| Hotline: 0983.970.780

Trại gà nơi rú cát

Thứ Sáu 02/11/2012 , 14:30 (GMT+7)

Để có mô hình chăn nuôi quy mô đủ tiêu chuẩn như hiện nay, chị Tỵ đã đầu tư gần 2 tỷ đồng vừa lập trang trại, trồng cây xanh.

Giữa vùng rú cát nội đồng mênh mông, một thời người ta chỉ biết đến nạn cát bay cát nhảy, trồng cây rừng để ngăn cát giữ đất. Ấy thế mà có một người phụ nữ “dám” ra giữa trảng cát lập trang trại gà an toàn sinh học, bắt cát phải quy phục dưới bàn tay con người.

Chị là Trần Thị Tỵ (phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà, TT- Huế)- nông dân SX giỏi được tặng bằng khen của huyện, tỉnh cũng như trung ương.

Một mình giữa trảng cát

Để có một “cơ ngơi” là trại gà sinh học (vùng rú cát xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền, TT- Huế) với con số lên đến 10.000 con cùng 4 ao cá và vườn cây trên diện tích gần 3 ha như hiện nay, chị Trần Thị Tỵ đã vượt qua không biết bao nhiêu khó khăn, kể cả những đắng cay với nghề nuôi gà khi mà dịch bệnh ập về khiến nghề này không khác gì một canh bạc!

Ngồi trò chuyện giữa vườn cây đã xanh trên vùng cát, chị nhớ lại: “Từ quy mô chăn nuôi gà trong gia đình, năm 2004 mình đầu tư hơn 200 triệu đồng mở trang trại nhỏ tại thị trấn Tứ Hạ. Buổi đầu chồng chất khó khăn từ cơ sở trang trại cho đến kinh nghiệm, mình phải mày mò tìm hiểu kỹ thuật nuôi.

Số gà ngày đêm mình thức khuya dậy sớm chăm bẵm bấy lâu sắp đẻ trứng thì “mùa” dịch ập đến. Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, cả nghìn con gà phải tiêu hủy trong nháy mắt. 200 triệu đồng đầu tư chưa thu lại được đồng nào đành sạch vốn”.

Bị dính “vố” đầu tiên, không nản, chị tiếp tục vay mượn bà con để có nguồn vốn đầu tư gà giống lại từ đầu. Thế nhưng 1.000 con gà được chị đầu tư nuôi trong thời gian này khi chưa thu được đồng nào thì bị vướng vào quy định cấm nuôi gia cầm trong nội thị.

Thế là, không còn cách nào khác chị phải “ôm” cả trang trại ra với vùng rú cát xã Quảng Vinh dừng chân để kiếm quỹ đất đầu tư lâu dài. Sau khi được UBND huyện Quảng Điền giao đất nơi rú cát, năm 2008, chị bắt tay vào cải tạo vùng cát, lập trang trại gà và nuôi cá.

Trại gà sinh học

Để có mô hình chăn nuôi quy mô đủ tiêu chuẩn như hiện nay, chị Tỵ đã đầu tư gần 2 tỷ đồng vừa lập trang trại, trồng cây xanh. Chị Tỵ cho biết: “Con giống mình chọn đưa vào nuôi là loại gà siêu trứng Hyline nhập từ Mỹ, năng suất cao, ít hao thức ăn. Gà 17 tuần tuổi có trọng lượng hơn 1,5 kg và bắt đầu đẻ trứng. Chi phí thức ăn tối đa 90g/ngày, chỉ bằng 75% so với các giống gà đẻ trứng khác”.

Hiện trang trại của chị Tỵ có quy mô 2.000 m2 với 4 dãy chuồng phục vụ nuôi gà, có giàn mát làm bằng hơi nước đảm bảo nhiệt độ đủ mát, có quạt hút gió và đường ống nước sạch tự động phục vụ nước uống cho gà... Với 10.000 con gà siêu trứng Hyline hiện có, bình quân mỗi ngày cơ sở thu về và bán ra thị trường trên 5.000 quả trứng, cho thu nhập bình quân mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Trứng gà từ trang trại của chị đã có mặt ở các siêu thị lớn nhỏ trong và ngoài tỉnh. Từ việc mang trứng đi “bỏ mối” cho các tiểu thương, đến nay, đầu ra trứng gà của trang trại chị Tỵ đã có thị trường ổn định. Chị Tỵ tâm sự: “Khi bỏ hàng cho các siêu thị, mình luôn đảm bảo chất lượng trứng gà, đây là nguồn thị trường ổn định nên uy tín phải luôn được chú trọng”.

Với những thành tích đạt được, năm 2008, chị Trần Thị Tỵ được tặng thưởng Bằng khen của Hội Nông dân VN, năm 2010 chị lại vinh dự được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Mới đây, chị là nữ nông dân tiêu biểu, duy nhất tại TT- Huế được xét làm hồ sơ đề nghị Hội đồng quản lý quỹ giải thưởng tài năng phụ nữ VN, trao giải thưởng phụ nữ VN.

Công việc hàng ngày của chị Tỵ phải tất bật lúc tờ mờ sáng. Mặc dù đã có nhân công nhưng bà chủ vẫn làm quen tay. Ngoài đứng ra quản lý trang trại, những lúc thời gian rảnh rỗi, chị lại không ngừng học hỏi, trao dồi kiến thức về chăn nuôi từ các nguồn sách, trên mạng internet…

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi gà đẻ trứng, chị cho biết: “Ngoài các yếu tố về chuồng trại phải bố trí khoa học, khi cung cấp thức ăn, chăm sóc cần đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật như cho gà ăn đúng thời gian và đủ khẩu phần, sáng 30%, chiều 70% lượng thức ăn trong ngày; luôn đảm bảo nhiệt độ trong chuồng và thời gian chiếu sáng mỗi ngày.

Để gà phát triển và cho trứng đạt chất lượng, phòng tránh được dịch bệnh nơi trang trại thì mình phải thực hiện nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi từ khâu cho gà ăn đến việc phun thuốc khử trùng, tiêm phòng dịch, vệ sinh chuồng trại đúng định kỳ”.

Nói về dự định trong tương lại, chị Tỵ chia sẻ: “Trang trại của mình giải quyết việc làm cho 10 lao động, về quỹ đất đã đủ, nếu có điều kiện mình sẽ đầu tư thêm hai dãy chuồng, mở rộng chăn nuôi, nhà kho để kết hợp thêm nuôi cá. Mình vừa có thêm thu nhập và giải quyết việc làm cho thêm nhiều lao động ở nông thôn”.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Thủ phủ cam Cao Phong tái canh để cứu cây đặc sản

Cao Phong, Hòa Bình từng là thủ phủ cam nổi tiếng của miền Bắc nhưng khi giá bán hạ, bệnh phát sinh khiến địa phương này phải tính đến bài toán tái canh.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.