| Hotline: 0983.970.780

TP HCM: Tiếc dự án trồng nha đam

Thứ Hai 29/03/2010 , 09:51 (GMT+7)

Hàng chục hecta cây nha đam đến thời điểm thu hoạch nhưng đành bỏ mặc chết rũ ngoài đồng ruộng chỉ vì dự án xây dựng nhà máy chế biến tại vùng nguyên liệu đã bị… phá sản.

Hàng chục hecta cây nha đam của HTX DV nông nghiệp An Hạ và nhiều hộ dân ở các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn (TP.HCM) đến thời điểm thu hoạch nhưng đành bỏ mặc chết rũ ngoài đồng ruộng chỉ vì dự án xây dựng nhà máy chế biến tại vùng nguyên liệu đã bị… phá sản.

TỪ 55 CÂY NHA ĐAM GIỐNG

Tìm đến một trong những điểm trồng nha đam tập trung của HTX An Hạ ở ấp 7, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, trước mắt chúng tôi là một vùng trồng nha đam rộng mênh mông nhưng từ lâu đã bị bỏ mặc không người chăm sóc. Đến nay chỉ còn lại một vài liếp nha đam giống cũng bị bỏ mặc ngoài vườn như không còn sức sống. Gặp chúng tôi, chị Trần Như Cường, Chủ nhiệm HTX An Hạ buồn bã tâm sự: “Vậy là bao nhiêu ý tưởng, kế hoạch về mô hình trồng nha đam khép kín từ khâu sản xuất đếu tiêu thụ của HTX đều bị phá sản hết. Giờ còn giữ lại được vài liếp nha đam này chẳng qua cũng chỉ cố cầm cự để bảo tồn nguồn giống quý thôi…!”.

Chuyện về “nghiệp nha đam” tôi được nghe chị Cường kể lại: Vào năm 2001-2002, trong một lần chị gặp ông Bảy Luân (GĐ Cty dược phẩm) khi ông vừa đem được 105 cây nha đam giống từ Mỹ về VN ươm tại huyện Hóc Môn (TP.HCM) và ở tỉnh Long An. Ông Luân giới thiệu với mọi người đây là giống cây dược liệu quý có tên là ALOE VERA-Barbandensis, ngoài tác dụng làm thực phẩm ăn uống giải khát, còn là thực phẩm chức năng, chế biến các vị thuốc. Sau đó ông chia cho mỗi người bạn của mình một vài cây và khuyến khích họ trồng. Còn lại khoảng 55 cây nha đam giống, ông Luân quyết định giao cho chị Trần Như Cường đem về ươm tại ấp 7, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc với mong muốn phát triển nhanh để chế biến dược phẩm.

Sau 2 năm, từ 55 cây nha đam giống đầu tiên, chị Cường đã trồng và nhân rộng ra được 8 ha trên đất ruộng. Tuy nhiên, bước đầu đi vào trồng nha đam chị cũng gặp không ít khó khăn vì đây là vùng đất phèn, triều cường ngập khiến cây chết và còn bị bệnh đốm ruồi hoành hành. Chị phải vừa trồng vừa tiếp tục theo dõi nghiên cứu cải tạo điều kiện chăm sóc để nha đam sinh trưởng và phát triển tốt.

Đến năm 2004, khi đã tin tưởng vào tiềm năng phát triển giống cây này, chị Cường vận động thành lập HTX DV nông nghiệp An Hạ. Đồng thời, bắt đầu tập trung nhân giống nha đam và phân phối rộng rãi cho các xã viên của HTX cùng tham gia trồng với diện tích 19 ha. Lúc này, có nhiều đơn vị xí nghiệp biết thông tin nên đã tìm đến đặt vấn đề thu mua với HTX. Do diện tích nha đam ban đầu “cung không đủ cầu” nên HTX bắt đầu bung ra cho người dân của các huyện Củ Chi, Hóc Môn và hai xã An Phú Tây, Tân Túc, huyện Bình Chánh cùng trồng và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, các hộ dân tham gia trồng nha đam còn được HTX cung cấp cây giống và hỗ trợ 50% giá giống, sẵn sàng cho trừ dần bằng sản phẩm. Từ lúc khởi nghiệp chỉ có 55 cây giống nha đam đầu tiên trên vùng đất ruộng, dần dần mỗi năm HTX An Hạ đã mở rộng dần “vệ tinh” ra các tỉnh như Đồng Nai, Long An, An Giang...

KHÔNG XÂY ĐƯỢC NHÀ MÁY, ĐÀNH BỎ MẶC

Năm 2005, khi toàn bộ diện tích nha đam của HTX và các “vệ tinh” đã đến lúc cho thu hoạch, HTX lên kế hoạch xây dựng xưởng sơ chế nha đam để xuất khẩu vì lúc này cũng có nhiếu mối khách hàng đặt vấn đề thu mua sản phẩm. Dự án xây dựng nhà máy đã được UBND TPHCM phê duyệt và giao đất cho HTX tại khu vực ấp 7, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, sát vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, suốt 5 năm qua chỉ vì giải phóng mặt bằng không được khiến dự án nhà máy bị “ngâm” cho đến nay.

Kéo theo, hàng chục ha cây nha đam của HTX cũng như các hộ dân cũng bị “tắc” đầu ra nên đến nay, nhiều diện tích nha đam bị bỏ mặc chết rũ ngoài đồng ruộng. Chị Trần Như Cường bức xúc: “Đã rất nhiều lần HTX làm đơn kiến nghị lên cấp huyện và TP, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Do vậy, tất cả mọi kế hoạch phát triển nha đam của HTX đều bị phá sản, đầu ra không giải quyết được khiến các xã viên cũng như người dân trồng nha đam đều chán nản và bỏ mặc như vậy…!”.

Trao đổi với PV NNVN, bà Bùi Thị Hiếu Thảo, Phó chủ nhiệm HTX An Hạ cho biết: Những năm đầu trồng nha đam thấy cây phát triển rất tốt, đến đâu cũng chỉ thấy nha đam. Các mối khách hàng đến thu mua ào ào để cung ứng cho nhà máy rau quả Tiền Giang hay một số cơ sở chế biến ở khu vực TPHCM. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu bắt đầu đòi hỏi về tiêu chuẩn VSATTP rất khắt khe, khiến các nhà máy cũng “bí” nên đành ngưng thu mua. Đến nay, HTX không dám khuyến khích mọi người đầu tư trồng nha đam nữa chỉ vì HTX không xây dựng được nhà máy. Tất cả các kế hoạch cho phát triển vùng nguyên liệu nha đam của HTX đều bị ngưng, thậm chí vốn vay ngân hàng để đầu tư cây giống xuống các tỉnh trồng “vệ tinh” cho HTX đến nay cũng chưa thể hoàn trả được.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Doanh nghiệp đầu tiên công bố sản xuất cà phê tuân thủ EUDR

ĐẮK LẮK Simexco DakLak đã được cấp chứng nhận tuân thủ EUDR cho 4.957 nông dân với diện tích 5.375ha trong vùng liên kết.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất