Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Huế cho biết, sau khi hợp nhất (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Sở Tài nguyên và Môi trường), đơn vị vừa tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, vừa tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, quản lý tài nguyên, môi trường. Dù khối lượng công việc tương đối lớn, song tập thể lãnh đạo và công chức, viên chức của toàn ngành đã tổ chức thực hiện đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; bộ máy đã hoạt động ổn định.
Hiện, các lĩnh vực của ngành đều có sự phát triển; tăng trưởng Quý 1 đạt 2,6%, đạt chỉ tiêu theo kế hoạch tăng trưởng chung của thành phố.

Trong Quý 1 năm 2025, ngành nông nghiệp và môi trường TP Huế tăng trưởng 2,6%, đạt chỉ tiêu theo kế hoạch tăng trưởng chung của thành phố. Ảnh: Văn Dinh.
Nhiều mô hình ứng dụng khoa học, công nghệ cao, hình thức canh tác tiên tiến đã được triển khai thực hiện trong lĩnh vực nông nghiệp, như: Các mô hình nâng cao năng suất, chất lượng lúa (IPHM, 3 giảm 3 tăng, giảm phát thải, nuôi xen canh tôm lúa, xử lý rơm rạ, cơ giới hóa...); Sản xuất VietGAP, hữu cơ sự phát triển với hơn 11.360ha sản xuất theo hướng VietGAP, 318ha sản xuất theo hướng hữu cơ và đã cấp giấy xác nhận mã số vùng trồng cho hơn 151ha; Ứng dụng công nghệ cao, nhà lưới, nhà kính trong sản xuất nông nghiệp với khoảng 70 nhà lưới, diện tích hơn 6,2 ha; Ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác giống đã đem lại hiệu quả trong sản xuất, đặt biệt đã nghiên cứu, lai tạo thành công các giống lúa mới có năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu (HG12, HG244)…
“Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số vướng mắc, khó khăn trong ngành, như có sự chồng chéo trong quy định về xác định giá trị quyền sử dụng đất tương ứng 20% quỹ đất ở của dự án để thực hiện nghĩa vụ về nhà ở xã hội. Công tác xác định vị trí để trồng rừng thay thế còn khó khăn do quỹ đất để thực hiện trồng rừng thay thế hiện nay rất ít và ở những khu vực có địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn. Hệ thông kênh mương, thuỷ lợi do đầu tư lâu năm nên đã xuống cấp ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và tiết kiệm nước. Hệ thống hạ tầng các vùng nuôi trồng thuỷ sản đầm phá chưa được đầu tư đồng bộ đã ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản... làm ảnh hưởng đến sự phát triển của toàn ngành”, ông Đức chia sẻ.

Bí thư Thành ủy cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Huế kiểm tra an toàn hồ đập trên địa bàn. Ảnh: Văn Dinh.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Huế Hoàng Hải Minh, sau khi hợp nhất, Sở Nông nghiệp và Môi trường cần hoàn thiện các cơ sở dữ liệu liên quan; cắt giảm đầu mối, tạo thuận lợi công việc; cần rà soát những việc còn chồng chéo để khắc phục triệt để.
“Để thúc đẩy tăng trưởng của ngành trong thời gian tới, ngành cần có những giải pháp hiệu quả hơn. Trong đó cần chú trọng vào công tác đo đạc, thống kê, hiện trạng sử dụng đất; quản lý hiệu quả hơn về tài nguyên khoáng sản; tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phối hợp trong giải phóng mặt bằng. Cần bám sát tình hình phát triển kinh tế xã hội của thành phố, địa phương để đưa các công trình, dự án vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm không để xảy ra việc chậm trễ triễn khai dự án...”, ông Minh nói.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Lê Trường Lưu cho rằng, sau hợp nhất, công tác chỉ đạo điều hành, giải quyết công việc phải liên tục, thường xuyên, hiệu quả hơn. Lãnh đạo Sở cần đổi mới, chủ động sáng tạo trong mọi công việc; phải đặt ra mục tiêu cụ thể cho từng đầu việc, không để nông nghiệp bị tụt hậu, nâng cao chất lượng nuôi trồng và phải có sản phẩm chủ lực.
Các chỉ tiêu chính trong năm 2025 của ngành nông nghiệp và môi trường TP Huế: Tăng trưởng nông lâm thủy sản đạt trên 3,5%; Sản lượng lương thực có hạt trên 332 nghìn tấn; Sản lượng thủy sản đạt trên 65 ngàn tấn; Tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng nước sạch 100%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 57,2%; Phấn đấu đạt 99,5% số thửa đất được kê khai đăng ký quyền sử dụng đất; Tỷ lệ diện tích hoặc thửa đất đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận theo quy định đối với tổ chức đạt 99,05%; Thu tiền sử dụng đất, thuê đất 1.707 tỷ đồng; Phấn đấu giảm tỷ lệ rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 20%; Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý năm 2025 đạt 97%.