Chống dịch Covid-19 và tăng trưởng kinh tế
Đó là điểm được Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc hội nghị báo cáo kết quả hoạt động và triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 sáng 9/1.
Theo báo cáo, thời điểm đầu năm 2020, thành phố bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội trong điều kiện nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 bao trùm.
Mặc dù vậy, năm 2020, kinh tế thành phố vẫn tăng trưởng 1,39% so với cùng kỳ. Cả 3 khu vực dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp đều tăng trưởng dương, không có GRDP tăng trưởng âm.
Xuất khẩu đạt hơn 43 tỷ USD; thu hút đầu tư nước ngoài đạt hơn 4,3 tỷ USD; kiều hối đạt hơn 5,5 tỷ USD; có hơn 40.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 1,1 triệu tỷ đồng.
Ngoài ra, TP.HCM có hơn 8.300 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 21% so cùng kỳ. Thu ngân sách hơn 371.000 tỷ đồng, đạt 91,51% dự toán. Đây là con số kết toán vào cuối ngày 31/12/2020.
Còn tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách giai đoạn 2016-2020 đã tăng từ mức 62,1% lên 71,45%. Công tác quy hoạch, chỉnh trang và phát triển đô thị tiếp tục chuyển biến, tạo diện mạo đô thị ngày càng hiện đại.
Đặc biệt, theo Chủ tịch UBND TP.HCM, các đợt dịch bệnh đã được kiểm soát, khống chế kịp thời trong 3-15 ngày. Ngành y tế đã điều trị khỏi cho 143 trường hợp, đang điều trị 8 trường hợp (đều là ca nhiễm phát hiện khi nhập cảnh) và không có trường hợp tử vong. “Năm 2020, mặc dù đối mặt rất nhiều khó khăn, nhưng chúng ta đã đạt được mục tiêu kép trong phòng chống dịch và duy trì tăng trưởng kinh tế thành phố”, ông Phong nói.
Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh 2021 là năm rất quan trọng khi diễn ra Đại hội Đảng XIII, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp và năm đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Đây cũng là năm đầu tiên TP.HCM thực hiện nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị; sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thành lập TP Thủ Đức.
Nói về nhiệm vụ năm 2021, Chủ tịch TPHCM cho biết, ngoài những nhiệm vụ ổn định và phát triển kinh tế - xã hội thường niên, năm 2021 TP sẽ chú trọng đầu tư xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư.
“Năm 2021 sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các biến chủng mới của Covid-19 có mức độ lây nhiễm nhanh hơn, nguy hiểm hơn, nên đòi hỏi chúng ta phải phát huy hơn nữa truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, đi đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của TP”, ông Phong nhấn mạnh.
Năm 2020 là một năm có nhiều biến động nhân sự
Phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu cho rằng, năm 2020, TP có nhiều biến động về nhân sự lãnh đạo, gây ảnh hưởng nhất định đến công tác chỉ đạo, lãnh đạo điều hành của lãnh đạo TP.
Theo ông Châu, bên cạnh các kết quả đạt được, nhìn tổng thể, kinh tế thành phố còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động của dịch bệnh, nhất là đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
“Chặng đường phục hồi kinh tế phía trước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đối với 4 chỉ tiêu không đạt trong năm 2020, đó là là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa; thu ngân sách Nhà nước; thành lập mới doanh nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp đô thị. Tuy đã điều chỉnh, nếu không có giải pháp phù hợp sẽ khó đạt trong thời gian tới”, ông Châu nhận định.
Đặc biệt, năm 2020 là một năm có nhiều biến động về nhân sự lãnh đạo của TP. Cụ thể, có đến 4 lần phải điều chỉnh phân công nhiệm vụ của các phó chủ tịch. Điều đó gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo TP.
Ông Châu thẳng thắn nhìn nhận việc tổ chức triển khai thực hiện chỉ đạo, kết luận của chủ tịch, các phó chủ tịch UBND TP có lúc, có nơi còn chậm. Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành và quận - huyện đôi lúc chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Một số chương trình, đề án, báo cáo, kế hoạch chưa hoàn thành đúng tiến độ.
Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đồng đều. Một số cán bộ, công chức, viên chức thiếu tinh thần trách nhiệm, có lúc, có nơi còn có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho tổ chức, doanh nghiệp, người dân.
Việc triển khai các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu. Việc nâng chất các chỉ số PCI, PAR-INDEX chưa đạt được mục tiêu như kế hoạch đề ra.
Đồng thời, lãnh đạo UBND TP phê bình công tác chuẩn bị một số nội dung cuộc họp chưa đảm bảo, chất lượng chưa cao. Ý kiến đóng góp còn hạn chế, đóng góp chung chung, chiếu lệ, chưa đi vào chiều sâu, trọng tâm; Một số lãnh đạo sở, ngành, UBND quận, huyện còn vắng trong các cuộc họp quan trọng, hoặc cử người không đúng thẩm quyền dự họp thay.
Công tác tổ chức kiểm tra và phối hợp thực hiện vẫn còn thiếu đồng bộ. “Chế độ thông tin, báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của các ngành, các cấp đối với UBND TP thực hiện có lúc vẫn chưa nghiêm, chậm trễ, nội dung một số báo cáo còn mang tính hình thức”, ông Châu nhấn mạnh.