| Hotline: 0983.970.780

Trại gấu làm xấu Hạ Long

Thứ Ba 17/12/2013 , 10:00 (GMT+7)

Dù được các cơ quan chức năng quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, song vì “quá khứ” để lại nên các trại nuôi gấu tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) vẫn tồn tại và việc hút trộm mật gấu còn lén lút xảy ra.

Dù được các cơ quan chức năng quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, song vì “quá khứ” để lại nên các trại nuôi gấu tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) vẫn tồn tại và việc hút trộm mật gấu còn lén lút xảy ra.

XE DU LỊCH VÀO TRẠI ĐỀU ĐỀU 

Qua số liệu Chi cục Kiểm lâm Quảng Ninh cung cấp, trên địa bàn tỉnh còn lại 3 trại gấu lớn, chủ yếu tập trung ở TP Hạ Long với số lượng xấp xỉ 200 con. Chúng tôi tìm hiểu và được biết, 3 trại gấu đang hoạt động tại Quảng Ninh là Trại Nông Trang thuộc tổ 95, khu Đồn Điền, phường Hà Khẩu, TP Hạ Long; Trang trại Việt Thái, thôn Cầu Trắng, xã Đại Yên, TP Hạ Long và Trại Plus 1 - tên gọi khác là Trường Thịnh 2, thôn Minh Khai, xã Đại Yên, TP Hạ Long.

Lãnh đạo một tổ chức xã hội chuyên về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam chia sẻ, qua các chuyến đơn vị này cử người theo dõi, điều tra định kỳ hằng tháng thực tế tại TP Hạ Long nhận thấy các trại gấu được quản lý bởi 3 người Việt Nam là ông Nguyễn Thanh Nhượng (SN 1971 thôn Đường Ngang, xã Minh Thành, huyện Yên Hưng), ông Nguyễn Trọng Bờ (SN 1958, trú tổ 11, khu 9, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long) và ông Nguyễn Mạnh Trường (SN 1974 xóm 3, xã Yên Giang, huyện Yên Hưng).


Những con gấu bị nuôi nhốt ở Hạ Long sống rất cực khổ

Tuy nhiên, hoạt động 3 trại gấu này phần lớn do ông Nguyễn Thanh Nhượng đứng ra điều hành, quản lí.

Cũng theo đơn vị này, họ nghi ngờ có hai người Hàn Quốc tham gia vào hoạt động du lịch trại gấu là ông P.J.W và C.S.H. Sở dĩ hai người Hàn Quốc này nằm trong diện tình nghi có liên quan đến việc hút mật gấu bởi thường xuyên thấy họ xuất hiện tại các trại gấu khi có xe du lịch vào trại.

Hai vị khách Hàn Quốc này còn mở một trung tâm chăm sóc sức khỏe và bán thuốc đông y tại khu vực chợ Cái Dăm, TP Hạ Long. Đặc biệt, theo điều tra của tổ chức này thì chiếm tới 80 - 90% người mua mật gấu tại TP Hạ Long là các du khách người Hàn Quốc nên càng có cơ sở để nghi ngờ hai vị khách Hàn Quốc kia đứng đằng sau các vụ môi giới “du lịch trại gấu”.

Việc các trại gấu lén lút hút mật là có và các cơ quan chức năng tại Quảng Ninh cũng phải thừa nhận, nhưng theo quy định phải bắt được quả tang mới có căn cứ xử lí. Việc này giờ gần như khó thực hiện được do sự cảnh giác, tinh vi cộng với nguyên tắc bất thành văn “không giao dịch với người Việt Nam” của các chủ trại.

Bản thân chúng tôi nhiều lần theo dõi tại cổng các trại gấu vẫn thấy xe du lịch ra vào (tuy không còn nhộn nhịp như trước đây), song để bắt quả tang, chụp ảnh, quay video như một số lần trước đây thì không thực hiện được.

Nói như vậy không có nghĩa là hết cách, bởi tỉnh Quảng Ninh, Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT-DL), Bộ GT-VT… đều đã có công văn nghiêm cấm các đơn vị lữ hành, vận tải chở du khách tới các trại gấu tại TP Hạ Long. Do đó, việc các xe du lịch vào các trại gấu vì bất cứ lí do gì đi chăng nữa đều không thể chấp nhận được và mọi lời giải thích sẽ đều không thỏa đáng.

