| Hotline: 0983.970.780

Trái tim như ngọc sáng ngời

Thứ Ba 19/02/2013 , 10:00 (GMT+7)

22 năm sau vụ án Lệ Chi viên, vua Lê Thánh Tông chính thức xuống chiếu chiêu tuyết cho Nguyễn Trãi. Riêng với Nguyễn Thị Lộ, thì nỗi oan vẫn còn nguyên.

22 năm sau vụ án Lệ Chi viên, vua Lê Thánh Tông chính thức xuống chiếu chiêu tuyết cho Nguyễn Trãi. Riêng với Nguyễn Thị Lộ, thì nỗi oan vẫn còn nguyên.

>> Ả ở đâu ta...?

Nhiều sử gia phong kiến vẫn hạ những lời rất bất công với bà. Nhưng, nhân dân rất công bằng. Bất cứ ai dùng quyền lực hay sự xảo trá để nguỵ tạo lịch sử, thì dù có bịt mắt được nhất thời, cũng không thể che mắt nhân dân mãi mãi.

Ngày nay, bức màn bí ẩn bao phủ vụ án Lệ Chi viên đã bị xé toang. Lê Thái Tông là vị vua ham sắc. Chưa đầy 20 tuổi vua đã có tới 5 hoàng phi, chưa kể rất nhiều cung nữ. Trong 5 hoàng phi, 4 bà đã sinh được mỗi bà một hoàng tử, theo thứ tự là Nghi Dân, Khắc Xương, Bang Cơ, Tư Thành. Cuộc dành ngôi thái tử cho con mình giữa các hoàng phi, vì thế trở nên quyết liệt, sống mái.

Trước đó, Nghi Dân đã được lập làm thái tử. Mẹ Khắc Xương không được vua sủng ái, sống thầm lặng trong cung. Bang Cơ là thứ ba, nhưng việc tiểu thư Nguyễn Thị Anh mang thai trước khi trở thành hoàng phi, và vào cung mới 6 tháng thì sinh Bang Cơ, đã được hai viên hoạn quan là Đinh Thắng, Đinh Phúc ghi chép tường tận rồi bí mật báo với Nguyễn Trãi, khuyên Nguyễn Trãi tố cáo chuyện này với vua, nhưng ông không làm.

Vừa xinh đẹp vừa sắc sảo khôn ngoan, khéo chiều chuộng, Nguyễn Thị Anh đã khiến Thái Tông say mê điên đảo, đến mức truất ngôi của Nghi Dân, phế bỏ địa vị hoàng phi của mẹ Nghi Dân là Dương Thị Bí xuống thành dân thường để lập Bang Cơ, lúc đó mới 1 tuổi, làm thái tử. Biết bà phi khác là Ngô Thị Ngọc Dao mang thai, sợ nếu bà sinh hoàng tử thì ngôi thái tử của con có thể lại sẽ bị tranh dành, Nguyễn Thị Anh đã vu cáo Ngọc Dao rất nhiều tội với vua.


Đền thờ Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ ở Lệ Chi viên

Nghe Nguyễn Thị Anh nỉ non bên gối, Thái Tông tin lời, định giết Ngọc Dao, nhưng được Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ ra sức can ngăn nên nhà vua không giết nữa, chỉ đày Ngọc Dao ra một ngôi chùa.

Lo sợ cho sự an toàn của hoàng phi Ngô Thị Ngọc Dao nên gần ngày bà sinh, vợ chồng Nguyễn Trãi đã bí mật tổ chức đưa bà về huyện Duyên Hà (nay thuộc Thái Bình), là đất phong của Đinh Liệt, một đại thần đang có thế lực rất lớn trong triều lúc đó, đồng thời là người thân của bà, chính thân mẫu của bà cũng đang sống ở đó. Và tại đó bà đã sinh hoàng tử Lê Tư Thành. Việc này khiến Nguyễn Thị Anh căm vợ chồng Nguyễn Trãi đến thâm gan tím ruột.

