| Hotline: 0983.970.780

TP.HCM kiến nghị Thủ tướng cho phép thành lập Thành phố trực thuộc

Thứ Sáu 08/05/2020 , 14:45 (GMT+7)

Chủ tịch UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận đề án thành lập Thành phố trực thuộc TP.HCM trên cơ sở sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong. Ảnh: TTBC TP.HCM.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong. Ảnh: TTBC TP.HCM.

Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, 4 tháng đầu năm 2020 tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, chỉ số sản xuất, giá trị các ngành công nghiệp trọng yếu, thu ngân sách suy giảm do đại dịch Covid-19. Hơn 7.700 doanh nghiệp ngưng hoạt động, nhiều doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ bị giải thể.

Tuy nhiên ông Phong cho rằng, kinh tế thành phố vẫn còn điểm sáng khi GRDP và ngân sách chiếm 25% cả nước, giải ngân đầu tư công tăng gấp đôi so với cùng kỳ, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vượt mức cùng kỳ năm 2019.

Trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, TP.HCM xác định chủ động chuyển sang trạng thái bình thường mới, tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa hạn chế những tác động khó khăn do dịch Covid-19, phấn đấu ngăn chặn, xử lý tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đồng thời thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM năm 2020.

Trong đó, Thành phố tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm gồm kiên định với 6 nguyên tắc chống dịch và phương châm “5 tại chỗ”, tập trung phòng, chống dịch bệnh với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Triển khai thực hiện Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp từ nay đến hết năm 2020 với 4 nhóm nội dung hỗ trợ doanh nghiệp...

Cũng theo ông Phong, để tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nền kinh tế TP.HCM phát triển trong thời gian tới, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục quan tâm chỉ đạo công tác hỗ trợ ổn định cuộc sống và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Cụ thể, về giá điện, ông Phong cho biết, thực hiện Nghị quyết số 41 của Chính phủ, Bộ Công thương đã giảm 10% giá điện từng nhóm mặt hàng sử dụng điện trong vòng 3 tháng (từ tháng 4 đến tháng 6/2020).

“Ước tính tổng số tiền giảm là 11.000 tỷ đồng, tuy nhiên tuy số giảm khá đáng kể nhưng mấu chốt của vấn đề hiện nay vẫn là áp dụng giá điện bậc thang đối với bối cảnh nóng, doanh nghiệp mới hoạt động kinh doanh trở lại sau khi hết cách ly xã hội nên nhu cầu dùng điện tăng cao, dẫn đến mức chi tiêu tăng lên. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương tiếp tục giảm 10% giá điện hiện nay và tạm thời dừng áp dụng giá điện bậc thang để hỗ trợ nhân dân, doanh nghiệp cho đến khi Chính phủ công bố hết dịch Covid-19 tại Việt Nam”, ông Phong nói.

Ông Phong cũng kiến nghị Chính phủ cho phép doanh nghiệp khởi nghiệp được hoạch toán khoản đầu tư, thu phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp từ 2020-2021 với số tiền tối đa là 30% giá trị lợi nhuận trước thuế. Vì theo nghị quyết 41 thì chủ yếu doanh nghiệp hoạt động rồi mới được giãn thuế và tiền thuê đất.

Đồng thời kiến nghị Chính phủ xem xét chấp thuận cho doanh nghiệp được giảm tiến độ nộp tiền sử dụng đất đối với số nợ tiền sử dụng đất phải nộp phát sinh từ tháng 3 đến tháng 6/2020 được giảm tiến độ 5 tháng tương tự quy định giãn thuế.

Về tổ chức bộ máy, ông Phong kiến nghị Thủ tướng cho phép Thành phố xem xét xây dựng đề án không tổ chức HĐND quận, phường trên địa bàn TP.HCM.

Kiến nghị Chính phủ cho phép Thành phố xây dựng đề án thành lập Thành phố trực thuộc TP.HCM trên cơ sở sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức mà không xem xét điều kiện về sự phù hợp với định hướng quy hoạch, chương trình phát triển đô thị và tiêu chuẩn về đơn vị hành chính trực thuộc khối đơn vị hành chính dự kiến hình thành sau khi sắp xếp.

Theo ông Phong, việc sáp nhập ba quận trực thuộc thành phố lên thành phố là chưa có tiền lệ. Mặc dù theo Hiến pháp năm 2013 thì việc thành lập thành phố trực thuộc thành phố trực thuộc trung ương là phù hợp với quy định.

“TP.HCM sẽ là địa phương đầu tiên của cả nước có mô hình thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương”, ông Phong nói.

Kiến nghị cho phép TP.HCM thực hiện thí điểm thành lập ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp TP.HCM là cần thiết, hiện nay có hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu thực hiện đổi mới sắp xếp doanh nghiệp nhà nước và quản lý vốn nhà nước.

Kiến nghị Thủ tướng chính phủ cho phép TP.HCM thực hiện thí điểm tổ chức lại ban bồi thường giải phóng mặt bằng thuộc UBND quận huyện thành trung tâm phát triển quỹ đất trực thuộc UBND quận huyện. Việc tổ chức lại sẽ tạo cơ hội cho các đơn vị mở rộng chức năng, nhiệm vụ và có sự tham gia của hệ thống chính trị nên đạt được hiệu quả khi nhà nước thu hồi đất. Khẳng định được vai trò, vị trí của các đơn vị góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương và phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

Về công tác quy hoạch, kiến nghị Thủ tướng chính phủ chấp thuận điều chỉnh chức năng quy hoạch ruộng đất từ chức năng quy hoạch đất du lịch thành đất công viên khoa học và công nghệ để thực hiện công tác phê duyệt đồ án quy hoạch phân theo tỉ lệ 1/2.000 Khu công viên khoa học và công nghệ phường Long Phước, quận 9.

