| Hotline: 0983.970.780

Trách cứ chi thêm đau lòng

Thứ Tư 13/07/2011 , 11:49 (GMT+7)

Bị cha mẹ, người thân cự tuyệt, không quan tâm chăm sóc trong những ngày tháng bệnh tật khó khăn nhất nhưng bệnh nhân HIV Nguyễn P.A. (SN 1980 tại Đông Anh, Hà Nội) vẫn dằn lòng chấp nhận tất cả, không dám trách cứ điều gì “bởi những gì đáng được hưởng thì đã được hưởng hết rồi”.

>> Cô độc cuối đời

KHÔNG DÁM TRÁCH MÓC AI

P.A. vào Bệnh viện 09 điều trị từ tháng 9/2009 và kể từ đó đến nay, chưa bao giờ người thân trong gia đình đến thăm cô, dù chỉ một lần.

"Mọi người biết nơi em ở nhưng không ai vào. Sau này nếu em chết chắc các bạn trong bệnh viện sẽ lo hậu sự cho chứ em cũng không trông mong gì ở gia đình. Nhưng em không trách ai đâu. Nếu không có bà ngoại, các cô dì chú bác bên ngoại thì có lẽ em đã chết từ khi mới lọt lòng mẹ. Mẹ bỏ em ngay khi vừa sinh xong. Sống được đến ngày hôm nay, em không có gì phải trách móc những người thân trong gia đình nữa. Những gì cần cho em, họ đã cho rồi. Những gì em đáng được nhận từ họ thì em cũng đã được nhận rồi”, P.A. chia sẻ.

Nụ cười yếu ớt của cô cố gắng nở trên môi không đủ sức ngăn cản nước mắt rơi xuống càng làm người đối diện cảm nhận rõ ràng hơn về bi kịch mà cô gái trẻ đang trải qua từng ngày…

Phải khóc mất một lúc, P.A. mới tiếp tục kể về gia cảnh của mình. Sinh ra trong một gia đình nông thôn ở huyện ngoại thành Đông Anh, Hà Nội, mẹ P.A. cũng là dân tứ chiếng giang hồ và bỏ P.A. ngay khi vừa đẻ xong. Năm nay đã ngoài 30 nhưng cô chưa biết mặt mẹ. Cô cũng có rất nhiều anh chị em nhưng mỗi người một bố. Đến năm lên 10 tuổi, cuộc đời P.A rẽ sang một trang mới khi mẹ cô bị đi tù vì buôn bán ma túy.

P.A. lớn lên trong sự bao bọc của bà ngoại, các cô dì chú bác bên ngoại thay phiên nhau chu cấp tiền để nuôi cô bé trưởng thành. Nhưng trong môi trường không được giáo dục đầy đủ, lại suốt ngày nghe được những lời đàm tiếu, chì chiết về mẹ mình, P.A. càng lớn càng trở thành đứa bé lầm lì, ít nói. Đến tuổi trưởng thành, cô ngày càng lộ rõ tính cách bướng bỉnh, ngang tàng, luôn chống đối mọi người trong gia đình.

“Nhiều người ghét em, bảo em không biết thân biết phận. Nhưng đó là do em tủi thân, tự ti, hễ cứ ai đụng vào em là em xù lông lên như một cách tự vệ”, P.A. kể.

Khi được hỏi liệu P.A. có biết lý do vì sao gia đình mình lại có thể dứt bỏ được mối quan hệ ruột thịt trong suốt một thời gian dài như vậy không thì cô gái mau mắn trả lời bằng sự từng trải của mình: “Vì trước đây sự gắn kết của em với tất cả mọi người trong nhà đã lỏng lẻo sẵn rồi, chưa kể em còn là gánh nặng cho mọi người từ nhỏ tới lớn. Nhưng quan trọng nhất là vì không ai nhìn thấy tương lai của em. Không ai lại bỏ công chăm chút cho một cái cây mà người ta biết chắc là không bao giờ đơm hoa kết trái. Điều đó là bình thường”.