Thấy sự dị nghị về dòng máu của Bang Cơ càng ngày càng lan rộng trong triều, và thấy vuaThái Tông đi tuần miền đông, nghỉ tại Côn Sơn, sợ Nguyễn Trãi sẽ tố cáo về nguồn gốc Bang Cơ, nên Nguyễn Thị Anh đã bí mật lệnh cho bọn thái giám thân tín hạ sát nhà vua. Dịp may đã tới khi về đến hành cung Lệ Chi viên, vua bị cảm phải nghỉ lại. Khi ngự y từ Thăng Long chưa kịp đến, chính bọn này đã hạ độc nhà vua rồi bỏ đi với lý do tìm thầy thuốc địa phương, hầu hạ bên mình nhà vua lúc đó chỉ còn Lễ nghi Học sỹ Nguyễn Thị Lộ. Chính vì thế mà các sử gia phong kiến đã chép rằng về đến Lệ Chi viên “vua thức suốt đêm với Thị Lộ rồi băng”.

Lê Thái Tông chết năm 20 tuổi, linh cữu vua được bí mật đưa về Thăng Long phát tang. Thái tử Bang Cơ mới 2 tuổi được những đại thần thuộc phe cánh của Nguyễn Thị Anh đưa lên kế vị, hoàng phi Nguyễn Thị Anh trở thành Hoàng Thái hậu, buông rèm chấp chính. Ngay lập tức, Nguyễn Thị Lộ bị đổ tội giết vua. Thảm án Lệ Chi viên, vì vậy, thực chất là một vụ án được dựng lên với hai mục đích vừa trả thù vừa giết người diệt khẩu. Nghe đao phủ tâu lại rằng trước lúc lâm hình, Nguyễn Trãi thốt lên: “Ta tiếc không nghe lời Thắng, Phúc”, Nguyễn Thị Anh liền ra lệnh giết luôn hai hoạn quan Đinh Phúc, Đinh Thắng, cũng với mục đích diệt khẩu.

Oan khiên dù vẫn còn đeo đẳng, nhưng suốt mấy trăm năm, ở nhiều nơi nhân dân vẫn lập đền, miếu thờ Lễ nghi Học sỹ Nguyễn Thị Lộ. Thậm chí ngay tại kinh thành Thăng Long, một ngôi miếu thờ bà cũng được nhân dân làng Khuyến Lương (nay thuộc phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) xây dựng. Trong miếu có một pho tượng và một bức tranh vẽ bà. Ngày 16/8 ÂL (ngày bà thụ hình) hàng năm, dân làng vẫn tổ chức lễ giỗ bà rất trọng thể.

Đầu xuân năm Tỵ này, đến Lệ Chi viên (hiện nay thuộc thôn Đại Lai, xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh), chúng tôi vô cùng xúc động trước một quần thể kiến trúc đã được dựng lên để tưởng niệm hai danh nhân, hai con người với “hai trái tim như ngọc sáng ngời” này: Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi và Lễ nghi Học sỹ Nguyễn Thị Lộ.

Tượng Lễ nghi Học sỹ Nguyễn Thị Lộ bằng đá trắng nguyên khối, được dựng trên một gò đất tương truyền là nền cũ của hành cung. Các bậc cao niên kể, ngày trước, trên gò có một ngôi miếu nhỏ giữa um tùm cây cối. Thời Hợp tác xã nông nghiệp đang thịnh hành, ban quản trị Hợp tác xã đã cho phá miếu để xây trên gò một... trại nuôi lợn. Nhưng rồi, vẫn theo lời các bậc cao niên trong làng, thì trại vừa xây xong đã đổ sập. Hai đầu con đường qua miếu có hai tấm bia, lòng mỗi bia có hai chữ “hạ mã” (xuống ngựa), nhiều người cho rằng đó là dấu tích duy nhất còn sót lại của hành cung Lệ Chi viên.

Khu di tích Lệ Chi viên ngày nay tọa lạc trên diện tích đất rộng 3 ha, trong đó khu chính rộng gần 1 ha, gồm đền thờ Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ. Bàn thờ có tượng hai vị. Nhà tiền tế là công trình mới nhất, khởi công ngày 14/6/2012 và hoàn thành đúng ngày 16/8/2012.


