| Hotline: 0983.970.780

TP.HCM vượt quyền Quốc hội, Thủ tướng, tự điều chỉnh tăng hàng chục ngàn tỷ đồng dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên

Thứ Ba 25/12/2018 , 20:38 (GMT+7)

Khẳng định việc UBND TP HCM vượt quyền, Kiểm toán nhà nước báo cáo rằng, UBND TPHCM đã có quyết định 4408 ngày 21/9/2011 điều chỉnh TMĐT dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên là 47.325 tỷ đồng (lớn hơn 35.000 tỷ đồng) và trở thành dự án trọng điểm quốc gia...

Theo Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tại báo cáo kiểm toán Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 tuyến Bến Thành-Suối Tiên (Metro Bến Thành-Suối Tiên) vừa gửi Quốc hội và các Bộ ngành liên quan, UBND TPHCM đã vượt thẩm quyền Quốc hội, Thủ tướng để điều chỉnh tổng mức đầu tư (TMĐT) dự án này hàng chục nghìn tỷ đồng... KTNN cũng chỉ ra hàng loạt sai phạm khác của các tổ chức, cá nhân...
 

Liên tục vượt quyết Quốc hội, Thủ tướng

Khẳng định việc UBND TP HCM vượt quyền, KTNN báo cáo rằng, UBND TPHCM đã có quyết định 4408 ngày 21/9/2011 điều chỉnh TMĐT dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên là 47.325 tỷ đồng (lớn hơn 35.000 tỷ đồng) và trở thành dự án trọng điểm quốc gia. Với loại dự án này, theo Nghị quyết 49/2010 và theo quy định tại Luật Đầu tư công 2014, dự án sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỉ đồng trở lên thuộc dự án trọng điểm quốc gia, phải trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư và Thủ tướng Chính phủ ra quyết định đầu tư. 

Dự án Metro Bến Thành – Suối Tiên phát lộ hàng loạt sai phạm

Chưa hết, UBND TPHCM tiếp tục vượt quyền Quốc hội và Thủ tướng trong việc phê duyệt tại quyết định 299. Theo quy định, khi kéo dài thời gian thực hiện dự án từ một năm trở lên, Chính phủ phải báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định, tuy nhiên, UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ hoàn thành vào năm 2017 sang hoàn thành vào năm 2019 là không tuân thủ trình tự và thẩm quyền.

Ngoài ra, liên quan đến việc điều chỉnh, KTNN khẳng định, quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án được UBND TP HCM thực hiện khi chưa có báo cáo đánh giá hiệu quả đầu tư và chưa rõ ràng về nguồn vốn và quyết định phê duyệt TMĐT điều chỉnh không đúng giá trị lập. Cụ thể, giá trị TMĐT được lập với hai loại tiền, với mỗi loại tiền lại được tính toán trượt giá khác nhau (tiền đồng là 10,6%/năm, tiền yen là 2,4%/năm). Giá trị phê duyệt 236.626 triệu yen chỉ là giá trị tương đương tại thời điểm lập tháng 10-2009. Trường hợp phê duyệt chi bằng một loại tiền yen thì tất cả trượt giá phải được tính theo tiền yen và giá trị TMĐT điều chỉnh chi là 206.126 triệu yen (giảm 30.500 triệu yen)

Theo KTNN, việc Metro Bến Thành - Suối Tiên tăng vốn, ngoài nguyên nhân khách quan (giá nguyên vật liệu tăng và lương tối thiểu tăng từ năm 2006 đến 2009 làm tăng TMĐT lên 40%) thì cơ sở để làm căn cứ tăng vốn của UBND TPHCM là… không có cơ sở.

Cụ thể, cơ quan chức năng TPHCM lấy lý do tăng lưu lượng khách và khối lượng thực tế trong quá trình làm rõ thiết kế cơ sở, làm tăng tổng mức đầu tư lên  lên 43%. Tuy nhiên, dự báo lưu lượng khách là thiếu độ tin cậy và chính xác.

