| Hotline: 0983.970.780

Trái chiều về dự án đường sắt “siêu tốc”: Quyết kỳ này hay để kỳ sau?

Thứ Tư 09/06/2010 , 09:55 (GMT+7)

Đa số ý kiến ủng hộ mạnh mẽ, phía không ủng hộ cũng rất quyết liệt…

ĐBQH thảo luận sôi nổi tại hội trường
Hôm qua, Quốc hội dành trọn cả ngày thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Hà Nội-TPHCM. Đa số ý kiến ủng hộ mạnh mẽ, phía không ủng hộ cũng rất quyết liệt…

"Thú thật IQ của tôi hơi thấp"

Theo đánh giá của một số vị đại biểu, dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TPHCM là ý tưởng “lãng mạn”, là “mơ ước của tương lai”. Nhưng muốn biến ước mơ thành hiện thực còn phụ thuộc vào tiềm lực kinh tế, trong khi nguồn “quốc khố” thì có hạn. Không ít ý kiến khác lại cho rằng, việc đầu tư hoàn toàn nằm trong khả năng của Việt Nam, dù có phải đi vay nhiều chục tỷ USD.

Mở đầu cuộc thảo luận, ĐB Lương Phan Cừ đến từ tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh đường sắt cao tốc Hà Nội- TPHCM là đại dự án, không chỉ được dư luận trong nước mà cả kiều bào hết sức quan tâm. Sự chuẩn bị của Chính phủ về dự án này có trách nhiệm, phân tích nhiều vấn đề, nhiều lý giải khá thuyết phục. “Tôi cho rằng việc đầu tư dự án là cần thiết, chưa nói là chậm. Có đường sắt cao tốc đi qua dải đất miền Trung như đánh thức “nàng tiên đang ngủ trong rừng”, như kho báu du lịch được khai thác".

“Qua tiếp xúc với cử tri ở tỉnh Hà Nam, cử tri đều bày tỏ sự phấn khởi và đồng tình cao với chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc”- ĐB Trần Tiến Cảnh (Hà Nam) tiếp lời. Theo ông Cảnh thì “những nơi có chỉ số IQ cao thì họ có đường sắt cao tốc, Việt Nam ta cũng có chỉ số IQ cao”. Tuy nhiên ĐB Nguyễn Minh Thuyết lại có ý kiến trái chiều: “Tôi xin nói thật với Quốc hội là chỉ số IQ của tôi hơi thấp, cho nên chắc chắn tôi không tán thành đại dự án này”. Theo ông, “âm hưởng” chủ đạo của tất cả văn bản liên quan đến dự án là bác bỏ mọi giải pháp phát triển giao thông, mọi giải pháp phát triển đường sắt để áp đặt vị trí “độc tôn” của dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Thủ tục thẩm tra thẩm định dự án không đảm bảo khách quan, vì lập dự án là liên doanh tư vấn Việt Nam - Nhật Bản, thẩm định dự án liên doanh tư vấn lại là Nhật Bản - Việt Nam là điều rất khôi hài (!).

ĐB Thuyết cũng đề nghị Quốc hội tiếp tục theo dõi sau khi thông qua chủ trương thì ai sẽ trúng thầu, sẽ biết ở đây có chuyện khách quan hay không? Điều nữa khiến ông thiếu tin tưởng là vì toàn bộ các thành viên của hội đồng thẩm định nhà nước mà không có bất kỳ một chuyên gia nào về đường sắt mà toàn là quan chức, gồm một đồng chí Bộ trưởng, và tám đồng chí Thứ trưởng. Còn để xem hiệu quả của dự án thế nào, ông đề nghị “mời các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư theo kiểu BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) xem có ai chấp nhận không? Thậm chí Quốc hội sẵn sàng đề nghị Chính phủ miễn thuế 10 năm đầu cho dự án này chắc chắn không có nhà đầu tư nào vào đầu tư BOT ở đó cả”.

Ông Thuyết cũng cho rằng, tính hiệu quả kinh tế của dự án thấp đến mức Tờ trình của Chính phủ phải đề xuất phương án khai thác quỹ đất quanh khu ga, khai thác các dịch vụ ngoài vận tải để tăng tỷ lệ nội hoàn tài chính từ 2,4% hoặc 3%, tức là thấp hơn mức gửi tiết kiệm lên 8,3%. “Đó là một bài toán tính quẩn, làm đường cao tốc cuối cùng lại phải dựa vào quỹ đất, dịch vụ để tăng tỷ lệ nội hoàn tài chính lên, như vậy là thế nào? “Tàu nhanh” chỉ đỗ 3 phút, 5 phút thôi thì làm dịch vụ kiểu gì?