Kiến nghị Thủ tướng chính phủ xem xét chấp thuận điều chỉnh Cục bộ đồ án quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 tại vị trí khu đất 834 hecta thuộc xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn từ chức năng cấp dự trữ thành chức năng dịch vụ đô thị kết hợp với khu đô thị sinh thái.

Theo ông Phong, khu đất này là đất đã bị nhiễm phèn nên việc phát triển nông nghiệp không đảm bảo hiệu quả kinh tế.

“Vì vậy, UBND TP.HCM đã có báo cáo với Ban thường vụ Thành ủy xin chủ trương và thành phố đã có văn bản đề nghị xin Thủ tướng Chính phủ cho chuyển đổi quỹ đất sản xuất nông nghiệp không hiệu quả sang quỹ đất công nghiệp và dịch vụ đô thị để tăng hiệu quả sử dụng đất tạo hướng phát triển đô thị”, Ông Phong nói.

Mặt khác, kiến nghị Thủ tướng chính phủ xem xét chấp thuận cho TP.HCM lập quy hoạch phân khu 1/2.000 đối với khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao 380 hecta tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh và cập nhật bổ sung nội dung quy hoạch của khu công nghiệp này vào bộ khung điều chỉnh tổng quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đang triển khai theo sự chấp thuận của Thủ tướng chính phủ tại công văn 136 ngày 1/2/2019.

Kiến nghị chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương đưa ra khỏi quy hoạch ba khu công nghiệp Phước Thiện, Đào Đinh (huyện Củ Chi), Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) trong danh mục quy hoạch phát triển các khu công nghiệp của thành phố được phê duyệt tại công văn 1.300 ngày 25/7/2014.

“Do vị trí địa lý các khu đất trên không thuận lợi, không kêu gọi được chủ đầu tư hạ tầng, quy hoạch dự án kéo dài nhiều năm làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và quyền lợi chính đáng của người dân”, ông Phong nói.

Kiến nghị Thủ tướng chính phủ chỉ đạo công tác về thẩm định phương án xây dựng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa và quy trình chuyển doanh nghiệp 100% vốn của nhà nước thành công ty cổ phần. “Thành phố không thể triển khai được khi chưa có phương án hướng dẫn sử dụng đất”, ông Phong giãi bày.

Hiện nay, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch sắp xếp một số doanh nghiệp nhà nước và một số công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn. “Mặc dù đã được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản quy định cụ thể về thành lập hồ sơ, trình tự thủ tục, cơ quan thẩm định trình duyệt phương án doanh nghiệp cổ phần hóa… nên UBND TP.HCM không dám thực hiện”, ông Phong chia sẻ.

Kiến nghị Thủ tướng chính phủ giao Bộ Tài nguyên - Môi trường và các bộ ngành có liên quan sớm xem xét các khu đất cho các doanh nghiệp được cổ phần hóa đang quản lý sử dụng này đề nghị quyết định chủ trương đầu tư để chuyển mục đích sử dụng đất nhằm làm rõ mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở...

Về thủ tục xây dựng các dự án đầu tư nhà ở trên địa bàn thành phố, ông Phong kiến nghị Thủ tướng chính phủ chấp thuận cho thành phố giao cho chủ đầu tư để chuyển sử dụng mục đích sử dụng đất và thực hiện theo quy hoạch đối với quỹ đất có diện tích nhỏ không đủ điều kiện để hình thành một dự án độc lập.

Kiến nghị Thủ tướng chính phủ chỉ đạo để có hướng dẫn chi tiết việc thực hiện các thủ tục đầu tư, xây dựng các dự án nhà ở nhằm đảm bảo các yêu cầu về quản lý nhà nước theo đúng quy định tại Nghị định số 11 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị.

Kiến nghị Thủ tướng chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên - Môi trường có ý kiến hướng dẫn trường hợp các dự án có sử dụng đất mà có nguồn gốc do nhà nước cho thuê ngắn hạn trả tiền hàng năm cho đến khi thực hiện quy hoạch...

Kiến nghị Thủ tướng chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch - Đầu tư có hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện thủ tục sáp nhập dự án đầu tư đối với các dự án nhà ở đã được UBND Thành phố quyết định chủ trương đầu tư. Vì luật đầu tư không quy định về thủ tục này nhưng đây là nhu cầu phát sinh trên thực tế của các nhà đầu tư trong quá trình cơ cấu lại các dự án hoặc hợp tác phát triển với các nhà đầu tư khác...

Ông Phong nhận định, TP.HCM luôn xác định vai trò vị trí và trách nhiệm vì Thành phố và cả nước. Sự phát triển của thành phố cũng chính là sự đóng góp thiết thực và quan trọng vào sự phát triển chung của cả nước.

"TP.HCM chung tay cùng cả nước phát huy lợi thế, khắc phục khó khăn trước tác động của Covid-19. Để thực hiện có hiệu quả cao nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của thành phố năm 2020, Thành phố mong nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sắc và hỗ trợ của Thủ tướng Chính phủ cũng như các bộ ngành trung ương", ông Phong nói.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.