Ngoài ra, lượng khách tính toán tăng đột biến gấp hơn hai lần vào năm 2020 dựa trên thông tin về vận hành thông suốt tuyến số 1, 3a là không có cơ sở và thiếu chính xác.

Mặt khác việc tính toán 15% dự phòng cơ học cho tất cả các gói thầu là chưa phù hợp, nhưng vẫn được áp dụng để tăng TMĐT. Trong khi TMĐT được lập theo phương pháp xác định theo thiết kế cơ sở nhưng hồ sơ thiết kế cơ sở không thể hiện đầy đủ nội dung, hạng mục công trình còn thiếu, không đủ cơ sở. Chính vì vậy, KTNN khẳng định do hồ sơ thiết kế cơ sở không thể hiện đầy đủ, nhiều hạng mục công trình còn có khoảng 60% giá trị, chưa đảm bảo cơ sở để xác định giá trị tính toán...

Ai chịu trách nhiệm?

Theo quy định đơn vị thẩm tra phải do người quyết định đầu tư thuê, ở dự án này, Bộ GTVT có đề nghị nhưng UBND TPHCM vẫn chỉ đạo đơn vị thẩm định sử dụng kết quả thẩm tra TMĐT của tư vấn CPG&SMRT (do JICA thuê) là không phù hợp quy định.

Cũng theo KTNN, công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án tại gói thầu CP1a (đoạn ga Bến Thành – ga Nhà hát TP) còn tồn tại, hạn chế, thiếu sót trong công tác xác định đơn giá và tính toán giá trị là gia tăng giá trị dự toán hơn 1,6 ngàn tỷ chiếm 26,9%. Trong đó, sai đơn giá 1,56 ngàn tỉ đồng.

KTNN chỉ ra giá trị dự toán tính toán lại sau khi loại bỏ các sai sót thấp hơn giá trị trúng thầu 486 tỷ đồng. Ban Quản lý đường sắt đô thị phê duyệt kết quả thẩm định dự toán là không đúng thẩm quyền.

Công tác đàm phán, ký kết hợp đồng thực hiện hợp đồng gói thầu CP1a cũng có những điểm không phù hợp. Cụ thể, không có biên bản đàm phán hợp đồng CP1a giữa đoàn đàm phán với liên danh nhà thầu Sumitomo Mitsui-Cienco4; Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị không có trong danh sách đàm phán nhưng vẫn đàm phán…

 Đối với một số cá nhân sai phạm, KTNN chỉ rõ sai phạm của ông Hoàng Như Cương - Phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị  TP HCM- khi phê duyệt điều chỉnh dự án là trái thẩm quyền. Cụ thể, ông Cương phê duyệt điều chỉnh dự án tại quyết định số 178/QĐ-BQLĐSĐT ngày 7/7/2014 khi chỉ có vai trò là Phó Trưởng Ban mà điều chỉnh tổng mức đầu tư  và quy mô của dự án quan trọng quốc gia trái thẩm quyền. Tương tự Sở KHĐT TPHCM thẩm định dự án phê duyệt cũng không đúng thẩm quyền. Đó là chưa nói nội dung thẩm định không đảm bảo quy định.

Trao đổi với PV, ông Lê Nguyễn Minh Quang (Trưởng BQL đường sắt đô thị TPHCM) cho biết tới thời điểm trên ông vẫn chưa “biết gì” về báo cáo nêu trên của KTNN.  Ông Quang đã xin nghỉ việc từ tháng 7/2018 nhưng chưa được phê duyệt. Việc xin nghỉ việc của ông cũng không dính dáng đến dự án Metro Bến  Thành – Suối Tiên hay báo cáo kiểm toán vừa công bố. 

Trước đó, theo dự kiến, vào ngày 26/12/2018, BQL đường sắt đô thị TPHCM họp báo và dự kiến ông Quang với tư cách phát ngôn sẽ trả lời về các sai phạm tại dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên, tuy nhiên chiều tối 25/12, ông Đỗ Hoài Thư, Chánh văn phòng BQL cho PV biết UBND TPHCM đã có chỉ đạo hoãn họp. Lý do, theo ông Thư giải đáp là… chưa phù hợp.

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Bình luận mới nhất