Đó là thông tin được Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết tại Hội nghị “Tổng kết Hành trình 30 năm phòng, chống HIV/AIDS và cơ hội kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030 tại TP.HCM” ngày 14/1.
“Đây là một trong những thách thức của công tác phòng, chống HIV/AIDS trong giai đoạn hiện nay", bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng nói.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, sau khi trường hợp nhiễm HIV của Việt Nam được phát hiện đầu tiên tại TP.HCM từ tháng 12/1990, đến nay cuộc chiến chống đại dịch HIV/AIDS tại Thành phố đã trải qua 30 năm.
Bác sĩ Nguyễn Lê Như Tùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết, trung bình mỗi năm bệnh viện điều trị cho khoảng 2.000 người nhiễm HIV. Đối với bệnh nhân HIV đầu tiên được phát hiện và điều trị tại TP.HCM đến nay có sức khỏe tốt, sinh hoạt bình thường, tải lượng virus âm tính và hiện bệnh nhân được chăm sóc, điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế. Nếu sử dụng thuốc và thăm khám đều đặn, tuổi thọ của bệnh nhân giống như những người bình thường.
Giai đoạn từ năm 1990 đến năm 2000, TP.HCM kiềm chế tốc độ phát triển của đại dịch bằng các hoạt động truyền thông giáo dục nhằm nâng cao kiến thức của người dân để tự bảo vệ mình trước hiểm họa. Xây dựng các mô hình dự phòng lây nhiễm HIV. Kết quả đã giảm tỷ lệ nhiễm HIV trên nhóm nghiện chích ma túy từ 42,3% (1995) xuống còn 18,6% (1998).
Giai đoạn từ năm 2000 đến 2010, các mô hình dự phòng lây nhiễm HIV được mở rộng trên toàn thành phố, cùng với việc đưa vào sử dụng thuốc kháng virus HIV (ARV) tạo điều kiện thuận lợi cho Thành phố mở rộng các chương trình dự phòng và chăm sóc điều trị. Đến nay, TP.HCM đã có 145 cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV, 24 cơ sở điều trị Methadone, điều trị cho khoảng 5.400 bệnh nhân. Ngoài ra, chương trình chăm sóc hỗ trợ người tái hòa nhập cộng đồng, chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con… cũng được triển khai hiệu quả, góp phần kéo giảm đáng kể số lượng người nhiễm mới trong cộng đồng.
Giai đoạn từ 2010 đến 2020, TP.HCM thực hiện kiểm soát đại dịch với nhiều chiến lược như Triển khai điều trị ngay khi có kết quả xét nghiệm, đột phá về chính sách và công nghệ xét nghiệm HIV; điều trị ARV cho người nhiễm HIV; chương trình phòng chống trước phơi nhiễm cho người có nguy cơ cao (gọi tắt là PrEP)... Đến nay, TP.HCM đã đạt được mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng bệnh của mình, 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus và 90% người nhiễm HIV kiểm soát được tải lượng virus ở ngưỡng thấp, không có nguy cơ lây lan).
“Một trong những thách thức hiện nay của Thành phố là vẫn còn khoảng 5.000 người nhiễm HIV trong cộng đồng chưa được phát hiện. Trong đó, khoảng 30% có tải lượng virus cao, nguy cơ tạo ra những đợt gia tăng lây lan đột biến trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, sự gia tăng mạnh mẽ của nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) khiến nguy cơ bùng phát dịch cao. Đối tượng nguy cơ hiện nay thay đổi, phần lớn là những người có vị trí xã hội rất khó tiếp cận và yêu cầu tính bảo mật cao, điều này cũng là thách thức lớn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS của Thành phố", Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM thông tin.
Chính vì vậy, theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, để tiến tới chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030, TP.HCM sẽ tập trung vào những người nguy cơ cao bằng cách đẩy mạnh các dịch vụ dự phòng, tăng cường xét nghiệm, điều tra, truy vết nhằm chặt đứt chuỗi lây truyền trong cộng đồng.
“TP.HCM hướng đến xây dựng và thực hiện mục tiêu 95-95-95 vào năm 2025 và mục tiêu 99-99-99 nhằm kết thúc đại dịch vào năm 2030”, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng khẳng định.
“Đến nay tròn 40 năm chưa tìm được vắc xin để ngăn chặn HIV/AIDS, trong bối cảnh dịch HIV/AIDS đang thay đổi hình thái lây nhiễm HIV, người nhiễm HIV ngày càng trẻ hóa và khó nhận diện hơn. Điều này đòi hỏi phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong công cuộc phòng chống HIV/AIDS.
Do đó, TP.HCM cần có những chiến lược đúng và trúng đối với từng đối tượng nguy cơ, huy động thêm các nguồn lực xã hội và đặc biệt huy động sự tham gia của cộng đồng người nhiễm HIV để họ trở thành "hạt giống" kết nối những người nhiễm HIV khác đến với các dịch vụ điều trị và kết nối những người có nguy cơ cao đến với các dịch vụ dự phòng”, PGS.TS Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế nói.