“Ủng hộ hay không ủng hộ thì cũng chỉ vì sự phát triển đi lên của đất nước mà thôi, do đó hết sức bình tĩnh để lắng nghe ý kiến của nhau, không khéo thì ông nào phát biểu tán thành thì coi như chỉ số IQ cao, ông không tán thành coi như chỉ số IQ thấp, đâm ra không hay”, ĐB Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) "dàn hòa". Theo ý kiến đáng lưu tâm của ông Thanh thì trong dự án không thấy đề cập hàng trăm cầu vượt và hầm chui, lại thêm hàng rào hai bên thì cũng đã ngót nghét gần 10 tỷ USD, đề nghị phải đưa hết vào trong dự án.

“Tôi tán thành chủ trương của Chính phủ là làm trước 2 đoạn Hà Nội - Vinh và TPHCM - Nha Trang nhưng nên rút ngắn thời gian hoàn thành dự án. Đường sắt cao tốc chỉ phát huy tác dụng khi nào thông tuyến, khi nào đi ngang Đà Nẵng thì lúc đó mới có hiệu quả”- ông Thanh khẳng định. Ông Thanh đề nghị ngay từ bây giờ khoán tuyến cho đường sắt cao tốc trong vòng 3 năm phải tập trung giải tỏa xong, “đoạn qua Đà Nẵng chúng tôi đăng ký khoảng 1,5 - 2 năm giải tỏa hết”.

Làm nhưng thận trọng

“Đường sắt cao tốc không phải là dự án ưu tiên hàng đầu, mà ưu tiên số 1 là đầu tư cho nông nghiệp để 70% nông dân được hưởng lợi. Với 28 tỉnh, thành phố ven biển, tại sao ta không xây dựng dự án chuyên chở hành khách bằng tàu thủy cao tốc, vừa khắc phục được giải phóng mặt bằng, không phải di dân vừa không phải lấy đất trồng lúa”- ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng)

“Có người ví dự án đường sắt cao tốc sẽ “đánh thức nàng tiên ngủ trong rừng” là rất lãng mạn. Nhưng tôi rất hồi hộp xem câu đầu tiên mà nàng tiên lúc mở mắt ra nói gì? Chắc nàng sẽ hỏi: Anh ơi, tiền đâu? Như thế rất nguy hiểm! Tôi xin nói thật với Quốc hội là chỉ số IQ của tôi hơi thấp, cho nên chắc chắn tôi không tán thành dự án này” -ĐB Nguyễn Minh Thuyết

Đánh giá rất cao tư duy trong dự án về đường cao tốc “nhưng tôi thấy có lẽ chúng ta chưa nên làm mà hãy để đến năm 2020”, ĐB Nguyễn Văn Thuận (Quảng Nam) kiên trì quan điểm mà ông đã phát biểu trước đó ở tổ. Lý do ông “chưa ủng hộ chủ trương ngay tại kỳ họp này và kể cả trong nhiệm kỳ này và một vài nhiệm kỳ tới” là phải xem tiềm lực kinh tế và năng lực quản lý điều hành như thế nào.“Không ai cấm chúng ta ước mơ, trong những năm 80 của thế kỷ trước chúng ta đã đưa người lên vũ trụ, nhưng điều đó không có nghĩa là tiềm lực kinh tế của Việt Nam và khả năng chiếm lĩnh khoa học công nghệ của chúng ta lúc bấy giờ và ngay bây giờ chúng ta đã ở tầm vũ trụ”, ông Thuận nói.

Theo phân tích của ĐB Thuận, chúng ta muốn làm thì phải đi vay, chắc là vay Nhật Bản, WB hay ADB, nhưng ADB và WB đã từng cảnh báo "chớ leo cao ngã đau". “Đã có ai trong chúng ta ngồi đây dự báo được trong 10 - 20 năm tới kinh tế Nhật Bản sẽ phát triển theo hướng nào, đi lên hay đi xuống hay dậm chân tại chỗ?”, ông Thuận nêu.