Ít hơn P.A. 1 tuổi là N., cậu thanh niên vào điều trị trong bệnh viện được 1 năm nay. Trước đây khi bị cha mẹ, bạn bè lạnh nhạt, N. còn nghĩ có khi như thế lại tốt, vì gia đình làm vậy sẽ khiến N. bớt ân hận, day dứt. Nhưng vài lần chứng kiến những lần ra đi của bạn AIDS cùng phòng, N. đâm ra sợ hãi.

"Cả năm vừa rồi mà mẹ vào thăm em có 1 lần. Em nhớ nhà lắm, nhớ cả thằng em nhỏ ở nhà. Em cũng không dám về thăm vì sợ hàng xóm dị nghị, xa lánh người thân của mình. Cứ thế này thì có khi em chết một mình ở đây mất. Lần mẹ vào thăm, em đã kể mẹ nghe về những người bạn chết trong cô độc. Mẹ đã hứa sẽ không để em như vậy rồi khuyên em chịu khó điều trị để mẹ còn được nhìn thấy em ngày nào thì tốt ngày đó…", N. ngậm ngùi nói.

KHÓC MẤY NGÀY VÌ CÓ BẠN ĐẾN THĂM

Hầu hết những bệnh nhân HIV/AIDS vào Bệnh viện 09 điều trị đều cắt đứt toàn bộ liên lạc với bạn cũ vì ngại ngùng, xấu hổ. Mối liên hệ với gia đình rất lỏng lẻo khiến họ như sống trong một “ốc đảo” giữa thành phố nhộn nhịp này. Tuy nhiên, cuộc sống buồn bã trầm lắng của họ thi thoảng cũng có những ngày tươi sáng, vui vẻ khi bất ngờ họ được một người bạn cũ đến thăm.

P.A. ở trong bệnh viện 2 năm thì bỗng được thông báo có người đến thăm. Cô tò mò, hồi hộp và xúc động khôn tả, bởi suốt hơn 2 năm vừa rồi mọi người dường như đã quên mất sự hiện diện của cô trong cuộc đời này. Hấp tấp chạy ra phòng khách của khu điều trị, P.A. sững người khi thấy một cô gái trẻ trạc tuổi mình đang ngồi đợi. Xa nhau quá lâu, P.A. không nhận ra người bạn học cùng thôn với mình. Hai người chơi với nhau đến hết lớp 9 thì mất liên hệ vì P.A. nghỉ học và bắt đầu một trang mới của cuộc sống với những người bạn chơi bời.

Nhìn thấy bạn, P.A. khóc nức nở. Cả hai chẳng nói năng được nhiều vì toàn chuyện buồn không ai dám chủ động khơi ra. Bạn ra về rồi mà P.A. vẫn lâng lâng sung sướng, cảm thấy cuộc gặp gỡ vừa rồi như chuyện xảy ra trong giấc mơ. “Mấy hôm sau cứ nghĩ đến chuyện đó là em lại chảy nước mắt. Em cứ tưởng ngoài những người cùng cảnh ngộ như em ra thì chẳng còn ai trên đời nhớ đến em nữa”, cô kể lại.

Cùng sống trong bệnh viện với nhau, những bệnh nhân HIV/AIDS rất nhanh chóng làm quen, hòa đồng và tự nguyện gắn kết thành một gia đình. Người ăn chơi trác táng, người hung hãn đầu gấu đến mấy cũng trở nên thuần tính để có cơ hội bước chân vào tổ ấm cuối cùng của cuộc đời.

Là “chị cả” trong đại gia đình này, P.A cho biết tất cả mọi người sống chan hòa, giúp đỡ, sẻ chia với nhau mọi chuyện. Hôm nào có khách là người thân của ai đó đến thăm là cả khu điều trị vui vẻ, rộn ràng hẳn lên. “Bên ngoài thì thế thôi, người thân về rồi là đêm đó bao nhiêu người mất ngủ vì khóc thầm”, cô nói.

Là con trai nhưng N. không ngại ngần việc gì, kể cả những việc “tế nhị” của các bạn gái. “Em đã nhiều lần thay bỉm cho các bạn gái có “H” ở trong bệnh viện này vì các bạn ốm yếu quá, chân tay không nhấc lên nổi. Không có cảm giác ghê ghê, chỉ cảm thấy thương bạn vô cùng và sợ cái ngày đó sẽ đến với mình nhanh chóng”, N thành thật chia sẻ.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.