất đai hết sức hy hữu mà cả người mua và người bán không hề biết mặt nhau, trong khi số tiền giao dịch lên tới 160 lượng vàng.

Vợ ông Thiệt trước mảnh đất 150 m2 đất mà ông Ca đòi được chia

TAND quận 7 (TP HCM) đang thụ lý một vụ kiện mua bán đất đai hết sức hy hữu mà cả người mua và người bán không hề biết mặt nhau, trong khi số tiền giao dịch lên tới 160 lượng vàng (tương đương 4 tỷ đồng). 

Cán bộ làm "cò"

Năm 2003, ông Nguyễn Văn Thiệt (quận 7, TPHCM) và bà Nguyễn Triệu Ẩu (TP Vũng Tàu) có tranh chấp gần 2,3 công đất (lấy tròn) ở KP 2, phường Bình Thuận (TP HCM). Năm đó, quận 7 có quyết định bác đơn khiếu nại cả hai, chỉ đồng ý giao trả 104 m2 đất cho ông Thiệt để ở. Không chấp nhận, gia đình ông tiếp tục khiếu nại lên UBND TPHCM đòi cho được 2,3 công đất. Thông qua ông Nguyễn Trường Lưu (cán bộ tiếp dân quận 7) giới thiệu, ông Thiệt “bắc cầu” làm quen với ông Nguyễn Trường Ca (cán bộ Thanh tra Sở TN-MT).

Sau đó, Sở TN-MT có thư mời ông Thiệt đến Thanh tra Sở làm việc trực tiếp với ông Ca. Từ chỗ đó, ông Ca hứa với vợ chồng ông Thiệt sẽ giúp thắng kiện lấy lại số diện tích nói trên, đổi lại ông Thiệt “trả ơn” cắt lại 150 m2 đất. “Vào tháng 5/2005, ông Ca điện thoại nói chúng tôi phải ký hợp đồng trước cho chắc ăn. Ông nói trong vòng một tháng sẽ có quyết định trả đất. Bảng hợp đồng do ông ấy soạn sẵn vào ngày 5/5 với nội dung chúng tôi chuyển nhượng (bán) 150 m2 đất cho ông Ca với giá 160 lượng vàng SJC, rồi kêu hai vợ chồng ký tên trước phần bên bán, còn bên mua (ông Ca - PV) để trống để đem về trình sếp coi”, ông Thiệt trình bày.

Tuy nhiên, sau một năm chờ đợi vẫn không có kết quả, ông Ca cũng “mất tích” theo hợp đồng chuyển nhượng nói trên. Thấy nhờ vả “cán bộ thanh tra” không xong, ông Thiệt đứng ra tiếp tục khiếu nại. Và bất ngờ, ngày 12/9/2007 UBND TPHCM có quyết định trả lại 1,2 công, tức chỉ bằng nửa số diện tích yêu cầu, nhưng ông vẫn vui vẻ bởi “thà có hơn không”.

Một năm rưỡi sau, ngày 2/4/2009 ông Ca cùng 2 người khác bất ngờ đến nhà ông Thiệt đề nghị được làm “sổ đỏ” diện tích 150 m2 như đã cam kết. Sự việc xảy ra trên có sự chứng kiến của đại úy Trần Quốc Sơn, công tác tại Phòng Công tác chính trị công an TP HCM. Mặc nhiên, vợ chồng ông Thiệt không đồng ý với lý do “thành phố trả lại có 1,2 công, trong khi chú hứa giúp lấy lại 2,3 công đất mà sau này cũng còn không liên lạc với nhau nữa”, đồng thời yêu cầu ông Ca hủy bỏ hợp đồng và cho rằng chữ ký của hai vợ chồng ông trước đây chỉ là ký khống.

Tưởng câu chuyện lùm xùm đến đó chấm dứt nhưng bất ngờ ngày 12/4/2009, ông Trần Huy Hoàng (nhà số 72, đường 45, KP 4, P.Tân Quy, Q.7) viết đơn kiện vợ chồng Thiệt đòi được hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng ngày 5/5/2005, đồng thời buộc trả lại 160 lượng vàng. Đơn kiện được UBND phường Bình Thuận đứng ra hòa giải nhưng bất thành, do ông Hoàng  ủy quyền cho bà Lê Thị Ngọc Hiệp, quê ở Đồng Nai làm đại diện. Trong suốt buổi hòa giải, vợ chồng ông Thiệt luôn khẳng định chỉ biết ông Nguyễn Trường Ca, không biết mặt mũi ông Hoàng là ai thì “lấy gì trả lại”. Vì thế, phường Bình Thuận bó tay. Sau đó, ông Hoàng tiếp tục khởi kiện ra TAND quận 7. 

Hợp đồng khó hiểu

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân vừa có ý kiến chỉ đạo, giao cho Thanh tra TP kiểm tra, làm rõ nội dung đơn tố cáo của ông Nguyễn Văn Thiệt và đề xuất hướng xử lý theo qui định pháp luật tại văn bản số 9959/VP-PCNC.

Điều đáng nói, ông Ca phải thừa hiểu đất đang trong diện tranh chấp thì không được chuyển đổi, mua bán. Vậy mà ông vẫn tư vấn cho “bạn mình” là ông Hoàng giao ngay một lần 160 lượng SJC (không người làm chứng, không có giấy giao nhận tiền) cho ông Thiệt để chờ giao đất sau khi được cấp quyền sở hữu. Nên nhớ, tại thời điểm tháng 5/2005 vàng SJC giao dịch trên thị trường là 8,3 triệu đồng/lượng tương đương 1,328 tỷ đồng. Trong khi đó, giá đất trong hẽm tại quận 7 lúc đó bình quân 2,8 triệu đồng/m2. Như vậy, mảnh đất 150 m2 có giá bán trên thị trường trên 400 triệu đồng. Có nghĩa, ông Hoàng đã bỏ ra gấp 3 lần số tiền để mua 150 m2 đất trong diện đang tranh chấp.

Chưa hết, sau khi ông Thiệt được chính quyền TP HCM trả lại đất năm 2007, tại sao ông Hoàng không đến ngay để yêu cầu thực hiện hợp đồng đã ký, mà phải đợi đến hai năm sau đó, mới đòi hủy hợp đồng và buộc ông Thiệt trả lại 160 lượng SJC.

Nếu là một người làm ăn kinh doanh, ông Hoàng có dễ dàng chấp nhận để 160 lượng SJC nằm “chết” một chỗ trong suốt thời gian dài hay không? Hơn nữa, từ khi ký hợp đồng “mua” 150 m2 đất ông Thiệt năm 2005, đến khi nhờ Tòa án đứng ra thụ lý hồ sơ ngày 5/8/2009 vẫn không thấy ông Hoàng xuất hiện. Xác minh chúng tôi cho thấy quả thật giữa ông Hoàng và vợ chồng ông Thiệt hoàn toàn không biết mặt nhau. Vậy ông Hoàng có thực sự tồn tại hay chỉ là cái bóng của ông cán bộ Thanh tra Sở TN - MT?

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.