| Hotline: 0983.970.780

TPHCM: Cán bộ Trung tâm bảo trợ xã hội chia nhau tiền từ thiện

Thứ Ba 12/05/2020 , 20:51 (GMT+7)

Hoạt động từ thiện nhưng các Trung tâm bảo trợ xã hội TPHCM lại dùng tiền được tài trợ để chia nhau. Ngoài ra, có nhiều khoản chi không đúng mục đích, đối tượng...

Đó là nội dung kết luận Thanh tra của Thanh tra TP.HCM tại các Trung tâm Bảo trợ trực thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM trong thời gian từ đầu năm 2018 đến cuối tháng 4/2019 với nhiều sai phạm.

Nhập nhèm thu - chi

Theo Kết luận Thanh tra, việc quản lý, sử dụng tiền từ thiện, tiền con nuôi; việc tiếp nhận trẻ mồ côi, các trung tâm Bảo trợ trực thuộc Sở LĐ-TB-XH đều phải thực hiện công khai về tiền, hàng hóa từ thiện trong toàn thể công chức, viên chức, người lao động. Nhưng tại các biên bản họp định kỳ hằng tháng chưa nêu cụ thể về số liệu thu chi tiền mặt, hàng hóa được tài trợ.

Kết luận thanh tra sai phạm tại các trung tâm Bảo trợ TP.HCM. Ảnh: Chụp lại tài liệu. 

Kết luận thanh tra sai phạm tại các trung tâm Bảo trợ TP.HCM. Ảnh: Chụp lại tài liệu. 

Tại Trung tâm Thị Nghè, thanh tra xác định có việc để ngoài sổ sách kế toán với tổng giá trị quy đổi của các loại hàng hóa được tài trợ, từ thiện là hơn 1,1 tỉ đồng. Số tiền này đã chia cho cán bộ, nhân viên của Trung tâm Thị Nghè là hơn 760 triệu đồng (gồm năm 2018 là gần 720 triệu đồng và 4 tháng đầu năm 2019 là 41 triệu đồng).

Trung tâm Thị Nghè không cung cấp đầy đủ các phiếu kê hàng hóa, sổ kế toán, hạch toán không trung thực, có dấu hiệu che giấu hành vi vi phạm. Giá trị hàng hóa để ngoài sổ sách lớn trong thời gian dài, có chủ trương của lãnh đạo Trung tâm nhiều thời kỳ nhưng do thời gian, thời điểm thanh tra có hạn theo Quyết định thanh tra nên đây chỉ là những số liệu phát hiện bước đầu. Thời gian tới, cần giao cơ quan quản lý chuyên ngành tiếp tục thanh tra làm rõ để xử lý trách nhiệm. Ngoài ra, thanh tra còn phát hiện việc tiếp nhận tiền, hàng hóa từ thiện tại Trung tâm Thị Nghè không đúng quy trình, Tổ tiếp nhận được thành lập nhưng thực tế không hoạt động theo quy chế về tiếp nhận quản lý, sử dụng tiền từ thiện.

Một số khoản chi với tổng số tiền hơn 750 triệu đồng từ nguồn thu từ thiện, được chi không đúng mục đích, không đúng đối tượng. Trong đó, Trung tâm Thị Nghè là hơn 440 triệu đồng và Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình (Thủ Đức) là hơn 310 triệu đồng. Qua kiểm tra xác minh cũng phát hiện việc nhập, xuất hàng hóa và phát hành hóa đơn của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu Thực Phẩm Vàng (đơn vị cung cấp gạo cho Trung tâm Thị Nghè) có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế về sử dụng hóa đơn không hợp lệ, hợp pháp. Do đó, sẽ giao Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM chỉ đạo tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật thuế về sử dụng hóa đơn không hợp lệ, hợp pháp của Công ty trên.

Kết luận thanh tra. Ảnh: Chụp lại tài liệu.

Kết luận thanh tra. Ảnh: Chụp lại tài liệu.

