Có thể mua rác của người dân đã phân loại
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đều tỏ ra băn khoăn khi thực tế nhiều hộ dân đã chủ động phân loại rác nhưng khi rác được tập kết cùng về một địa điểm thu gom, nhân viên thu gom rác lại phải “xé từng bao rác” để phân loại, rác lại trộn chung với nhau. Như vậy, không có xe chuyên dùng cho từng loại rác thải sẽ càng khiến cho quá trình phân loại rác trở lên “phức tạp”.
Ngày làm việc thứ hai kỳ họp thứ 12 HĐND TP.HCM khóa IX |
Về vấn đề này đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Tố Trâm cho biết, quy định về phân loại rác tại nguồn đã nhận được sự đồng thuận của người dân, nhưng trên thực tế vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể cách thức phân loại rác như thế nào, cách dán nhãn phân loại rác...
ĐB Tố Trâm cũng đặt vấn đề với Sở Tài nguyên và Môi trường, vì sao chủ trương về việc phân loại rác tốt, quy định xử lý đã có nhưng việc thực hiện lại khó khăn? “Sở có cần thay đổi phương pháp cũng như cách thức thực hiện để việc phân loại rác tại nguồn có hiệu quả hơn?”, ĐB Tố Trâm đặt vấn đề...
Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm. |
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, bình quân một ngày TP.HCM thu gom và xử lý 10.334 tấn rác. Trong khi đó, thành phố hiện có 4 đơn vị xử lý rác hiện hữu. Sở cũng đã ban hành các nội dung thông tin tuyên truyền về phân loại rác tại nguồn đến tận khu dân cư, kết hợp hướng dẫn và triển khai kế hoạch thu gom vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn.
Ông cũng ghi nhận đề xuất của ĐB Kim Dung, bởi rác thải sau khi phân loại có thể tái chế, tái sử dụng, nên có thể mua, tạo sự động viên khích lệ. Sở cũng sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền phân loại chất thải rắn tại nguồn đến các quận, huyện, xã, phường và trường học theo hình thức mới. Tăng cường kiểm tra, xử lý các đơn vị sản xuất, kinh doanh có phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường để nâng cao ý thức người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục kiến nghị thành phố đầu tư trang thiết bị chuyên dùng để đi thu gom rác theo từng loại ở từng hộ dân.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM |
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM nhấn mạnh: “Mấu chốt của việc phân loại rác tại nguồn là làm sao cho người dân nhìn thấy được lợi ích, nghĩa vụ của mình đối với việc giữ gìn vệ sinh cho TP.HCM cũng như giữ gìn vệ sinh môi trường cho chính bản thân, gia đình mình”.
Nhiều đối tượng bị kết án hình sự do từng cho vay “tín dụng đen”
Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP.HCM cho biết, từ năm 2014, Công an TP.HCM đã xác định được một số đối tượng, chủ yếu từ miền Bắc vào TP.HCM hoạt động tín dụng đen. Đây là một trong những nguyên do gây ra những hệ lụy nặng nề phía sau. “Năm 2014, bình quân mỗi tháng có 1 vụ án hình sự liên quan đến tín dụng đen, năm 2018 có ít nhất 3 vụ mà nguyên nhân đều do cho vay nặng lãi không đòi được nơ. Bởi các hoạt động cho vay ngoài điều chỉnh của pháp luật nên các hoạt động thu hồi nợ phát sinh tranh chấp, có hoạt động vi phạm pháp luật nghiêm trọng”, Thiếu tướng Phan Anh Minh chia sẻ.
Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP.HCM |
Hiện nay trên địa bàn TP.HCM, đã xác nhận có 873 đối tượng hoạt động cho vay trái pháp luật và có vi phạm về lãi suất. Trong đó, hơn 2/3 là người từ nơi khác đến thành phố, mà chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc vào TP.HCM hoạt động. Năm 2018, Công an TP.HCM phát hiện, lập biên bản 60 nhóm với hơn 320 đối tượng vi phạm về hoạt động tín dụng không phép và vi phạm về lãi suất. Trong khi đó, hầu hết các đối tượng chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí xử phạt vi phạm không đáng kể là đăng ký tạm trú, gây mất trật tự; kể cả vi phạm được lập biên bản mà không thỏa đáng với hành vi là hoạt động kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự nhưng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện. Có một số vụ Công an TP có khởi tố về tội tàng trữ vũ khí quân dụng. Hiện Công an TP.HCM và Công an quận Bình Tân đang củng cố hồ sơ để khởi tố 4 nhóm đối tượng liên quan cho vay nặng lãi.