CHẲNG LẼ BÓ TAY?

Theo các quy định, quy chế quản lí nuôi gấu mà Bộ NN-PTNT đã ban hành, mọi hành vi hút mật, buôn bán, giết thịt, quảng cáo trại gấu… dưới mọi hình thức đều bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, do quá khứ để lại nên tất cả số lượng gấu đã bị mua bán trước đó được giao lại cho chủ nhân của chúng chăm sóc và phải được đăng ký quản lí và gắn chíp 100%. Đây chính là vướng mắc khiến việc nuôi nhốt gấu lấy mật bao nhiêu năm qua chưa được giải quyết triệt để.

Thật khó để các chủ trại gấu chấp nhận “nuôi báo cô” hàng trăm con gấu cho đến lúc chúng già và chết đi. Vì vậy, bằng cách này hay cách khác, họ vẫn lén lút hút mật bán cho khách.

Trong một lần công khai tiếp cận trại gấu của ông Nguyễn Thanh Nhượng, chúng tôi thấy hoàn cảnh của những con gấu ở Hạ Long giờ vô cùng thương tâm do bị bỏ đói, răng rụng gần hết vì phải ăn thức ăn của lợn, một số con đã bị chết do bệnh tật. Như lời ông Nhượng, chi phí thức ăn, chăm sóc cho mỗi con gấu tốn khoảng 100.000 đồng/ngày, nhân lên với hàng trăm con là cả chục triệu đồng, vậy số tiền này ở đâu mà ra?

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh cho biết, mặc dù đơn vị làm rất gắt gao, quyết liệt nhưng không ai nắm tay các ông chủ trại gấu từ sáng đến tối được. Quả thực như vậy, ngoài các việc liên quan đến gấu, kiểm lâm họ còn trăm công ngàn việc khác phải lo.

Chúng tôi được biết, trước đây có một thời gian lực lượng liên ngành của Quảng Ninh gồm kiểm lâm, công an, chính quyền địa phương ra quân thành lập đoàn công tác đã phát hiện và xử lí không ít vụ xe du lịch vào trại gấu. Tuy nhiên, chiến dịch hết, việc thanh kiểm tra thưa dần thì đâu lại vào đấy.

Chẳng lẽ lại bó tay không còn cách nào để chấm dứt nạn hút mật gấu tại Hạ Long? Trao đổi với chúng tôi, TS Tuấn Bedixen - Trưởng đại diện Tổ chức Động vật Châu Á tại Việt Nam, đơn vị trực tiếp quản lí, điều hành Trung tâm Cứu hộ gấu Tam Đảo, hiến kế: Thực tế cho thấy, việc dùng các biện pháp hành chính, công văn với các trại gấu tuy có đem lại hiệu quả, song không giải quyết được gốc dễ của vấn đề. 

Kinh nghiệm chỉ ra rằng, nếu kết hợp việc tuyên truyền cộng duy trì đoàn công tác liên ngành đóng chốt tại cổng các trại gấu, hiệu quả rất cao. Nhưng do điều kiện kinh phí nên những đợt ra quân chỉ kéo dài trong vài ba ngày, chưa đủ gây áp lực cần thiết tới các trại gấu.

Do đó, TS Tuấn Bedixen đề xuất, phía Tổ chức Động vật Châu Á sẵn sàng hỗ trợ một khoản kinh phí nhất định để duy trì các tổ công tác liên ngành cắm chốt tại cổng các trại gấu trong vòng từ 1 - 2 tháng. Qua đó, mọi hoạt động ra vào đều được kiểm soát, chắc chắn các trại gấu không thực hiện được hành vi hút mật, về lâu dài họ sẽ tự chán nản và giao nộp lại gấu cho các trung tâm cứu hộ.

Đề nghị được hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Quảng Ninh duy trì tổ công tác đóng chốt tại các trại gấu của TS Tuấn Bedixen là kế sách rất hay vì tránh được việc Nhà nước hỗ trợ tiền cho hành vi phạm pháp, song lại gây được áp lực cần thiết để các chủ gấu buộc phải nghĩ tới việc phải bàn giao gấu của mình cho các tổ chức cứu hộ do bị cắt hết nguồn tài chính. Vấn đề còn lại bây giờ là các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh có đồng ý với ý tưởng này hay không mà thôi.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.