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đặt câu hỏi: Tại sao đến nay trên thế giới có rất nhiều nước mà chỉ có 11 nước có đường sắt cao tốc, đặc biệt là một số nước phát triển như G7 cũng chưa xây dựng đường sắt cao tốc. Trong khi chúng ta đang triển khai một loạt các dự án lớn như thủy điện, điện hạt nhân, chủ yếu bằng nguồn vốn đi vay, bây giờ thêm dự án này liệu ngân sách có gánh vác nổi?

Trước những ý kiến trái chiều, ĐB Trần Du Lịch cho rằng đây là quyết định rất khó khăn. Nhưng “cá nhân tôi phải có chính kiến rõ ràng tại kỳ họp này, không để cho kỳ họp nào khác hay để cho Quốc hội nào khác”. Vị ĐB-Tiến sĩ này đề nghị đồng ý chủ trương cho thiết kế lập đề án, Chính phủ phải giải trình thêm, báo cáo Quốc hội trong quá trình thực thi và nên chọn hình thức hợp tác công - tư (PPP), xác định phần nhà nước hỗ trợ, còn lại khai thác theo hướng đa dạng hóa các doanh nghiệp.

ĐB Dương Trung Quốc: Dục tốc bất đạt  

Có những cái thời gian ủng hộ chúng ta nhưng có những cái không ủng hộ. Có đường sắt cao tốc, xã hội có thay đổi tương ứng không? Tôi rất phân vân, không lẽ 25 năm nữa, một đất nước công nghiệp rồi mà ta còn đi vay ODA và tất cả các lợi ích cục bộ của địa phương đều “đòi” đường sắt đi qua làng mình, có ga đậu ở tỉnh mình. Tôi rất đồng tình với các ĐB nói rằng đây là “dự án tư duy của những người đi lại bằng tiền của nhà nước”. Một dự án mà ai cũng phải tiếc, giàu cũng tiếc, nghèo cũng tiếc, giàu thì tiếc thời gian, nghèo thì tiếc tiền. Dục tốc bất đạt, chắc đánh chắc thắng, chắc thắng mới đánh, Bác Hồ đã dạy như thế thì có nên vội vã trước một năm hay sau một năm không? Ở đây lý lẽ ủng hộ và không ủng hộ đều rất xác đáng nên ta chậm lại một năm để lấy sự đồng thuận của người dân thêm nữa. QH nên lùi lại một chút hãy thông qua.  

ĐB Lê Việt Trường (An Giang): Rằng hay thì thật là hay, nhưng mà bấm nút kỳ này rất lo

Trước câu hỏi tại sao có sự chênh lệch vốn lớn thế, TGĐ TCty Đường sắt VN trả lời đấy là do phía Nhật chứ chúng tôi làm gì đủ khả năng lập dự án. Là người đứng đầu, nay mai được giao là chủ đầu tư mà nói như vậy thì ĐBQH làm sao tin được? Rằng hay thì thật là hay, nhưng mà bấm nút kỳ này rất lo. 

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên: Tiếp tục lấy ý kiến các ĐBQH 

39 ĐBQH với trách nhiệm rất cao cho ý kiến về dự án với cách tiếp cận rộng hẹp khác nhau nên có nhiều ý kiến khác nhau, trái ngược nhau. Đề nghị QH giao cho UBTVQH chỉ đạo các cơ quan hữu quan tổng hợp lại. Sau khi UBTVQH bàn sẽ gửi đến các ĐBQH xin ý kiến tiếp, có báo cáo giải trình trước khi QH ra Nghị quyết về vấn đề này. UBTVQH sẽ họp trước ngày 14/6 bàn trước khi có ý kiến thông qua.  

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: QH quyết định như thế nào Chính phủ chấp hành

Chúng ta quyết định theo đa số. Thăm dò và biểu quyết cuối cùng là do ĐBQH. QH quyết như thế nào thì Chính phủ sẽ lắng nghe. Nếu chưa thông qua kỳ này, QH yêu cầu chuẩn bị lại, bổ sung thì Chính phủ bổ sung. Chính phủ chấp hành thôi. Nếu QH bảo phải làm khả thi hơn để QH xem lại lần nữa thì lắng nghe ý kiến của QH một cách đúng mức. Đó không phải hình thức mà đó thực sự là nội dung, rất lắng nghe trên cơ sở quyết định của QH.

VŨ MINH VIỆT (ghi) 

 

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hội các ngành Sinh học Việt Nam ra mắt Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới

Hội các ngành Sinh học Việt Nam ngày 29/3 đã ra mắt Ban Chấp hành khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029 với 49 Ủy viên.

Bình luận mới nhất