Tượng Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ trong đền thờ ở Lệ Chi viên

Đặc sắc nhất trong khu di tích Lệ Chi viên là tượng đài “ngọn lửa Lệ Chi viên” trong khu chính. Đế tượng là ba vòng tròn đồng tâm tạo thành tam cấp, vừa tượng trưng cho sự hài hoà của Thiên - Địa - Nhân theo quan niệm của người xưa, vừa có ý nhắc nhở rằng chính ở nơi đây đã xảy ra một vụ án mà “tiếng oan dậy đất, án ngờ loà mây”, khiến gần bốn trăm con người thuộc ba họ nhà vị khai quốc công thần bị thảm sát tàn bạo, chỉ vì tham vọng quyền lực và phú quý của một người đàn bà.

Trên 3 vòng tròn là một khối vuông đỡ một cuốn sách mở. Sách là biểu tượng của tri thức. Một khối đá hoa cương đỏ nặng gần 8 tấn, vừa mang hình trái tim vừa mang hình ngọn lửa, được đặt trên cuốn sách mở đó. Nhìn tổng thể, tượng đài như một giọt lệ đang rơi. Giọt lệ của nhân dân muôn đời xót thương cho nỗi oan khiên dậy đất. Chính vì vậy mà tưọng đài “ngọn lửa Lệ Chi viên” còn được gọi là “tượng đài giọt lệ”.

Phần lớn nguồn kinh phí xây dựng khu di tích Lệ Chi viên là từ sự quyên cúng của các nhà hảo tâm, của các doanh nghiệp và sự đóng góp của nhân dân, tổng trị giá tới trên 10 tỉ đồng.

Đến thăm Lệ Chi viên ngày nay, du khách không ai không cảm phục trước tâm sức của “Hội những người yêu kính Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ”, do nhà giáo về hưu Hoàng Đạo Chúc làm hội chủ.

Từ ngày thành lập, các hội viên của hội đã không quản gian nan, vất vả để “đưa vụ án Lệ Chi viên ra ánh sáng”. Năm 2002, nhờ sự vận động của hội, một cuộc hội thảo khoa học lớn về vụ án Lệ Chi viên đã được tổ chức, với sự tham dự của hàng trăm nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, nhà văn hoá... Tiếp theo là nhiều công trình khảo cứu về vụ án đã được xuất bản. Cũng nhờ sự vận động của hội mà ba ngôi đền thờ Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ đã được xây dựng: Một ở xã Tân Lễ (Hưng Hà, Thái Bình), quê hương của Lễ nghi Học sỹ Nguyễn Thị Lộ, một ở Khuyến Lương (phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) và thứ ba chính là đền thờ ở Lệ Chi viên. Ngày 15/9/2012, UBND tỉnh Bắc Ninh đã trao bằng chứng nhận Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp tỉnh cho khu di tích.

Toàn khu di tích xanh mát bởi màu xanh của hơn hai trăm cây vải. Sau gần sáu trăm năm, những cây vải mới lại được trồng trên đất này, trả lại cho Lệ Chi viên cái tên vốn có của nó là vườn vải. (Hết)

Xem thêm
Thái Hòa: 'Tôi thích diễn nhân vật độc ác'

Thảm đỏ ra mắt bộ phim 'Cái giá của hạnh phúc' quy tụ dàn khách mời đình đám của showbiz Việt và nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả, truyền thông.

Atalanta tái đấu Liverpool: Chờ một phép màu từ The Kop

Trận tứ kết lượt về giữa Atalanta vs Liverpool trong khuôn khổ Europa League 2023/2024 sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 19/4/2024 trên sân vận động Atleti Azzurri d'Italia. 

U23 Việt Nam đặt mục tiêu thắng U23 Malaysia

U23 Việt Nam đã trở lại tập luyện để chuẩn bị cho trận tiếp theo gặp U23 Malaysia tại bảng D VCK U23 châu Á 2024. Đây là trận đấu mang tính bản lề.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm