| Hotline: 0983.970.780

Trầm Bê chưa nắm rõ luật, Phạm Công Danh bức xúc với lãi ngoài

Thứ Tư 10/01/2018 , 18:56 (GMT+7)

Ngày 10/1, phiên toà xét xử Phạm Công Danh, Trầm Bê và 44 đồng phạm giai đoạn 2 bắt đầu phiên thẩm vấn, xét hỏi các bị cáo. Tại phiên toà, bị cáo Trầm Bê nhận trách nhiệm nhưng đề nghị xem xét lại hành vi phạm tội.

 Phạm Công Danh: “Bị cáo bức xúc vì các khoản lãi ngoài”

Trầm Bê “Bị cáo chưa nắm hết luật Tín dụng”.

Khai tại tòa, ông Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank) cho biết, có quen biết Phạm Công Danh đã 4, 5 năm (trước khi được đặt vấn đề vay vốn). Khi được Danh đặt vấn đề vay từ hơn 1.000 đến 2.000 tỷ đồng, Trầm Bê đồng ý nhưng yêu cầu phải có tài sản đảm bảo. Danh nói có đủ điều kiện nên Trầm Bê giao Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Sacombank) xem xét hồ sơ. Sau đó, Phan Huy Khang báo lại là đồng ý cho vay 1.800 tỷ đồng, là hạn mức tối đa mà Trầm Bê được phê duyệt. Ngày 25/4/2013, Trầm Bê ký duyệt tờ trình của Sacombank Chi nhánh Hưng Đạo và Chi nhánh Quận 8, đồng ý chủ trương cho các công ty của Danh vay của hai chi nhánh.

Chủ tọa phiên tòa “vặn”: “Theo quy định trong Luật tổ chức tín dụng, ngoài việc có tài sản đảm bảo, điều kiện để cho vay là phương án kinh doanh, phương án trả nợ của đối tượng vay vốn, chứ không phải tài sản “ảo” như giấy chứng nhận thành lập công ty, hay bảo lãnh của lãnh đạo VNCB”. Ông Trầm Bê trả lời rằng chưa nghiên cứu hết Luật tổ chức tín dụng nhưng đã giao cho Phan Huy Khang xem xét các thủ tục cho vay. Bị cáo chỉ quan tâm rằng Phạm Công Danh có tài sản đảm bảo và chỉ đồng ý chủ trương cho vay, cách thức cho vay như thế nào là trách nhiệm của Tổng Giám đốc.

Bị cáo Trầm Bê vẫn nhận trách nhiệm khi chỉ xem xét về điều kiện Phạm Công Danh có tài sản đảm bảo để cho vay tiền. Tuy nhiên, bị cáo Trầm Bê cho rằng hành vi này là không trái quy định. Bị cáo chỉ coi Phạm Công Danh là đại diện cho một pháp nhân tập thể, không thể xem việc có quen biết và bàn bạc với Phạm Công Danh là có tư lợi để cáo buộc bị cáo về tội cố ý làm trái và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét. Đồng thời đề xuất: “Luật Các tổ chức tín dụng nên sửa đổi cho rõ một chút nữa, để đừng có người khác rơi vào hoàn cảnh giống như bị cáo”!

Bị cáo Phạm Công Danh: “Bị cáo bức xúc với lãi ngoài”

Chiều cùng ngày, HĐXX thẩm vấn Phạm Công Danh.

Trong vụ án này, Phạm Công Danh bị cáo buộc đã chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên ngân hàng VNCB và tập đoàn Thiên Thanh lập 29 hồ sơ khống vay hơn 6.000 tỉ đồng từ 3 ngân hàng khác bằng cách dùng tiền của VNCB gửi sang 3 ngân hàng này để bảo lãnh cho các khoản vay. Sau khi cho các công ty vay tiền, 3 ngân hàng này thu hồi nợ từ số tiền gửi của VNCB với tổng số tiền hơn 6.000 tỉ đồng. Toàn bộ số tiền vay được từ 3 ngân hàng, Phạm Công Danh dung chi tiêu, trả nợ, chi lãi suất ngoài vượt trần cho khách hàng…

“Tại sao bị cáo lại mượn các ngân hàng khác để vay tiền cho mình để làm gì? Vì lý do gì bị cáo lại chỉ đạo cấp dưới nộp hồ sơ không có thật để vay rất nhiều tiền? Tiền vay được để làm gì”, chủ tọa phiên tòa hỏi.

 Trầm Bê: “Bị cáo chưa nghiên cứu hết Luật tổ chức tín dụng, nhưng đã giao cho Phan Huy Khang xem xét các thủ tục cho vay…”.

Trả lời thẩm vấn, Phạm Công Danh thừa nhận sai khi có hành vi lập khống hồ sơ để vay tiền từ các ngân hàng khác. Tuy nhiên, bị cáo xin tòa được trình bày về “đường đi nước bước” của số tiền 6.100 tỉ đồng (được xác định là thiệt hại của vụ án) như sau: “Thời điểm năm 2013, bị cáo đã phải bỏ ra khoản chi phí rất lớn để giải quyết áp lực chăm sóc khách hàng. Số tiền vay được bị cáo đưa cho bà Hứa Thị Phấn (Sáu Phấn) 3.600 tỉ đồng để lấy tài sản từ ngân hàng ra nhưng đến nay chưa lấy ra được. Ngoài ra, bị cáo còn phải trả 2.700 tỉ đồng tiền lãi ngoài cho ông Trần Quý Thanh (Tổng giám đốc tập đoàn Tân Hiệp Phát)”.

Tuy nhiên, HĐXX ngắt lời bị cáo Danh và nhắc, những vấn đề này đã được trình bày, làm rõ trong các phiên tòa giai đoạn 1 của vụ án và không thuộc phạm vi xét xử của giai đoạn 2. “Tôi rất bức xúc vì hành vi chi lãi ngoài nhưng chưa bao giờ được nói”, bị cáo Phạm Công Danh nói tiếp. Theo lời bị cáo Danh, thời điểm năm 2013, VNCB chịu áp lực rất lớn để đảm bảo ngân hàng có tính thanh khoản.  Để huy động được vốn, bị cáo Phạm Công Danh phải chi lãi suất vượt trần trái quy định cho khách hàng gửi tiền lên tới 14%, thấp nhất là từ 5% đến 6%. 

Vị chủ tọa phiên tòa vẫn khẳng định những vấn đề này không thuộc phạm vi xét xử của vụ án. Trong khi đó, luật sư Hà Hải, người bào chữa cho bị cáo Danh, tỏ ra khá bức xúc khi thân chủ của mình không được phép trình bày. 

Luật sư Hải cho rằng, cáo trạng xác định Phạm Công Danh làm thất thoát của VNCB hơn 6.000 tỉ đồng, vì vậy cần làm rõ số tiền đó đã được dùng vào việc gì, nhưng đến lúc muốn trình bày thì lại không được chấp nhận. Trước đó luật sư Hà Hải đã gửi đơn kiến nghị đến tòa liệt kê đường đi của số tiền 6.100 tỷ đồng được xác định là thiệt hại của vụ án và đề nghị Hội đồng xét xử có biện pháp thu hồi.

Dùng tiền vay để nâng vốn điều lệ là không đúng quy định

Một trong những “trợ thủ” đắc lực của Phạm Công Danh là Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB). Theo cáo trạng, Phan Thành Mai đã trực tiếp họp bàn, thống nhất ký Biên bản họp HĐQT đề ra chủ trương cấp tín dụng cho Phạm Công Danh thông qua các công ty của Danh vay tiền bằng các hồ sơ trái quy định. Mai cũng đã thực hiện sự chỉ đạo của Danh, chuẩn bị nguồn tiền, làm chủ tài khoản để ký hợp đồng tiền gửi, ký lệnh điều chuyển tiền, ký bảo lãnh cho các công ty vay tiền; đề xuất với Danh về việc phát hành trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh, Công ty Trung Dung trái pháp luật, thông qua Quỹ Lộc Việt bán, thế chấp trái phiếu đó lấy tiền cho Danh sử dụng. Hành vi của Phan Thành Mai gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho VNCB với tổng sổ tiền là 6.126 tỷ đồng.

 Bị cáo Phan Thành Mai: “Trong số hơn 6.100 tỷ, có 4.200 tỷ dùng để nâng vốn điều lệ cho VNCB”

Trình bày tại tòa, bị cáo Phan Thành Mai cho rằng, HĐXX cần xem xét lại số tiền hơn 6.100 tỷ đồng được xác định là hậu quả của vụ án. Vì trong 6.100 tỷ đồng này, có hơn 4.000 tỷ đồng được dùng để nâng vốn điều lệ cho ngân hàng và hiện số tiền này vẫn nằm trong dòng tiền của ngân hàng ở thời điểm đó, đưa 600 tỉ đồng cho bà Hứa Thị Phấn (người chuyển nhượng ngân hàng cho Phạm Công Danh). Ngoài ra, bị cáo Phan Thành Mai cho rằng, có nhiều tài sản là cơ sở để khắc phục hậu quả vụ án nhưng chưa được xem xét; Phạm Công Danh cũng chưa được tạo điều kiện để khắc phục hậu quả trước khi cơ quan điều tra xác định con số thiệt hại của vụ án.

Đáp lại, HĐXX cho rằng, hành vi dùng tiền vay để nâng vốn điều lệ là không đúng quy định của pháp luật. Vì thế việc VNCB yêu cầu nâng vốn điều lệ dựa vào tiền vay đã không được Ngân hàng Nhà nước chấp nhận. Và, theo giám định của Ngân hàng Nhà nước, tại thời điểm khởi tố vụ án số tiền hơn 4.000 tỷ đồng đã không còn.

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.