Bổ nhiệm không đúng quy định hàng chục cán bộ

Về công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển cán bộ tại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở LĐ-TB-XH, qua thanh tra có nhiều trường hợp không đúng quy định. Cụ thể: Bổ nhiệm khi chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền về bổ nhiệm viên chức, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với 4 trường hợp tại Trung tâm Thị Nghè; Bổ nhiệm cán bộ khi chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác minh lý lịch, tiêu chuẩn chính trị đối với 18 trường hợp là đảng viên (Trung tâm Gò Vấp, Thị Nghè, Tam Bình; Cơ sở Phú Nghĩa, Đức Hạnh, Bố Lá; Trung tâm CTXH - GDDN thiếu niên TP, Làng thiếu niên Thủ Đức); Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ khi chưa đúng quy trình, thủ tục bổ nhiệm đối với 16 trường hợp (Trung tâm Thị Nghè; Cơ sở Phú Nghĩa, Đức Hạnh); Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ khi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý nhà nước, lý luận chính trị..., chưa phù hợp với khung năng lực cán bộ đối với 17 cán bộ; Bổ nhiệm cán bộ chưa đúng quy định về thời gian.

Trung tâm bảo trợ trẻ em mồ côi, tàn tật Thị Nghè, nơi có hàng loạt sai phạm. Ảnh: Trần Đăng. 

Trung tâm bảo trợ trẻ em mồ côi, tàn tật Thị Nghè, nơi có hàng loạt sai phạm. Ảnh: Trần Đăng. 

Đối với Sở LĐ-TB-XH, việc bổ nhiệm, điều động 7 trường hợp theo thẩm quyền chưa đồng bộ về căn cứ khung năng lực vị trí bổ nhiệm cán bộ của Đảng ủy Sở và Giám đốc Sở trong giai đoạn từ tháng 1/2018 đến tháng 3/2019. Các thông báo kết luận của Giám đốc Sở ban hành ngày 14/11/2018 (từ số 30753 đến số 30764) về kết quả kiểm tra công tác cán bộ đối với một số đơn vị sự nghiệp công lập chưa chỉ ra sai phạm trong việc thực hiện công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, viên chức lãnh đạo quản lý.

Đến năm 2019, Đảng ủy Sở và lãnh đạo Sở đã phát hiện 6 trường hợp vi phạm công tác cán bộ tại đơn vị trực thuộc và đã thu hồi 3 quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, có 8 trường hợp cán bộ thiếu hồ sơ, không đủ tiêu chuẩn phải yêu cầu đào tạo bổ sung.

Từ những kết luận nêu trên, Thanh tra TP chỉ rõ trách nhiệm thuộc về Giám đốc, lãnh đạo các Trung tâm, Cơ sở trực thuộc Sở LĐ-TBXH tại thời kỳ xảy ra thiếu sót, sai phạm. Trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát thuộc lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH theo phân công.

Phó Chủ tịch UBND TP chỉ đạo xử lý. Ảnh: Chụp lại tài liệu.

Phó Chủ tịch UBND TP chỉ đạo xử lý. Ảnh: Chụp lại tài liệu.

Thanh tra TP cũng kiến nghị và Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu chỉ đạo: Giao Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tập trung xử lý, tổ chức thực hiện các nội dung kết luận, kiến nghị và chấn chỉnh, khắc phục, sửa chữa những vấn đề nêu trong KLTT; Giao Cục trưởng Cục thuế TP kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật thuế về sử dụng hóa đơn không hợp pháp tại Công ty Xuất nhập khẩu thực phẩm Vàng; Giao Giám đốc Sở Tài chính chủ trì phối hợp Sở LĐ-TBXH, Thanh tra TP thanh tra làm rõ việc tiếp nhận tiền, hiện vật từ thiện để ngoài sổ sách kế toán tại Trung tâm Thị Nghè qua các thời kỳ…

Ngày 12/5, Cục Bảo trợ xã hội - Bộ LĐ-TB-XH có văn bản gửi Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đề nghị Sở LĐ-TB-XH TP HCM tập trung xử lý, tổ chức thực hiện các nội dung kết luận, kiến nghị; chấn chỉnh, khắc phục, sửa chữa những vấn đề còn thiếu sót được nêu trong kết luận thanh tra và báo cáo về Cục Bảo trợ xã hội trước ngày 14/5/2020 để Cục tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH.

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm